ClockChủ Nhật, 15/09/2024 14:10
CHỐNG THẤT THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ:

Tăng cường kết nối dữ liệu

TTH - Chống thất thu thuế thương mại điện tử là vấn đề nóng trong thời gian gần đây, khi con số doanh thu kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) công bố khá lớn, nhưng số thu ngân sách chưa tương xứng. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chỉ đạo nhằm chống thất thu trong lĩnh vực này.

CHỐNG THẤT THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Kỳ 2-Chỉ quản lý thuế là chưa đủCHỐNG THẤT THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: Kỳ 1: Nhận diện hành vi trốn thuế

 Ông Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã trao đổi với ông Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, ông cho biết: 

Tại Thừa Thiên Huế cũng như nhiều địa phương đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT. Thừa Thiên Huế cũng đưa ra một số chỉ tiêu thúc đẩy TMĐT đến năm 2025, như: 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, mạng xã hội...; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử…

Điều đó cho thấy, lĩnh vực TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, dần có chỗ đứng, thay thế dần hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ theo cách thức truyền thống.

Ông có thể cho biết số thu nộp ngân sách thời gian qua ở lĩnh vực này như thế nào và những tình huống có thể gây thất thu ngân sách?

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh phát sinh 140 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT với doanh thu kê khai điều chỉnh là 184.551 triệu đồng, số thuế phải nộp 4.272 triệu đồng.

Quá trình triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT cho thấy, có 2 nhóm tình huống gây thất thu ngân sách lĩnh vực này.

 Thúc đẩy hóa đơn điện tử sẽ giảm thiểu thất thu thuế 

Tình huống xuất phát từ hành vi của người bán hàng trên sàn TMĐT có thể kể như trốn tránh việc khai báo thuế, cố tình không thừa nhận có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT; hoặc có báo cáo, kê khai thì cũng chỉ kê khai doanh thu thấp hơn so với thực tế để giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Đây là hành vi gian lận phổ biến nhất trong lĩnh vực TMĐT.

Ngoài ra, theo quy định, các sàn TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh của người bán hàng cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, một số sàn TMĐT vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này; hoặc có thực hiện thì dữ liệu thông tin vẫn còn chồng chéo chưa chính xác, khiến cho việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn.

Cục Thuế tỉnh đã có những giải pháp gì để  chống thất thu thuế ở lĩnh vực này?

Hoạt động chống thất thu thuế TMĐT trên địa bàn được tổ chức theo nhiều hướng. Trong đó, Cục Thuế tỉnh đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT. Cục Thuế tỉnh cũng thực hiện khai thác dữ liệu TMĐT do các sàn TMĐT cung cấp để thu thập thông tin về hoạt động kinh doanh của người bán hàng trên sàn; rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên TMĐT. Từ đó, Cục Thuế tỉnh phát hiện; cảnh báo và xử lý thu thuế đối với các đối tượng kinh doanh trên sàn TMĐT nhưng chưa kê khai, nộp thuế theo quy định.

Đối với các đối tượng kinh doanh trên sàn TMĐT nếu chây ỳ nợ thuế, Cục Thuế tỉnh sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế bằng nhiều hình thức, như: Cấm xuất cảnh; phong tỏa tài khoản ngân hàng. Cục Thuế tỉnh áp dụng các giải pháp công nghệ để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT, cũng như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác để chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT.

Nhờ đó, doanh thu thuế từ hoạt động TMĐT có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Từ năm 2021 - 2023, doanh thu kê khai thuế từ hoạt động TMĐT là 91.786 triệu đồng, với số thu nộp ngân sách là 2.824 triệu đồng. Và trong 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu kê khai thuế từ hoạt động TMĐT là 92.765 triệu đồng, số thu nộp ngân sách 1.448 triệu đồng. Lũy kế đến nay, doanh thu từ hoạt động TMĐT trên địa bàn đã kê khai thuế là 184.551 triệu đồng, số thuế thu nộp đạt được 4.272 triệu đồng.

Theo ông đâu là "điều kiện cần và đủ" trong công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT?

Điều kiện cần trong công tác chống thất thu lĩnh vực này chính là khung pháp lý cơ bản về thuế đối với hoạt động TMĐT. Khung pháp lý này phải được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện để phù hợp kịp thời với tốc độ phát triển của lĩnh vực TMĐT, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và dễ hiểu cho cả cơ quan quản lý và người nộp thuế.

Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan (thuế, hải quan, ngân hàng...) để theo dõi chặt chẽ các giao dịch TMĐT giúp phát hiện và ngăn chặn hành vi trốn thuế cũng rất cần thiết. Ngoài ra, ngành thuế cũng đầu tư vào công nghệ thông tin để xây dựng các hệ thống quản lý thuế thông minh, tự động hóa các quy trình, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Đội ngũ công chức chuyên nghiệp cũng được đào tạo theo hướng có chuyên môn cao, am hiểu về TMĐT và các công cụ kỹ thuật số để có thể ứng phó với những hình thức kinh doanh mới, phức tạp.

Điều kiện đủ chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan; sự tham gia của doanh nghiệp trong tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế; sự hỗ trợ của người dân trong nâng cao nhận thức về nghĩa vụ nộp thuế, khuyến khích người dân tố cáo các hành vi trốn thuế.

Tóm lại, để chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện, cơ sở dữ liệu thống nhất, cùng với sự ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại là những yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Được biết, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT trong thời gian tới. Việc này kỳ vọng sẽ giải quyết được khá nhiều tồn tại hiện nay trong công tác quản thuế phải không, thưa ông?

Việc Tổng cục Thuế đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành riêng cho cá nhân và hộ kinh doanh TMĐT là một bước đi đúng đắn và rất kịp thời trong bối cảnh công tác chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Đây là một giải pháp được kỳ vọng không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, mà còn góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế, góp phần tăng thêm nguồn thu đối với lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Martech Đà Nẵng 2025: Sức mạnh kết nối, vượt tầm công nghệ

Giải bóng Martech Cup 3 miền và sự kiện Martech Đà Nẵng 2025 không chỉ là một cơ hội để các đội bóng giao lưu, tranh tài mà còn là nơi các chuyên gia, doanh nhân, marketer và các tổ chức khám phá và cập nhật những công nghệ, chiến lược mới nhất trong lĩnh vực marketing và công nghệ.

Martech Đà Nẵng 2025 Sức mạnh kết nối, vượt tầm công nghệ
APEC 2025: Ưu tiên kết nối, đổi mới, thịnh vượng

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và bất ổn kinh tế toàn cầu, Hàn Quốc vừa công bố tầm nhìn và các ưu tiên trong năm Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2025.

APEC 2025 Ưu tiên kết nối, đổi mới, thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top