ClockThứ Tư, 10/11/2021 05:42

Phòng dịch COVID-19 ở các nhà máy

TTH - Sau khi 2 doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn xuất hiện các ca dương tính COVID-19 trong nhà máy (NM), các DN tăng cường các biện pháp phòng dịch và thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường 2 điểm đến” nhằm đảm bảo yêu cầu vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và đảm bảo việc làm cho người lao động (NLĐ).

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dụcThủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19Vận chuyển vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 từ châu Âu về Việt Nam

Sản xuất hàng dệt may tại Công ty Sơn Hà Huế

Khẩn trương, khoa học

Là công ty chuyên về dịch vụ outsourcing toàn diện về nội y, quần áo tắm, quần áo thể thao hoạt động tại Khu công nghiệp Phong Điền, khi lượng công dân từ các vùng dịch trở về địa bàn ngày càng đông, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng cao, đặc biệt là khi NM xuất hiện F0, Công ty Scavi Huế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho CBCNV- LĐ và ổn định hoạt động của công ty. Trong đó, phương án sản xuất “3 tại chỗ”/“1 cùng đường 2 điểm đến” là biện pháp phòng bị hữu hiệu.

Theo Trưởng ban Phòng, chống dịch COVID-19 Công ty Scavi Huế - ông Hồ Phan Minh Đức, từ khi dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020 cho đến nay, công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch chặt chẽ, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Trong đó, tổ chức xét nghiệm COVID-19 kịp thời để bóc tách các thành viên bị nhiễm bệnh và thực hiện xét nghiệm định kỳ để tầm soát rủi ro; thực hiện nghiêm ngặt biện pháp 5K và chính sách hạn chế tiếp xúc - Chính sách 10T (mỗi thành viên không được tiếp xúc gần quá 10 thành viên khác, cố định trong quá trình làm việc cũng như sinh hoạt bên ngoài) thông qua hệ thống đăng ký và kiểm soát trực tuyến; kiểm soát sự tuân thủ 5K-10T hàng ngày.

Công ty thường xuyên tổ chức cách ly cục bộ giữa các NM và phân xưởng trong các NM (tách biệt NM, tách biệt bộ phận/phân xưởng) trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, nỗ lực để hoàn thành tiêm vắc-xin đầy đủ 2 mũi cho toàn bộ người trong công ty trong tháng 11/2021.

Nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, số CBCNV- LĐ bị nhiễm COVID-19 và các F1, F2 hạn chế tối thiểu, lãnh đạo tỉnh và CDC tỉnh đã thẩm định tình hình và đánh giá Scavi Huế vẫn đủ điều kiện an toàn, hoạt động bình thường.

Tại Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế (HBI), sau khi xuất hiện các F0, công ty đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch, điều tra dịch tễ toàn bộ CBCNV-LĐ tại các NM và lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện, phân loại F để ngăn chặn nguồn lây.

Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng dịch trong và ngoài NM, công ty triển khai nghiêm ngặt công tác kiểm soát NLĐ và thực hiện quy trình quản lý NLĐ theo các tiêu chí phòng dịch, đồng thời đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho đội ngũ NLĐ của NM.

Cùng với công tác phòng dịch bên trong nhà máy, hiện các DN vận động NLĐ thực hiện việc “giám sát chéo” đối với các CBCNV-LĐ lưu trú tại các địa phương, khu nhà trọ nhằm hạn chế nguồn lây dịch COVID-19 trong khu dân cư. Theo đó, nhiều chính sách thưởng - phạt được đặt ra với mục tiêu chung là chặn nguồn lây từ trong và ngoài NM.

Lãnh đạo Công ty CP Dệt may Phú Hòa An cho rằng, dù công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong NM có nghiêm ngặt đến đâu, nhưng bỏ qua khâu kiểm soát NLĐ từ bên ngoài vào thì nguy cơ lây nhiễm dịch là rất lớn. Vì vậy, khi số lượng F0 trong cộng đồng ngày càng nhiều, công tác kiểm soát người từ các vùng dịch được đặt lên mức cao, trong đó yêu cầu NLĐ thực hiện vai trò "giám sát chéo" để giữ cho NM "sạch".

Sau khi xuất hiện các ca F0 trong nhà máy, Công ty Scavi Huế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho CBCNV- LĐ

Tăng cường “3 tại chỗ”

Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Sơn, để duy trì sản xuất, đảm bảo tiến độ các đơn hàng và tạo việc làm cho NLĐ, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Ban đã hướng dẫn các DN lên phương án sản xuất “3 tại chỗ” với phương châm “1 cung đường 2 điểm đến”, chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Đồng thời, yêu cầu các DN có NLĐ tại các địa phương có ca bệnh hoặc NM có F0, nguy cơ lây nhiễm cao triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Đến nay, Công ty Scavi Huế đủ điều kiện và đã triển khai sản xuất “3 tại chỗ” đối với 500/7.000 lao động; một số DN đang chuẩn bị hạ tầng để triển khai khi NM có F0 và nguy cơ lây nhiễm cao.

Từ đầu năm 2021, Công ty Scavi Huế đã chuẩn bị các địa điểm lưu trú nội bộ, cũng như khảo sát, lựa chọn và ký biên bản ghi nhớ với một số khách sạn, khu resort trên địa bàn tỉnh đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch để NLĐ “cùng ăn, ở và tham gia làm việc” trong thời gian có rủi ro dịch bệnh.

Theo lãnh đạo công ty, qua gần 1 tháng triển khai, hiệu quả của mô hình sản xuất “3 tại chỗ” rất tốt, DN vừa duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và ổn định việc làm cho NLĐ. Sắp tới, DN tiếp tục nhân rộng mô hình, làm việc với các cơ sở lưu trú để tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" để ổn định sản xuất.

Theo chị Nguyễn Thị H., sau khi NM xuất hiện F0 và bản thân trở thành F2, thay vì phải ở nhà thực hiện giám sát y tế, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người thân, tôi đã đồng ý tham gia phương án “3 tại chỗ” và được công ty bố trí ở lại tại trường mầm non. Hàng ngày, công ty đưa đón tập trung bằng xe buýt đến NM làm việc, bố trí ăn ở theo quy định phòng dịch nên rất yên tâm, thoải mái trong quá trình lưu trú và làm việc tại công ty.

Ông Lê Văn Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế cho rằng, với đặc thù NLĐ của công ty đa số trú trên địa bàn, trong khi ở các khu vực lân cận rất ít khách sạn, nhà nghỉ đảm bảo các tiêu chí phòng dịch nên công ty tận dụng khu nhà xưởng có diện tích rộng, sắp xếp lại các chuyền may để bố trí cho NLĐ ở lại sản xuất. Qua khảo sát, hiện có 50% lao động đăng ký tham gia sản xuất “3 tại chỗ” nên công ty sẽ triển khai ngay từ khi trong NM xuất hiện F0.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em

Chiều 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Tổ chức Blue Dragon International (Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh) tổ chức hội nghị trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và công tác phòng, chống mua bán người giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Hà Giang. Tham dự có bà Skye - Đồng Giám đốc Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và lãnh đạo một số ban, ngành của hai tỉnh: Thừa Thiên Huế và Hà Giang. ​

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em

TIN MỚI

Return to top