ClockThứ Tư, 18/11/2020 06:00

Tăng cường quản lý hệ thống cây xanh đô thị

TTH - Địa bàn thành phố Huế đang hiện hữu trên 300 loài cây xanh, bao gồm cây bóng mát và cây cảnh. Sự đa dạng loài này đã tạo nên bộ mặt thực vật đặc thù cho thành phố Huế.

Cây xanh là ký ứcHuy động tổng lực để dọn rác cây xanhHuế sau khi bão qua

Rất nhiều cây xanh trên đường Phan Chu Trinh bị bật gốc, tướt cành trong cơn bão số 5. Ảnh HK

Từ lâu, Huế được mệnh danh là thành phố xanh. Tuy nhiên, điều không ai mong muốn đã xảy ra là sau thiên tai và nhân tai lặp đi lặp lại, nhiều cây xanh đường phố bị gãy đổ, nghiêng ngả hoặc chết đứng đã được trồng thay thế một cách tuỳ tiện, không chọn lọc.

Kết quả là hiện nay, nhiều đường phố có hai hàng cây xanh hỗn loài. Một số đường phố hiện hữu cả chục loài cây đan xen hỗn độn, trong đó có cả cây tạp có tên trong danh mục cấm hoặc hạn chế trồng. Một vài loài cây bóng mát rụng lá theo mùa, thân cành dễ bong tước, gãy đổ khi gặp gió lớn nhưng dễ nhân giống nên được trồng rộng rãi thiếu chọn lọc…

Do hệ thống cây xanh đô thị Huế được hình thành và phát triển theo lịch sử xây dựng và phát triển đô thị Huế nên cây xanh ở Huế rất đa dạng về độ tuổi là lẽ tất yếu. Điều đáng quan tâm là thực trạng trên một đường phố hiện hữu hai hàng cây xanh đủ độ tuổi, từ cây cổ thụ đến cây trung niên và cả mới trồng. Chúng được bố trí đan xen một cách vô cảm đã tạo ra một cảnh tượng không đẹp mắt. Một số vỉa hè đường phố đang hiện hữu hai hàng cây không đồng dạng, cây cao/cây thấp, cây mập/cây gầy, cây đứng/cây nghiêng… trông rất nhếch nhác.

Huế đang hiện hữu nhiều cá thể cây cổ thụ đạt tiêu chuẩn “Cây di sản Việt Nam” nhưng các cấp quản lý chưa quan tâm bảo tồn, mặc cho năm tháng mưa bão, ngập lụt hoành hành hoặc mặc cho người dân tác động tiêu cực. Thực tế, nhiều năm qua đã có quá nhiều cây cổ thụ có giá trị về sinh thái môi trường và sinh thái nhân văn đã phải lìa đời do thiên tai và nhân tai.

Dù Thông tư 20/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định cụ thể về quy cách trồng cây xanh trên vỉa hè đường phố, nhưng thực tế cho thấy cây xanh ở nhiều đường phố trong thành phố Huế đã được trồng không theo quy định, tạo nên một bức tranh nhiều kiểu. Từ đó ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây xanh và làm cho vỉa hè không thông thoáng.

Việc chăm sóc cây xanh hiện nay chủ yếu là cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao tán cây với mục đích phòng tránh gió bão, chưa quan tâm việc cắt tỉa tạo tán nhằm tôn tạo cảnh quan và kích thích cây sinh trưởng phát triển, đồng thời chưa thấy chăm sóc bảo vệ phòng tránh cây bị xâm hại bởi sinh vật đeo bám, sinh vật xâm nhập làm thối cành, rỗng ruột và các nhân tai gây tổn thương làm giảm tuổi thọ cây hoặc bức tử cây. Do chưa được xây dựng vỉa hè hoặc có vỉa hè hẹp (< 3m) nên khá nhiều đường phố ở nội đô thành phố Huế chưa có cây xanh. Đây là một hạn chế không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và tôn tạo cảnh quan.

