ClockThứ Bảy, 28/12/2019 10:37

Đi chợ thời... bão giá

TTH.VN - Giá thịt lợn tăng kỷ lục đang ảnh hưởng lớn đến chi tiêu cho từng bữa ăn của gia đình. Là loại thực phẩm thông dụng, việc giá thịt tăng cũng đang kéo theo một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng chế biến tươi, chín từ thịt tăng theo.

Ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đánLiên tục tăng cao, giá thịt lợn vọt lên mức kỷ lục

Giá thịt lợn tăng cao kỷ lục ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của người dân 

Tính toán cho từng bữa ăn

Mua gì, ăn gì là băn khoăn của những người nội trợ khi ra chợ trong thời buổi vật giá một số thực phẩm tăng cao.

Chị Ngọc vừa rời chợ phường Đúc (TP. Huế) vừa than thở: "Lui tới chẳng biết ăn món chi, ngoài thịt, cá. Mà giá thịt lợn giờ đắt đỏ, gấp 3 lần so với trước đây, giá cả mấy loại thịt, cá khác cũng nhích theo nên rất khó mua".

Là nhân viên làm công ăn lương, thu nhập không mấy tăng, nhưng tính ra bây giờ, mỗi ngày gia đình chị Lan, ở Phú Thượng (Phú Vang) phải chi ra khoảng 200 nghìn đồng cho mỗi buổi chợ, thay vì trước đó chưa tới 100 nghìn đồng. Chị Lan chia sẻ: "Với thu nhập ổn định như mình mà còn thấy khó, huống hồ những người lao động chân tay, thời vụ e rằng phải chắt bóp, tính toán mới lo bữa ăn chu toàn cho gia đình".

Mấy ngày nay, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống có dấu hiệu tiếp tục tăng, dao động trên dưới 190 nghìn đồng/kg. Mức giá này dự báo sẽ còn tăng trong những ngày giáp tết cổ truyền sắp tới.

Giá thịt tăng kéo theo các mặt hàng được chế biến từ thịt như nem, chả, bánh chưng, bánh tét, bún... cũng tăng theo. Giá thịt bò trong những ngày qua cũng tăng từ 30-40 nghìn đồng/kg. Nhiều mặt hàng dù không liên quan gì đến thịt lợn cũng tăng giá do nhu cầu mua tăng. 

"Ăn thịt lợn không nổi, mình phải đổi sang ăn cá, ăn thịt gà, thịt vịt, cộng tăng thêm lượng rau, củ, quả. Dù tiết kiệm, chắt bóp, nhưng túi tiền cần chi cũng tăng gần gấp đôi so với những lần đi chợ trước, trong khi thu nhập chẳng mấy tăng", chị Quỳnh Châu, TX. Hương Thủy trò chuyện.

Nhiều gia đình cải thiện chi tiêu bằng cách tăng cường chế độ rau củ quả

Giá những mặt hàng thiết yếu khác như đồ khô, rau củ quả tuy không tăng nhiều, song một số mặt hàng thực phẩm tươi sống giàu đạm như thịt, cá, tôm... đang tăng thấy rõ.

"Khái niệm hiếu khách "thêm cái bát, đôi đũa" chẳng đáng chi giờ cũng là một vấn đề, nhất là trong thời bão giá "đắt xắt ra miếng". Sinh viên sống xa nhà như chúng em rất khó đi chợ. Tính ra, lựa chọn ăn cơm bụi trường kỳ còn rẻ hơn đôi chút", Gia Thanh, sinh viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế nói vui.

Thay đổi mua bán, tiêu dùng

Thời gian này, Siêu thị Co.opmart Huế ngoài kinh doanh thịt lợn tươi nguồn tại địa phương, đơn vị còn nhập thêm thịt đông lạnh nhập khẩu từ hệ thống Co.opmart cung ứng. Bình quân mỗi ngày, tại siêu thị cung ứng khoảng 100kg thịt lợn các loại. Giá thịt lợn tươi từ 190-194 nghìn đồng/kg. Giá thịt đông lạnh thấp hơn, khoảng 150 nghìn đồng/kg.

Theo đại diện Siêu thị Co.opmart, việc nhập thêm thịt đông lạnh và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống khác giúp người dân có thêm sự lựa chọn và cải thiện chi tiêu trong thời điểm giá thịt lợn tăng cao.

Siêu thị Big C Huế không nhập bán thịt lợn đông lạnh mà chỉ cung ứng thịt lợn tươi tại địa phương với lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày 70kg, riêng cuối tuần tăng lên khoảng 100kg. Mức giá thay đổi thường xuyên, song có  ngày giá  thịt tại siêu thị thấp hơn giá thị trường từ 3-5%.

Ngoài ra, trong những ngày này, so sánh giá thịt gà thấp hơn giá thịt lợn, nên nhu cầu tiêu thụ thịt gà đông lạnh tăng, trong đó chủ yếu khách hàng là các nhà hàng, khách sạn.

Các mặt hàng thịt gà đông lạnh có mức giá rẻ hơn so với thịt lợn nên xu hướng được chọn mua đang tăng

Ông Phạm Văn Trai, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thông tin, với điều kiện bình thường, sản lượng đàn lợn tại địa phương chỉ đủ cung ứng 50-60% nhu cầu tiêu thụ. Dự báo dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nguồn cung thịt lợn sẽ rất khó khăn. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch nhằm đa dạng nguồn cung thịt lợn. Qua nắm tình hình, các siêu thị lớn như Co.opmart Huế, Vin Mart… đã có kế hoạch cung ứng mặt hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ châu Âu, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã tiêu hủy là 73.729 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 4.447 tấn. Tổng đàn lợn hiện có 137.830 con (tính cả lợn con theo mẹ). Số lượng đàn lợn giảm nhưng chất lượng đàn lợn tăng mạnh (đàn lợn nạc chiếm trên 94% tổng đàn). Đàn lợn nái vẫn giữ được khoảng 16.000 con, cơ bản đáp ứng được nhu cầu lợn giống cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học trong tỉnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 24.637 tấn.

Để ổn định tâm lý người tiêu dùng, hiện các ngành chức năng tập trung tuyên truyền người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng thịt lợn đông lạnh hoặc các thực phẩm tươi sống khác nhằm thay thế thịt lợn trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giảm tác động tiêu cực đến chi tiêu của người dân.

Bài, ảnh: Hoài Thương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ 1,8 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc

Ngày 21/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Huế cho biết, qua khám xét kho hàng thực phẩm đông lạnh tại địa chỉ thôn 1B, xã Thuỷ Phù (thị xã Hương Thuỷ), đơn vị đã phát hiện và thu giữ số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Thu giữ 1,8 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc
Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025

Trong bối cảnh thực phẩm ngày càng “trở nên toàn cầu”, những sáng kiến phát triển ẩm thực ra đời với tốc độ ánh sáng, cộng thêm sức nặng của truyền thông xã hội, các đầu bếp trên thế giới đang ngày càng biến đổi và sáng tạo ẩm thực, trong đó mọi quy luật đều có thể bị phá vỡ. Trong năm mới 2025, dưới dây là một số xu hướng được nhận định sẽ định hình xu hướng ẩm thực toàn cầu.

Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

Sáng 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phiên chất vất và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri, nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận quan tâm theo dõi.

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

TIN MỚI

Return to top