ClockThứ Ba, 22/02/2022 16:06

Phòng, chống rét cho gia súc

TTH - Theo dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa rét, vùng miền núi Nam Đông, A Lưới nhiệt độ giảm sâu, nguy cơ rét đậm, rét hại kéo dài. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, người dân, chính quyền địa phương vùng miền núi đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc.

Bảo vệ gia súc, gia cầm trước đợt rét sắp tớiĐề phòng các đợt rét kéo dài ở Nam Đông, A Lưới

Lùa gia súc về chuồng trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại

Chăn nuôi an toàn

Năm nay, từ đầu vụ mưa rét, các địa phương đã có văn bản, chủ động nhân lực, vật lực hỗ trợ, vận động các hộ dân triển khai các giải pháp phòng, chống rét cho gia súc.

Huyện A Lưới với hàng nghìn con gia súc, đa phần được chăn thả rong, tận dụng các đồng cỏ, nương đồi. Chăn nuôi gia súc góp phần lớn vào phát triển kinh tế của địa phương, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro thiệt hại do chăn thả tự nhiên trên rừng. Trong đợt rét đầu năm 2022, các địa phương chủ động bám sát, hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ cho các hộ dân trong công tác ứng phó, phòng, chống rét cho trâu bò.

Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn thông tin, toàn xã hiện có hơn 1.200 gia súc, chủ yếu trâu, bò, dê được chăn thả. Ngay từ đầu mùa rét, xã vận động các hộ dân trữ thức ăn khô, xây, gia cố lại chuồng trại. Trong trường hợp rét vừa thì cuối ngày lùa trâu bò về chuồng trại; rét đậm, rét hại phải nuôi nhốt và bổ sung thức ăn chuẩn bị trước đó.

Từ năm 2021, xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung khoảng 300ha, nằm xa khu dân cư, gần đồng cỏ và có chuồng trại cố định.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, toàn huyện hiện có 26 nghìn con gia súc, tập trung chủ yếu ở các xã vùng trong như Đông Sơn, A Roàng, Lâm Đớt. Ứng phó với đợt rét những ngày tới, huyện yêu cầu chính quyền địa phương các xã vận động người dân lùa trâu bò thả rong về chuồng trại, che chắn an toàn. Người dân tiến hành tích trữ thức ăn (khoảng 1 tuần), gia cố lại chuồng trại phòng khi rét đậm, rét hại kéo dài; cử cán bộ về cơ sở để nắm tình hình và hỗ trợ, hướng dẫn người dân chống rét cho gia súc. Tận dụng vật liệu cũ, mái che từ các công trình công cộng, dân sinh đang tháo dỡ để xây mới, các địa phương sử dụng vật liệu cũ hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo có nuôi gia súc để tiến hành che chắn chuồng trại. Hiện nay, có 3 xã đã hỗ trợ cho người dân. Cách làm này khá hiệu quả, bởi chuồng trại được gia cố sẽ bảo vệ được đàn gia súc qua mùa rét.

Trong đợt mưa rét đầu năm 2022, Chi cục Chăn nuôi & Thú y (CN&TY) tỉnh chỉ đạo các địa phương có phương án bảo vệ, chống rét, chuẩn bị thức ăn cho các đàn gia súc, gia cầm đề phòng các đợt rét kéo dài, nhất là các địa phương thuộc miền núi huyện Nam Đông và A Lưới. Bởi trước đây, trong đợt rét đầu năm 2021 đã làm hơn 1.000 con gia súc ở huyện miền núi A Lưới, Nam Đông bị chết.

Chủ động ứng phó

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương về ứng phó với rét đậm rét hại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Theo đó, yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói rét. Triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn và hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm, thủy sản.

Người dân A Lưới "mặc áo" cho trâu bò phòng, chống rét

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết, để chủ động ứng phó, phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi, Sở NN&PTNT đề nghị Phòng NN&PTNT, Phòng, Kinh tế phân công cán bộ phối hợp với UBND địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn gia cố chuồng trại.

 Hướng dẫn giảm đàn đối với các hộ chăn nuôi không chủ động đủ nguồn thức ăn dự trữ… trước khi xảy ra rét đậm, rét hại (nhất là các hộ đã bị thiệt hại trước đây); tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đối với các hộ cố tình không chấp hành thực hiện các hướng dẫn, phải lập bản cam kết không được hưởng hỗ trợ khi bị thiệt hại do lũ lụt, đói rét và dịch bệnh.

Các địa phương phổ biến kinh nghiệm phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chủ động bố trí ngân sách của địa phương để phục vụ công tác phòng đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Tập trung chỉ đạo và áp dụng mọi biện pháp tại chỗ để phòng, chống thiên tai giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, thời gian qua, Chi cục CN&TY đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện kịp thời và hướng dẫn xử lý không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, chú ý đối với các bệnh lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, tai xanh và dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường công tác chỉ đạo và đốc thúc việc tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao và dự phòng đủ các loại hóa chất tiêu độc khử trùng, vắc- xin,... để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nếu có dịch bệnh xảy ra.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại A Lưới

Ngày 24/12, Đoàn viên thanh niên, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ (A Lưới).

Khánh thành công trình thanh niên Thắp sáng đường quê tại A Lưới
Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất

TIN MỚI

Return to top