ClockThứ Năm, 30/12/2021 14:30

Hướng đến chính quyền số

TTH - “Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) của tỉnh hai năm gần đây liên tục xếp vị trí thứ 2 trên toàn quốc, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh”, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chínhPhấn đấu giải quyết 100% hồ sơ thủ tục hành chính qua Hệ thống thông tin một cửa điện tửChuyển đổi số góp phần phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Lãnh đạo Chính phủ, tỉnh tham quan Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh

Chuyên nghiệp, hiện đại

Đến Trung tâm Hành chính công TP. Huế nhận kết quả xin giấy phép xây dựng nhà ở sau khi đăng ký thủ tục hồ sơ theo hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Lâm ở phường Thủy Xuân, TP. Huế rất hài lòng. Ông Lâm chia sẻ: “Tôi thấy rất tiện lợi, chỉ cần những thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, tôi đã không phải đi lại nhiều lần, mất thời gian. Khi đến nhận kết quả, tôi còn được hướng dẫn thanh toán bằng máy POST quẹt thẻ ATM nên không phải sử dụng tiền mặt, rất hiện đại và chuyên nghiệp”, ông Lâm bảy tỏ.

Ông Trần Thanh Phong, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế cũng rất bất ngờ khi chỉ mất thời gian 3 ngày để hoàn thành mọi thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh bằng hình thức trực tuyến.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, CCHC theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh là mục tiêu then chốt của thành phố.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Hành chính công thành phố Huế đã số hóa 30.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%; hỗ trợ cá nhân, tổ chức tạo mới 7.951 tài khoản dịch vụ công để tiếp cận việc giao dịch thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến. Qua đó, số lượng hồ sơ giải quyết bằng hình thức trực tuyến trong năm là 13.219 hồ sơ, đạt tỷ lệ 32,65% tổng hồ sơ tiếp nhận, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 9.455 hồ sơ.

Sau khi phần mềm dịch vụ công đã đáp ứng chức năng thanh toán phí, lệ phí bằng hình thức trực tuyến, trung tâm đã vận động công dân thanh toán phí và lệ phí trực tuyến, không dùng tiền mặt khi đến giải quyết thủ tục hành chính (thanh toán qua 3 hình thức (QR, POS, CK) giúp thuận lợi và tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc tại trung tâm. Năm 2021, Trung tâm Hành chính công thành phố có 23.718 hồ sơ được thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt, chiếm tỷ lệ 90% tổng số hồ sơ đã thanh toán.

Là 1 trong 2 xã thông minh đầu tiên của tỉnh, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã được trang cấp khá đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc giám sát an ninh và cung cấp các ứng dụng thông minh để hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp. Quảng Thọ đã triển khai hiệu quả việc xây dựng chính quyền điện tử, khai thác tốt các tiện ích trong các phần mềm dùng chung của tỉnh để thực hiện công tác quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc của cán bộ, công chức cho người dân hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã nói riêng và với chính quyền cấp xã nói chung. 100% văn bản đến được tiếp nhận, giao, xử lý và gửi kết quả đều được thực hiện trên phần mềm hồ sơ công việc, liên thông 4 cấp.

Việc cung cấp dịch vụ hành chính công có nhiều bước tiến vượt bậc, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thông qua phần mềm xử lý dịch vụ công tập trung của tỉnh. Có 180 thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4, trong đó có 91 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của xã và 89 thủ tục hành chính liên thông từ xã lên huyện được cung cấp mức độ 3, mức độ 4, các thủ tục hành chính còn lại cung cấp ở mức độ 2.

Không chỉ xã Quảng Thọ, hiện 11/11 xã, thị trấn huyện Quảng Điền đã đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đi vào hoạt động. Từ đó, tỷ lệ hồ sơ người dân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 ngày càng tăng. Trong đó, có 15.204/15.334 hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đạt tỷ lệ 99,15%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, đến nay, toàn bộ các cơ quan và xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện tác nghiệp trên trang điều hành đa cấp, 100% các văn bản không bảo mật, chúng tôi luân chuyển và xử lý trên môi trường mạng, còn về phần dịch vụ công thì Trung tâm Hành chính công huyện và 11/11 xã, thị trấn đều tiếp nhận xử lý trả kết quả trên phần mềm dịch vụ công của tỉnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến trên địa bàn huyện chiếm khá cao với 2.106/7.099 hồ sơ, chiếm 29,67%.

Gắn cải cách hành chính với phát triển chính quyền số

Theo bảng xếp hạng, chỉ số CCHC của tỉnh trong mấy năm gần đây có sự cải tiến vượt bậc so với toàn quốc. Cụ thể, năm 2020 chỉ số CCHC (PARINDEX) tăng 10 bậc, xếp vị thứ 3; PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tăng 3 bậc, xếp vị thứ 17; PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) nằm trong top 10 của cả nước; Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (ICT-index) giữ nguyên vị trí thứ 2 so với năm 2019. Đây là cơ sở để UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 28/7/2021 về việc duy trì Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2021, với mục tiêu tiếp tục duy trì vị thứ chỉ số CCHC của tỉnh năm 2022 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có kết quả tốt nhất của cả nước.

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC tại địa phương, UBND tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, địa phương chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính; đổi mới tư duy, nhận thức, coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số theo phương châm “4 không 1 có" (Làm việc không giấy tờ - Hội họp không tập trung - Dịch vụ công không gặp mặt - Thanh toán không dùng tiền mặt) và 1 có (Dữ liệu hồ sơ có số hóa). Đến nay, có 1.790 TTHC của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 814 dịch vụ và  dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 976. Ngoài ra, công tác áp dụng quy trình thanh toán không sử dụng tiền mặt trong thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính đạt hiệu quả cao.

Trong năm 2020, tỉnh đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua 3 hình thức (QR, POS, thanh toán trực tuyến trên nền tảng thanh toán Cổng DVC quốc gia) đối với 2.858 hồ sơ. Trong năm nay, tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 36.036 hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay, đây là cách làm hiệu quả để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 12/10/2021 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, xác định CCHC gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là chương trình trọng điểm.

Bài: Hải Thuận - Ảnh: Ngọc Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số

Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là chương trình trọng điểm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số
Hướng đến sản xuất xanh

Tăng trưởng xanh - sản xuất xanh là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang hướng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phù hợp với xu hướng chung của thị trường trong và ngoài nước.

Hướng đến sản xuất xanh

TIN MỚI

Return to top