Việc chỉnh trang, trồng mới để phát triển hệ thống cây xanh đô thị theo chiều hướng tích cực và bền vững là bức thiết. Để cảnh quan thành phố ngày càng đẹp hơn, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo tồn một thành phố di sản đặc thù thì không thể không nghĩ tới kế hoạch chỉnh trang, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp kỹ thuật khả thi như sau: Triệt hạ cây tạp (cây ngoài quy hoạch, cây cấm trồng, cây do người dân hoặc cơ quan trồng tự phát…) trên các tuyến đường phố và chọn loài thích hợp để trồng thay thế.

Tái quy hoạch, di dời cây xanh đường phố cho đúng quy cách. Tái quy hoạch, trồng thay thế, trồng bổ sung cho các công viên, điểm xanh. Trồng mới cho những tuyến đường chưa có cây xanh. Đặc biệt, những tuyến đường có vỉa hè hẹp (< 3 m) nên trồng cây theo phương thức trồng treo để tránh tình trạng cây phát triển choán vỉa hè, rễ cây xâm hại công trình ngầm kỹ thuật hoặc cây không sinh trưởng phát triển bình thường do rễ không có đất để phát triển và tán cây bị che sáng.

Trồng thay thế và trồng mới cây xanh cho hai bờ sông Hương, bờ sông Đông Ba, bờ kênh Ngự Hà, bờ Hộ thành hào… Đây là giải pháp thiết thực, vừa tôn tạo hai bờ sông Hương, các bờ kênh vừa hạn chế sạt lở. Cần đẩy mạnh công tác bảo tồn cây lịch sử và cây di sản.

Huế sở hữu một Quần thể di tích đồ sộ và nhiều điểm văn hoá. Ở đó đang tồn tại nhiều cây gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển thành phố, nhiều cây mang đậm dấu ấn về văn hoá. Trong số đó, có nhiều cây có tuổi đời trên cả trăm năm đạt tiêu chuẩn được công nhận “Cây di sản Việt Nam”. Bảo tồn cây lịch sử và cây di sản sẽ tăng tính bảo tồn sinh thái nhân văn, góp phần rất lớn vào tính đặc thù cho thành phố Huế.

Nghiên cứu di thực thêm nhiều loài hoa thích hợp để trồng và phát triển trên các công viên, sân vườn công sở, khách sạn, nhà nghỉ, homestay… để góp phần thực hiện chủ trương “Huế - thành phố bốn mùa hoa” của UBND tỉnh.

Thiết nghĩ, cũng cần có những giải pháp hành chính sau đây: Tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò của cây xanh, hạn chế tối đa việc tác động tiêu cực vào cây xanh đô thị, tiến tới chung tay cùng chính quyền địa phương bảo vệ cây xanh trên các vỉa hè, công viên, điểm xanh.

UBND tỉnh cần sớm xây dựng quy định quản lý và chế tài các phần tử có hành động tác động tiêu cực vào cây xanh, bức tử cây xanh vì mục địch lợi ích cá nhân.

UBND thành phố cần có chỉ thị cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế lập kế hoạch tái quy hoạch vườn ươm cây xanh theo hướng bền vững, chú ý đến việc chọn lọc chủng loại, chất lượng cây gieo ươm, xuất vườn chứ không phải chỉ chú ý đến số lượng. Đồng thời, UBND thành phố nên có phương án để đẩy nhanh tiến độ thực thi dự án “Chỉnh trang cây xanh đô thị” đã được thai nghén từ những năm 2015 -2018.

Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột chính của hệ thống an sinh góp phần quan trọng bảo đảm đời sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng. Năm 2025, BHXH thành phố Huế triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… nhằm ổn định cuộc sống, đồng thời giúp người dân phòng tránh các rủi ro, bệnh tật.

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh
Thông tin doanh nghiệp:
Giấy vệ sinh cuộn lớn và vai trò quan trọng trong hệ thống vệ sinh công cộng

Giấy vệ sinh cuộn lớn ngày càng trở nên phổ biến trong các hệ thống vệ sinh công cộng nhờ vào khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng cao, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Sản phẩm này không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường sạch sẽ và an toàn cho cộng đồng.

Giấy vệ sinh cuộn lớn và vai trò quan trọng trong hệ thống vệ sinh công cộng

TIN MỚI

Return to top