ClockThứ Sáu, 29/01/2021 15:08

Toàn cảnh kinh tế tháng 1: Hàng loạt chỉ số tăng trên 20%

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2021 ước tính tăng cao 22,2% so với tháng 01/2020; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,9%; trong khi vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 24,5%. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030Trưởng Ban dân vận Tỉnh uỷ thăm, chúc tết các vị chức sắc tôn giáoXây dựng nhãn hiệu "Du lịch A Lưới" và nhãn hiệu tập thể "Đệm bàng Phò Trạch"CNBC: Việt Nam là nền kinh tế hoạt động hàng đầu châu Á trong đại dịchCông cuộc cải cách luôn “đụng chạm” lợi ích của không ít cá nhân và “lợi ích nhóm”Làm giàu từ trồng rừng kinh tế

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố các số liệu tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021.

Ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%

Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, thêm vào đó số ngày làm việc của tháng Một năm nay nhiều hơn năm trước nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2021 ước tính tăng cao 22,2% so với tháng 01/2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2021 giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%, đóng góp 21,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%, đóng góp 1,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm.

Đăng ký doanh nghiệp khởi sắc

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 01/2021 có nhiều khởi sắc khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 01/2021 là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng 01/2020.

Trong tháng 01/2021, cả nước có gần 10,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 115,9 nghìn lao động, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký và tăng 37,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 240 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01/2021 là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01/2021 lên 16.594 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng Một năm nay có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 18.055 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 54,3%; 5.602 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8%; 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 29,2%.

Giải ngân đầu tư công tăng 24,5%

Hoạt động đầu tư trong tháng 01/2021 tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020. Đối với các công trình mới được bố trí vốn năm 2021 chủ yếu đang trong trong thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2021 ước tính đạt 23.233 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch năm và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 3,6% và tăng 8,2%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng Một ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu, chi ngân sách Nhà nước, trong tháng 01/2021, nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp do mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế; chi ngân sách Nhà nước đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Tháng 01/2021 là thời điểm trước Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch tăng so với tháng trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21 và do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm trước rơi vào tháng Một.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2021 ước tính đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 8%).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2020 đạt 27.653 triệu USD, cao hơn 1.153 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 01/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Một có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 12/2020 nhập siêu 252 triệu USD; năm 2020 xuất siêu 20 tỷ USD. Ước tính tháng 01/2021 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,06%

Tháng 01/2021 là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng; giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2021 tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước và thu hoạch cây vụ đông ở miền Bắc. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Sản xuất lâm nghiệp tập trung chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ Tết trồng cây xuân Tân Sửu. Ngành thủy sản đạt sản lượng khai thác khá do thời tiết ngư trường thuận lợi, người dân tích cực bám biển trong tháng cận Tết.

Tính đến thời điểm 15/01/2021, cả nước gieo cấy được 1.826,9 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 92,9% cùng kỳ năm trước.

Thời tiết rét đậm, rét hại trong tháng Một đã ảnh hưởng đến chăn nuôi trâu, bò. Ước tính tháng Một, tổng số bò cả nước tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số trâu giảm 2,7%; tổng số lợn tăng 16,2%; tổng số gia cầm tăng 6,5%.

Sản lượng thủy sản tháng 01/2021 ước tính đạt 497,9 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo baochinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top