ClockThứ Tư, 22/05/2024 08:56

Việc làm ổn định, thu nhập người lao động ngành dệt may được cải thiện

Từ đầu năm đến nay, nhất là trong quý II, số đơn hàng tại các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu tăng nhanh. Nhiều đơn vị có đủ lượng đơn hàng sản xuất đến hết năm nay, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinhLĩnh vực sử dụng nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo có năng suất tăng vọtĐề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024 và điều chỉnh phân vùng một số địa bàn

Sản xuất tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội. (Ảnh NGUYÊN TRANG) 

Không ít doanh nghiệp vừa nhận đơn hàng vừa "chốt" thanh toán từ các đối tác, đồng thời tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng tiến độ sản xuất sản phẩm xuất khẩu đến thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và các nước khu vực Trung Ðông.

"Bùng nổ" đơn hàng

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty sản xuất may mặc Dony (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) phấn khởi cho biết: Từ tháng 4, tháng 5 đến nay, đơn hàng tăng nhiều, nhất là đơn hàng từ thị trường các nước Trung Ðông, cho nên công nhân của công ty làm không hết việc. Kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, đây là thời điểm doanh nghiệp có nhiều đơn hàng nhất. Tính đến tháng 5/2024, sản lượng của công ty tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây công ty đã tuyển dụng thêm 20% số công nhân và triển khai tăng ca để kịp hoàn thành hợp đồng xuất khẩu.

Chị Lê Thị Mỹ Giang, công nhân khâu hoàn tất đơn hàng cho biết, hai tháng qua, đơn hàng về liên tục, chị tranh thủ đăng ký làm tăng ca để tăng thu nhập. Việc làm đều đặn nên thu nhập của chị tăng bình quân 2-3 triệu đồng/tháng, đời sống cũng dễ thở hơn trước.

Tương tự, đơn hàng may mặc của Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú thuộc Tập đoàn PPJ thời gian gần đây cũng khá dồi dào. Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn thông tin: Tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn bắt đầu khởi sắc từ quý I, sang quý II thì "bùng nổ" các đơn hàng. Sản lượng quý II năm 2024 tăng 130% so với cùng kỳ năm trước, đây là dấu hiệu rất tích cực. Ngoài thị trường và các đối tác truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, tập đoàn còn mở rộng phát triển sang các thị trường khác như Canada, Australia, New Zealand,...

Hiện các nhà máy của Tập đoàn PPJ có hơn 17.000 công nhân, tập đoàn đang phải tuyển thêm gần 2.000 công nhân để đáp ứng sản xuất. Trong đó, riêng nhà máy đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyển khoảng 400 công nhân cùng với 3.500 công nhân lao động hiện có, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh đặt ra. Do đơn hàng dồi dào, thu nhập của công nhân hiện đạt từ 11 đến 13 triệu đồng/tháng, nhiều người không còn ý định về quê như thời điểm trước đây.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của thành phố Hà Nội bốn tháng đầu năm 2024 đạt 637 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ðến hết tháng 4, doanh thu của Tổng công ty May 10 tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II năm 2024 và đang tiếp tục đàm phán cho những tháng tiếp theo. Năm 2024, May 10 có kế hoạch tuyển dụng thêm hơn 2.000 lao động. Tương tự, Công ty May Hồ Gươm (quận Hà Ðông, Hà Nội) đã có các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nga,... đến hết tháng 5/2024, bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 3.000 công nhân.

Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG là doanh nghiệp dệt may lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với 18 nghìn cán bộ, công nhân. Nhờ uy tín thương hiệu được xây dựng từ nhiều năm tại thị trường châu Âu và Mỹ, từ cuối năm 2023 đến nay, đơn hàng của công ty rất dồi dào, có điều kiện lựa chọn những hợp đồng xuất khẩu với giá tốt, đủ việc làm cho công nhân đến cuối năm nay với mức thu nhập tối thiểu 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nguyễn Văn Thời cho biết: "Bốn tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu các mặt hàng dệt may thương hiệu TNG đạt 80,5 triệu USD. Doanh nghiệp đang sắp xếp lại mặt bằng các nhà máy để lắp đặt thêm dây chuyền, mở rộng sản xuất, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tuyển thêm khoảng 2.000 công nhân".

Khi chuyển đến vị trí mới tại cụm công nghiệp Sơn Cẩm (xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên) từ tháng 7/2023 đến nay, Nhà máy may TNG Việt Thái (trực thuộc Công ty TNG) liên tục mở rộng quy mô sản xuất. Giám đốc nhà máy Ðỗ Thị Thanh Sơn chia sẻ: "Chuyển nhà máy đến cụm công nghiệp Sơn Cẩm có mặt bằng rộng, đơn hàng nhiều, chúng tôi đã nâng từ 16 dây chuyền may, hơn 700 công nhân lên 22 dây chuyền với hơn 1.000 công nhân, thu nhập bình quân người lao động đạt 9,5 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm trước. Ðến cuối năm nay, chúng tôi sẽ lắp đặt thêm 10 dây chuyền may và tuyển dụng hơn 700 công nhân nữa. Tuyển công nhân mới, nhà máy hỗ trợ khám sức khỏe, trong thời gian đào tạo nghề 1-3 tháng, người lao động được hỗ trợ 200 nghìn đồng/ngày".

