ClockThứ Bảy, 18/09/2021 20:36

"Nói không với rác thải nhựa- Nói có với tiêu dùng xanh"

TTH.VN - Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt Chiến dịch) năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc phát động và tổ chức trên phạm vi toàn cầu từ ngày 18-20 tháng 9 với chủ đề "Nói không với rác thải nhựa. Nói có với tiêu dùng xanh" nhằm kêu gọi các quốc gia cùng hành động để tạo nên sự thay đổi lớn cho môi trường toàn cầu.

“Làm cho thế giới sạch hơn”Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vữngCam kết hưởng ứng phong trào “Nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”

Thay đổi nhận thức và hành động 

Hơn bao giờ hết, việc hạn chế tối đa phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí, giải quyết ô nhiễm nhựa, bắt đầu thập kỷ phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề cấp thiết và cần sự chung tay của toàn cộng đồng xã hội. 

Người dân phân loại rác và tích góp ve chai gây quỹ, hạn chế rác nhựa thải ra môi trường

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ông Lê Bá Phúc cho hay, thông qua Chiến dịch này, Sở TN&MT kêu gọi các cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng chủ động tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân. Nhất là chú trọng công tác vệ sinh, cải thiện chất lượng môi trường khu vực đô thị và nông thôn nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn mà các địa phương đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, nhất là ô nhiễm nhựa đại dương thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Từ năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã có thư kêu gọi "Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh-Sạch-Sáng" và phát động các phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần", "Chống rác thải nhựa". Đến nay, các phong trào này đang lan tỏa sâu rộng, để "tuyên chiến" với rác thải trong đó có rác nhựa; đồng thời tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hưởng ứng các phong trào này, nhiều ngành, nhiều cấp trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực. Sở Công thương ra quân tuyên truyền thực hiện phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần đến các tiểu thương tại các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu..., Siêu thị Big C, CoopMart Huế, VinMart. Ngành này đặt mục tiêu các siêu thị, chợ, chuỗi cung ứng thực phẩm, cửa hàng tạp hoá trong các hoạt động mua sắm, giao đồ ăn, thực phẩm giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi, bao bì nhựa... sử dụng một lần và tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện môi trường. 

Áo phao, vỏ bút... được các em học sinh tái chế từ rác thải nhựa, nguyên liệu tre

Ngành giáo dục vận động các trường học tổ chức cho các em học sinh đẩy mạnh phong trào "Làm một triệu túi giấy" để phân phối tại các chợ, các điểm tuyên truyền phong trào. Đồng thời phát động phong trào thi đua "Trường học nói không với túi ni lông sử dụng một lần", trong đó chú trọng đến khu vực nhà ăn, căn tin trường học.

Tại hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn không còn sử dụng nước uống đóng chai nhựa thể tích nhỏ sử dụng một lần mà chuyển sang sử dụng bình đựng nước lớn, ly bình thủy tinh, ly giấy trong hoạt động hằng ngày cũng như tại các cuộc họp, hội nghị, tập huấn; hạn chế dùng túi ni lông đựng tài liệu và thay vào đó sử dụng túi giấy, túi bằng vải, túi thân thiện với môi trường; sử dụng máy chiếu, màn chiếu để làm phông nền, giảm việc in panô, áp phích khi tổ chức các hội nghị, hội thảo...

Lan tỏa thương hiệu "Ngày Chủ nhật xanh" 

Hoạt động ngày Chủ nhật xanh và phong trào chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần đã từng bước đi vào cuộc sống thường nhật của các cơ quan đơn vị, các tổ chức và của từng cán bộ công chức, người lao động cũng như các cộng đồng dân cư. Ngày Chủ nhật xanh đã trở thành thương hiệu và là hoạt động tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điển hình là Bệnh viện Trung ương Huế đã hưởng ứng phong trào phát động xây dựng Bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp, hướng tới sự hài lòng người bệnh của Bộ Y tế. Thực hiện lời kêu gọi "Hãy hành động để Thừa Thiên Huế Xanh-Sạch-Sáng", các đơn vị trực thuộc Sở Y tế gồm các bệnh viện cũng tích cực triển khai các phong trào, hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường. Kết quả đã tạo ra một môi trường làm việc thông thoáng góp phần tạo cảnh quan và không gian làm việc xanh-sạch-đẹp, giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Ống hút được làm từ cỏ bàng thay thế ống hút nhựa

Hiện phong trào "Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần" được hưởng ứng, lan tỏa. Trong đó tiêu biểu phải kể đến Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các huyện như Quảng Điền, TP. Huế, Phong Điền, Phú Vang... đã tổ chức làm, tặng giỏ xách bằng nhựa sử dụng nhiều lần cho các hội viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Đông (TP. Huế) thành lập mô hình "Phụ nữ sống xanh" và duy trì đều đặn hoạt động phân loại rác tại nhà để tích góp tại 4 thùng tích góp ve chai tạo quỹ nhân ái đặt trên địa bàn phường. Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt sản xuất ống hút từ cỏ bàng thay thế ống hút nhựa, làm giỏ xách, mũ từ cây cỏ bàng, mây, tre... 

Ngoài ra, còn có các mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh khác, điển hình như: "Huế-Thành phố 4 mùa hoa", "Dòng Hương trong xanh", "Tuyến đường Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp-Trật tự trị an", chương trình sáng Chủ nhật "60 phút sạch nhà, đẹp ngõ"... đã đi vào nếp sinh hoạt, hoạt động hàng tuần của người dân Huế cùng với các địa phương của tỉnh.

Để phong trào "Nói không với túi ni lông sử dụng một lần", "Chống rác thải nhựa" đạt kết quả cao hơn, việc nghiên cứu các sản phẩm thay thế, đảm bảo tính thân thiện với môi trường đồng thời phù hợp tính kinh tế là vấn đề ưu tiên giải quyết và hiện đang rất thiếu các sản phẩm thay thế. Hỗ trợ thực hiện kế hoạch này, theo Sở TN&MT, Quỹ Bảo vệ môi trường Thừa Thiên Huế sẽ cho vay vốn ưu đãi theo quy định đối với hoạt động thu gom và tái chế túi ni lông đã qua sử dụng, hoạt động sản xuất các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông sử dụng một lần trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”

Ngày 7/12, Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) tỉnh tổ chức phát động chương trình “Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng” gây quỹ nhân đạo. Chiến dịch được được Trung ương HCTĐ Việt Nam phát động, diễn ra từ ngày 23/11/2024 đến 28/4/2025.

“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”
KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ (2/12/1964 – 2/12/2024)
Mãi mãi là mốc son

Cùng với thắng lợi của các chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài trong Đông Xuân 1964-1965, chiến thắng Bình Giã đã giúp quân và dân ta củng cố phương châm “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, tạo thế và lực vươn lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân lịch sử 1975.

Mãi mãi là mốc son

TIN MỚI

Return to top