ClockChủ Nhật, 21/08/2022 07:28

Cẩn trọng với bánh Trung thu trôi nổi

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng hiện nay thị trường bánh Trung thu đã rất sôi động. Từ các cửa hàng trên đường phố đến các trang mạng xã hội tràn ngập các loại quảng cáo về bánh Trung thu. Cùng với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã, mầu sắc… nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hết lo ngại về chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này.

Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em bảo đảm an toàn, lành mạnh và tiết kiệmThị trường đồ chơi, bánh trung thu trầm lắng vì dịch bệnhThị trường bánh Trung thu rộn ràng bán hàng online

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm trong vụ việc vận chuyển 5.075 chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại tỉnh Bắc Giang. (Ảnh Cục QLTT tỉnh Bắc Giang)

Sau một thời gian trầm lắng do dịch Covid-19, năm nay, thị trường Trung thu quay trở lại sôi động và sớm hơn. Khoảng một tuần trở lại đây, trên các tuyến đường đã bắt đầu xuất hiện nhiều gian hàng chuyên kinh doanh bánh Trung thu,... Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bài viết bán mặt hàng này với nhiều mức giá và loại bánh khác nhau.

Năm nay, trên kênh bán hàng trực tuyến của một số công ty bánh kẹo truyền thống, như: Hải Hà, Kinh Ðô, Hữu Nghị…, các mặt hàng bánh Trung thu được bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Từ những loại bánh cổ truyền cho đến những loại bánh chay dành cho người ăn kiêng được kết hợp các loại nhân đậu xanh, khoai môn, hạt sen… Trung bình một chiếc bánh có giá 60-100 nghìn đồng. Thậm chí, những dòng bánh cao cấp có giá lên tới 1,5-4,5 triệu đồng/hộp.

Bên cạnh các nguyên liệu truyền thống như bột mì, đậu xanh, hạt dẻ, trà xanh, hạnh nhân, khoai môn... các nhà sản xuất còn sử dụng nhiều loại nguyên liệu quý hiếm cho dòng bánh hạng sang như bào ngư, vi cá, yến sào, tôm hùm, cua hoàng đế…Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị, Trung thu là dịp mang nhiều ý nghĩa với người Việt Nam, là ngày trẻ nhỏ vui vầy "trông trăng, phá cỗ", cho mọi người hội ngộ, chia sẻ cùng gia đình người thân, các doanh nghiệp tri ân tới khách hàng của mình. Nắm bắt được cơ hội đó, cùng với việc cho ra các bộ sưu tập bánh Trung thu Thanh Nguyệt 2022, với mong muốn lưu giữ khoảnh khắc cuộc sống, góp phần khắc họa những vẻ đẹp đặc trưng các vùng miền trên cả nước…, Công ty Hữu Nghị còn xây dựng chính sách giá hợp lý với nhiều khoảng giá khác nhau, phù hợp phân khúc tiêu dùng...

Thực tế cho thấy, bên cạnh những thương hiệu uy tín lâu năm đã được khẳng định, hiện nay, trên thị trường, nhất là trên một số website, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều mặt hàng bánh siêu rẻ, không rõ nguồn gốc được rao bán với rất nhiều lời giới thiệu hấp dẫn, như không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, an toàn... với giá thành rẻ, chỉ 15-30 nghìn đồng/chiếc. Trên nhiều trang Facebook cá nhân, một loại bánh Trung thu mini nội địa nước ngoài được quảng cáo có giá chỉ 99.000 đồng/25 chiếc, tức chỉ 4.000 đồng/chiếc. Thậm chí, nếu lấy nhiều bánh này có giá chỉ khoảng 50 nghìn đồng/kg, tức chỉ khoảng 2.000 đồng/cái.

Liên quan về giá cả và chất lượng của các loại bánh nêu trên, anh Trần Huy, chủ một cửa hàng bánh ngọt ở quận Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, một số loại bánh Trung thu mini có xuất xứ từ nước ngoài đã có mặt trên thị trường vài năm trở lại đây. Ðây thường là loại hàng được gia công, sử dụng nguyên liệu rẻ tiền. Bánh cũng làm từ vỏ bột mì, nhưng nhân, mầu sắc, chủ yếu pha từ hương liệu thực phẩm... Ðặc điểm chung của những chiếc bánh này là đều có mầu sắc sặc sỡ, đa dạng kiểu dáng, không rõ nơi sản xuất hay thành phần, nhưng trông rất bắt mắt với đủ các mầu sắc, với đủ vị từ hạt dẻ, dâu tây, đậu xanh... Thời gian bảo quản của bánh lên đến bốn tháng. Ðiều này khiến dân làm bánh chuyên nghiệp cũng như người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng an toàn thực phẩm.

Theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế, hiện có một số loại nguyên liệu, nhân bánh làm sẵn đang được bán ở các khu chợ, cửa hàng bánh không được kiểm soát. Ðây cũng chính là vấn đề đáng lo ngại cho người tiêu dùng. Ðiều nguy hiểm là các chất phụ gia, phẩm mầu, chất bảo quản nếu sử dụng quá liều lượng có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng… nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Theo quy định của Bộ Y tế, bánh Trung thu không thể bảo quản ở điều kiện thông thường trong thời gian dài. Việc sản xuất và kinh doanh bánh Trung thu nói riêng và các loại hàng hóa, thực phẩm khác nói chung là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Kể cả nhà sản xuất hay cơ sở kinh doanh, buôn bán đều phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, với các loại bánh được bảo quản sơ sài, người tiêu dùng cần cảnh giác về chất lượng sản phẩm cũng như khâu kiểm soát của cơ quan chức năng.

Thực tế càng chứng minh những rủi ro, nguy cơ từ các loại bánh Trung thu kém chất lượng. Ngày 6/7 vừa qua, Ðội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh Trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đó, Ðội Quản lý thị trường số 24 đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh của hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Ðức, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 5.100 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài. Bà Phan Thị Nhàn, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định. Theo ghi nhận ban đầu, số hàng hóa này bà Nhàn mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Tết Trung thu đang đến gần, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, tạo điều kiện cho người dân đón Tết Trung thu vui tươi, an toàn, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng,... các cơ quan liên quan cần tăng cường thanh tra, hậu kiểm, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn. Về phía người tiêu dùng nên chọn lựa các sản phẩm bảo đảm tiêu chí về chất lượng và nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả cộng đồng.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
An toàn thực phẩm từ Sáng kiến Một Sức Khỏe

Cải thiện an toàn thịt lợn tại các cơ sở giết mổ và chợ truyền thống là mục tiêu hướng đến tại Hội nghị tổng kết Hợp phần An toàn thực phẩm Sáng kiến Một Sức Khỏe do Quỹ CGIAR Trust Fund tài trợ, Viện Thú y thuộc Bộ NN & PTNT phối hợp cùng Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức, diễn ra tại TP. Huế trong ngày 27/12.

An toàn thực phẩm từ Sáng kiến Một Sức Khỏe
Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu

Hãng Thông tấn AFP ngày 11/12 trích dẫn cảnh báo mới nhất từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho hay, tình trạng ô nhiễm “hóa chất vĩnh cửu” ở các vùng nước tại khu vực châu Âu thường vượt quá ngưỡng quy định, được đặt ra nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường.

Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu

TIN MỚI

Return to top