Ưu tiên số hóa, xanh hóa

Tuy sản xuất, kinh doanh có khởi sắc hơn, nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi người tiêu dùng trong và ngoài nước đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Xu hướng chính của thị trường thế giới là đơn hàng nhỏ, chất lượng cao, thời gian giao hàng ngắn, sản phẩm chất liệu bền vững, thân thiện môi trường,... Ðiều này dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp cao hơn, lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động dệt may gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa tuyển được đủ số lượng so với nhu cầu đề ra. Thị trường dệt may mới chỉ phục hồi về số lượng đơn hàng chứ chưa phục hồi về đơn giá,…

Ðể vượt qua những khó khăn, thách thức này, các doanh nghiệp dệt may luôn phải cải tiến để không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, tăng năng suất người lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến, ưu tiên số hóa.

Tổng Giám đốc Hanosimex Hồ Lê Hùng chia sẻ, đơn vị tập trung cho công tác thị trường, củng cố lại đội ngũ bán hàng, tích cực tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất của các nhà máy, giảm thiểu các đầu mối trung gian,… Tổng công ty May 10 cũng xây dựng kế hoạch, ưu tiên phát triển đầu tư công nghệ tự động hóa ở một số các công đoạn, nhất là phần mềm quản trị hệ thống; xây dựng nguồn lực thích ứng kịp thời với sự thay đổi của nền công nghiệp dệt may toàn cầu.

Một trong những giải pháp, đồng thời cũng là xu hướng phát triển của ngành dệt may là chiến lược "xanh hóa". Tổng công ty May 10 đầu tư hệ thống tuần hoàn nước, nồi hơi, năng lượng mặt trời và chú trọng theo dõi nguồn gốc nguyên liệu, đáp ứng các yêu cầu tái chế, tiêu chuẩn vòng đời sản phẩm, nguyên liệu sạch và khả năng tái chế cao. Bên cạnh đó, đơn vị giảm thiểu sử dụng nguyên liệu từ hóa thạch, ưu tiên chuỗi cung ứng sử dụng vải từ sợi tái chế để giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên gây ô nhiễm cho môi trường.

Công ty cổ phần Dệt may Supertex (huyện Thanh Oai, Hà Nội) chú trọng vào việc sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường thế giới. Ông Lê Ðại Quảng, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Hiện các nước EU, Nhật Bản có những yêu cầu khắt khe về sản xuất tuần hoàn và bảo vệ môi trường, cho nên doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng. Doanh nghiệp đã sử dụng thiết bị biến tần, công nghệ inverter, năng lượng áp mái và không sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch… không chỉ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, giảm chi phí sản xuất mà còn giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đang nỗ lực thay đổi để đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành dệt may, vì nhiều nhà máy được đầu tư xây dựng từ các năm trước nên cần nguồn lực đầu tư lớn. Ðể đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh của các nhà nhập khẩu, nhất là các nước châu Âu và Mỹ, Công ty TNG đang thực hiện các tiêu chí về sử dụng năng lượng, nước, vật liệu, cảnh quan-sinh thái, rác thải và ô nhiễm, thích nghi và giảm thiểu, các vấn đề về cộng đồng,... theo tiêu chuẩn của LEED (Cộng hòa Pháp).

Ðến nay đã có bốn nhà máy được LEED cấp chứng chỉ sản xuất xanh. Công ty phấn đấu tất cả các nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh trong những năm tới. Ðại diện doanh nghiệp dệt may cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng ban hành bộ tiêu chí, hồ sơ, hướng dẫn sản xuất xanh theo hướng hội nhập, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế để doanh nghiệp dệt may dễ thực hiện.

Theo Nhân dân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF):
Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu

Thị trường việc làm toàn cầu đang chuẩn bị cho một sự chuyển đổi đáng kể vào năm 2030, khi nhiều việc làm phải đối mặt với sự gián đoạn, theo Báo cáo Tương lai của việc làm tháng 1/2025, vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.

Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu
Xu thế việc làm trong thời kỳ số

Cán cân giữa lao động chính thức và phi chính thức đang có sự dịch chuyển không chỉ phạm vi cả nước mà ngay ở địa phương. Nhất là khi có nhiều ngành nghề mới hình thành trong thời đại công nghệ số, người lao động càng phải chủ động, thích ứng, tự học để duy trì công việc và thu nhập ổn định.

Xu thế việc làm trong thời kỳ số
Mang Tết đến cho người lao động

Các cấp công đoàn đang ra sức triển khai nhiều chương trình thiết thực để mang đến cho người lao động một mùa xuân trọn vẹn và ấm áp khi Tết đang cận kề.

Mang Tết đến cho người lao động
Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

TIN MỚI

Return to top