ClockThứ Sáu, 03/11/2017 06:06

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật: Gây hại cho sức khỏe, môi trường

TTH - Biết sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp có nhiều tác hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe nhưng nhiều người vẫn bất chấp.

 Việc nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu hiện chưa có quy định chế tài, xử phạt

Sử dụng tùy tiện

Vụ đông xuân mới bắt đầu các công đoạn làm đất, cày ải nhưng chị Đào Thị Hồng ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) đã mua đầy đủ các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ chuẩn bị phòng trừ sâu bệnh. Theo nghề nông đã hơn 10 năm, với chị Hồng việc sử dụng hóa chất trong trồng trọt là lẽ đương nhiên. Cứ bước vào mùa vụ trồng lúa, hay rau màu thì chị đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phòng trừ sâu bệnh và diệt cỏ.

“Mấy vụ gần đây, cán bộ BVTV, khuyến nông và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên tình hình sâu bệnh, các loại cỏ gây hại lúa diễn biến ngày càng phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, buộc người dân phải sử dụng, thậm chí lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe con người”, chị Hồng thừa nhận.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, ông Đào Trọng Thành khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng hiện nay không hề dễ. Chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền và vận động người dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV, còn lại phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của bà con. Cán bộ địa phương hay cấp trên về kiểm tra, giám sát nhưng không thể thường xuyên nên người dân vẫn lén lút, lạm dụng phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ là khó tránh khỏi. Thậm chí sâu bệnh chưa khởi phát nhưng người dân đã phun thuốc phòng ngừa. Nhiều bà con còn cho rằng, cứ pha chế thuốc với lượng càng cao thì dễ diệt trừ sâu bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, ông Cái Văn Thám cho rằng, thuốc trừ sâu, hay diệt cỏ đều là loại hóa chất độc hại, nhưng vì phục vụ sản xuất nên Nhà nước vẫn cho phép sử dụng. Tuy nhiên các nhà sản xuất, kinh doanh và người dân phải tuân thủ các quy định, tuyệt đối không lưu hành và sử dụng các loại thuốc hết hạn, thuốc giả, thuốc cấm, cũng như không nên lạm dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất.

“Sâu bệnh gây hại cây trồng thì không thể không dùng thuốc để phòng trừ, nhưng quản lý, giám sát chặt chẽ, không nên lạm dụng. Lâu nay bà con nông dân rất tùy tiện trong việc sử dụng thuốc BVTV như liều lượng, thời lượng phun thuốc quá cao, không đúng thời điểm. Điều này không chỉ gây lãng phí về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe mà chính họ là người ảnh hưởng trực tiếp", ông Thám khuyến cáo.

Hiện nay trên thị trường có hơn 4.000 loại sản phẩm được phép lưu hành, phục vụ trừ sâu, diệt cỏ, ốc bươu, điều hòa sinh trưởng cho cây trồng. Hằng năm, Chi cục TT&BVTV tổ chức một số đợt rà soát, đánh giá và công bố danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng, lưu hành.

Nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong sản xuất gây hại lớn cho sức khỏe và môi trường (Ảnh có tính minh họa)

Xem chừng... thuốc cấm

Ngoài quản lý việc lạm dụng thuốc BVTV, kinh doanh thuốc hết hạn, kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn trong quản lý, giám sát các loại thuốc có chứa chất cấm, chất độc hại có thể gây ung thư như hai hoạt chất 2,4D và Paraquat. Mới đây, Bộ NN & PTT đã kết luận hai chất trên là nguy hiểm, có thể gây hại mắt và ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ngay sau đó, Bộ đưa các loại thuốc có chứa hai chất này khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng.

Theo Bộ NN&PTNT, hai chất 2,4D và Paraquat rất độc hại có thể gây ung thư, quái thai... khi tiếp xúc trực tiếp, hay tồn dư trong sản phẩm, môi trường nhưng đã được sử dụng ở nước ta từ rất lâu như 2,4D thường dùng để diệt cỏ chét, cỏ lát, còn Paraquat diệt cỏ trên cạn, trên đồi... Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng các loại thuốc có chứa hai hoạt chất này, còn ở Việt Nam, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân hiện nay vẫn lén lút sử dụng.

Ông Cái Văn Thám thông tin, đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện các loại thuốc có chứa hai chất độc hại 2,4D và Paraquat trên thị trường Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ cá nhân đến nay vẫn chưa được kiểm tra, giám sát nên chưa thể khẳng định có sự tồn tại các loại thuốc cấm trên địa bàn tỉnh hay không.

Một số khó khăn trong công tác quản lý, giám sát, nhất là chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm tại các địa phương được ông Thám nêu rõ: Đến nay vẫn chưa có quy định, chế tài xử phạt đối nông dân trong việc lạm dụng hóa chất, thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan chức năng chỉ được xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc có chứa chất cấm. Việc thực thi các chế tài, xử lý vi phạm phụ thuộc nhiều vào chính quyền địa phương. Trong khi đó nhiều địa phương chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đến tháng 10 năm 2017, Chi cục TT&BVTV đã kiểm tra 86 cơ sở kinh doanh (trên 90%) thuốc BVTV, phát hiện và xử phạt 6 trường hợp vi phạm kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng. Chưa phát hiện hành vi kinh doanh thuốc giả, thuốc có chứa chất cấm (chất độc hại có thể gây ung thư...).

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức khỏe sinh sản - Có kiến thức, hạn chế rủi ro

Trẻ vị thành niên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục và giới tính dễ dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, địa phương, trường học huyện Phú Lộc, A Lưới nâng cao kiến thức cho các em về vấn đề này.

Sức khỏe sinh sản - Có kiến thức, hạn chế rủi ro
Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

Thương mại điện tử toàn cầu đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua. Việc số hóa cuộc sống hiện đại cùng sự ra đời của các công nghệ mới đã hoàn toàn thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Trong thập kỷ qua - đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng với tốc độ chưa từng có, biến thương mại điện tử thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các hoạt động đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư đã và đang tạo được hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

TIN MỚI

Return to top