ClockThứ Bảy, 28/09/2019 12:50

Thừa Thiên Huế trao 6 giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019

TTH.VN - Sáng 28/9, UBND tỉnh tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019. Đại diện lãnh đạo tỉnh, ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến dự.

Kết nối nhà đầu tư thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạoHội thảo quốc tế về khởi nghiệp và sáng tạo15 dự án/ý tưởng khởi nghiệp tranh tài vòng chung kếtKhởi nghiệp Việt Nam hiện thực khát vọng vươn ra thế giới

3 dự án/ý tưởng đạt Giải thưởng của UBND tỉnh xếp lần lượt Nhất, Nhì, Ba, gồm: Dự án Gender – Giáo dục Kỹ năng sống thông qua trò chơi; Dự án Giáo dục Kỹ năng sống cho trẻ (trẻ bình thường và trẻ tự kỷ) - Phương pháp giáo dục con trong thời đại công nghệ 4.0 và Sinh trắc vân tay – khám phá tiềm năng trẻ; Dự án Phát triển dịch vụ du lịch Sen Huế.

Đại diện Dự án Giáo dục Kỹ năng sống cho trẻ nhận giải thưởng

3 tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân đạt Giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh với nguồn kinh phí từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, gồm:  Giải A là Đặc sản Mộc Truly Hue’s của Phạm Thị Diệu Huyền; đồng Giải B là dự án SAVE BLOOD và “Vỏ đậu vi sinh” – Giải pháp tận dụng hiệu quả phế phẩm vỏ đậu kết hợp với công nghệ vi sinh để phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp nhà phố của Lê Văn Tài.

Trong số 36 hồ sơ tham dự cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019, có 4 doanh nghiệp (chiếm 11,2%), 16 cá nhân (chiếm 44,4%) và 16 nhóm tác giả (chiếm 44,4%). Trong số các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia cuộc thi có 20 dự án đã tạo ra được sản phẩm (chiếm 55,5%). Ban tổ chức đã lựa chọn 15 ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng nhất vào vòng chung kết. Những ý tưởng, dự án này thuộc các lĩnh vực: giáo dục, du lịch, thương mại, nông nghiệp… Nhiều ý tưởng/dự án ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa sản phẩm.

Tham dự buổi lễ tổng kết và trao giải thưởng, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chúc mừng kết quả Thừa Thiên Huế đã đạt được.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Thừa Thiên Huế có cách làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc biệt. Không công nghiệp hóa, không nông nghiệp công nghệ cao, mà có gì đó rất bản sắc Huế. Để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững, Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, cần hết sức kiên trì, bình tĩnh nhưng phải làm thường xuyên, liên tục để giữ lửa cho những người đang có tinh thần khởi nghiệp và có trí tuệ để sáng tạo.

Ông Quất mong muốn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn giữ được thế mạnh của Huế về trí tuệ, sáng tạo, đổi mới và sớm nghĩ đến việc kết nối với hệ sinh thái toàn cầu. Chỉ có vươn ra khơi ranh giới địa phương và biên giới quốc gia thì hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới khai thác nguồn lực quốc tế, đưa trí tuệ của mình ra chinh phục thế giới, tìm kiếm thị trường và kêu gọi đầu tư cho các sản phẩm.

Tác giả Phạm Thị Diệu Huyền giới thiệu về đặc sản của Mộc Truly Hue’s

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, khẳng định cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo  lần thứ tư tiếp tục đạt được kết quả thành công. Tuy nhiên, để những kết quả đó thực sự lan tỏa trong thực tiễn cuộc sống, ông Phan Thiên Định đề nghị:

Thứ nhất, lãnh đạo các cấp ngành cần thực sự quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, coi cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hoạt động thiết thực nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp và phát triển tinh thần doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, các đoàn thể, các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kích thích tư duy sáng tạo trong lực lượng học sinh, sinh viên, giảng viên và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Thứ ba, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ và các doanh nhân, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa để hỗ trợ, dìu dắt các tác giả/nhóm tác giả khởi nghiệp đưa sản phẩm của mình đi xa hơn trên thị trường.

Thứ tư, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan đơn vị liên quan cần chủ động đề xuất, tham mưu nhằm hỗ trợ tốt hơn các dự án đạt giải thưởng tiếp tục phát triển, thương mại hóa sản phẩm, hướng đến phát triển đội ngũ doanh nhân mới trong cộng đồng doanh nghiệp Thừa Thiên Huế.

Ngoài 6 dự án/ý tưởng được UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trao giải thưởng, có thêm 8 dự án/ý tưởng được được các doanh nghiệp, quỹ khởi nghiệp chọn trao thưởng. Trong đó, riêng Dự án Gender – Giáo dục Kỹ năng sống thông qua trò chơi, ngoài Giải Nhất của UBND tỉnh trao, còn được Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam chọn trao hai gói giải thưởng, với tổng kinh phí 85 triệu đồng.

Bài, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng hành cùng người trẻ khởi nghiệp

Tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp tốt với nhà đầu tư... là những hoạt động được các đơn vị chức năng, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp đi trước thực hiện.

Đồng hành cùng người trẻ khởi nghiệp
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TIN MỚI

Return to top