ClockThứ Bảy, 04/03/2017 13:44

Kiến nghị điều tra sản xuất phân bón giả trên phạm vi toàn quốc

Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAW) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều tra phân bón giả trên phạm vi toàn quốc.

Lý giải về đề xuất trên, ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó Chủ tịch Thường trực VNFAW cho rằng, phân bón giả đang trở thành vấn nạn cần cuộc tổng điều tra và xử lý dứt điểm để bảo vệ nền nông nghiệp, quyền lợi cho nông dân.

Trong văn bản gửi Chính phủ, ông Thuý cho rằng chỉ trong 1 tháng ra quân tại TP.HCM, lực lượng liên ngành đã phát hiện 20/56 cơ sở sản xuất phân bón không giấy phép (chiếm hơn 35% số cơ sở sản xuất thực tế). Tại một địa phương, trung tâm kinh tế còn vậy, thì hoạt động sản xuất phân bón giả ở các tỉnh không biết thế nào mà lần. Chính vì vậy, theo ông Thuý, rất cần cuộc tổng kiểm tra diện rộng để lập lại thị trường phân bón.

Hiệp hội phân bón kiến nghị Chính phủ cho mở rộng kiểm tra hoạt động sản xuất trên phạm vi toàn quốc. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, đại diện VNFAW cho rằng, chỉ trong tháng 10/2016, khi kiểm tra 56 cơ sở sản xuất phân bón tại TP.HCM, lực lượng liên ngành gồm: Chính quyền địa phương, cơ quan công an, quản lý thị trường và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu và gian lận thương mại đã phát hiện hơn 20 cơ sở không giấy phép hoạt động, trong đó đã khởi tố 3 cơ sở với 17 bị can theo quy định của pháp luật.

"Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt đó thì rất khó để đưa các cơ sở sản xuất phân bón trên ra ánh sáng", ông Thuý nhấn mạnh.

Lấy ví dụ vụ việc liên quan đến Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai) - công ty bị Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kết luận là sản xuất phân bón giả, Thủ tướng chỉ đạo làm rõ, nhưng theo ông Thuý vụ việc đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi, nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể.

"Ngay cả khi tỉnh Đồng Nai đã họp 2 - 3 lần vẫn chưa kết luận được, phải đến khi Văn phòng Chính phủ họp và Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình ngồi điều hành thì mới kết luận được là Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán phân bón giả và giao cho Bộ Công an xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2017", ông Thuý nói.

Trên thực tế, vụ việc xảy ra với Công ty CP Thuận Phong khá phức tạp, công ty này bị tố là lợi dụng danh nghĩa của Bộ Quốc phòng để sản xuất phân bón giả. Ngày 24/4/2014 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiểm tra và kết luận Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Trung tâm kiểm định Bộ KH&CN cho kết quả 19/29 mẫu phân bón của công ty Thuận Phong không phù hợp với tiêu chuẩn đăng ký.

Ngay sau sự việc, Bộ Quốc phòng đã phát thông tin nói công ty này đã lợi dụng danh nghĩa sản xuất trong khu kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng để "làm bình phong" sản xuất phân bón giả. Cuối tháng 12/2016, thanh tra Bộ Quốc phòng cũng đề nghị khởi tố Công ty Thuận Phong vì sản xuất phân bón giả.

Tuy nhiên, sau kết luận của Bộ KH&CN, Công ty Thuận Phong cũng đã liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại vì cho rằng bị các cơ quan chức năng xử ép. Cùng thời điểm tháng 2 - 5/2016, Công an Đồng Nai xác minh chưa đủ căn cứ để kết luận Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Tổ liên ngành gồm Công an Đồng Nai, các cơ quan chức năng của Đồng Nai ra quyết định xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng, tháo bỏ niêm phong cho doanh nghiệp. Cho đến nay, Công ty này vẫn kêu oan.

Tuy nhiên, trong báo cáo gần nhất lên Chính phủ, ông Nguyễn Hạc Thuý cho rằng: Chỉ một vụ việc của Công ty CP Thuận Phong thôi đã cho thấy sự điển hình cho sự bất thường trong xử lý DN sản xuất phân bón giả và có lợi ích nhóm trong sản xuất phân bón.

"Nếu lợi ích nhóm trong ngành phân bón và tội phạm phân bón giả không được ngăn chặn, đẩy lùi thì các Thông tư, Nghị định và luật pháp của Nhà nước sẽ bị vô hiệu hoá, góp phần phá vỡ ngành phân bón Việt Nam", ông Thuý cho biết.

Theo đại diện Hiệp hội Phân bón, chỉ riêng TP.HCM, cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện được kết quả như trên. Nếu kiểm tra 63 tỉnh thì thì cho kết quả xấu biết bao? Nhiều năm qua, phân bón giả đã gây thiệt hại cho hàng chục triệu hộ nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam. Qua nhiều quyết tâm, chưa ai làm được và chưa ai biết, chỉ thỉnh thoảng hô hào rồi đi vào quên lãng.

Chính vì vậy, muốn tạo bước đột phá trong đấu tranh, lập lại thị trường phân bón Việt Nam hiện nay phải làm đến nơi đến chốn và có quyết tâm và cần có cuộc điều tra phân bón giả, kiểm tra diện rộng trên toàn quốc.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết kiến nghị cần đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân

Ngày 23/1, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương; UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh; Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu đã có buổi tiếp công dân định kỳ.

Giải quyết kiến nghị cần đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân
Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng và 245 ha đất

Ngày 28/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra. Dự và chỉ đạo hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình. Tại điểm cầu Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng và 245 ha đất
Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

TIN MỚI

Return to top