ClockThứ Bảy, 16/10/2021 12:15

Chuyển đổi số doanh nghiệp, giải pháp để thích nghi

TTH - Chuyển đổi số (CĐS) sẽ tạo bước đột phá trong phát triển doanh nghiệp (DN), nhất là trong thực tiễn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Đó là khẳng định của ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Chuyển đổi số không chỉ là thay đổi công nghệ mà cả tư duyChuyển đổi số: Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ

Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư​

Theo ông Cường, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã (HTX) tiếp cận và triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ CĐS trong quá trình sản xuất kinh doanh. Theo đó, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị lựa chọn các DN, HTX hoạt động trong 5 lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin (CNTT), để hỗ trợ triển khai chương trình này.

Ông nhận định thế nào về thực tiễn chuyển đổi số DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, HTX hiện nay?

Chuyển đổi số là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, cụm từ này càng được DN để tâm nhiều hơn và coi đây như giải pháp để thích nghi.

Chuyển đổi số là một trong những ưu tiên của Thừa Thiên Huế trong phát triển. Ảnh: HOÀNG LOAN

Những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Thừa Thiên Huế đang từng bước khẳng định là một địa phương đủ tầm và lực để trở thành một tỉnh phát triển mạnh về CNTT trong cả nước. Thừa Thiên Huế được xem là điểm sáng trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Mới đây, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Quyết định 1957 phê duyệt chương trình CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế với phương châm “4 không, 1 có”, bao gồm: làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung nhiều; dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là những nền tảng cơ bản để thực hiện CĐS nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và DN.

Nhiều DN trên địa bàn đã thực hiện CĐS và mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nguồn nhân công, xúc tiến đầu tư, giao thương.

Doanh nghiệp nói chung và DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp nói riêng có rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi số, thưa ông?

Đa phần những DN với quy mô nhỏ và siêu nhỏ còn đang rất mơ hồ về khái niệm “chuyển đổi số” cũng như chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện tại, DN nhỏ và vừa của Thừa Thiên Huế chiếm khoảng 97% tổng số DN, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các DN là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1990.

Tổ công tác hỗ trợ DN được thành lập nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN

Các DN nhỏ và vừa đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN (15,7%)... Tuy vậy, các DN nhỏ và vừa cũng đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây, an ninh mạng, nâng cấp phần mềm, phần cứng để CĐS.

Trước những khó khăn trên, xin ông cho biết, tỉnh đã có những hỗ trợ nào cho DN trong chuyển đổi số?

Hiện nay, tỉnh có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp; trong đó, DN mới thành lập nhận được ngay hỗ trợ hóa đơn điện tử, miễn phí chữ ký số.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp cận và triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ CĐS trong quá trình sản xuất kinh doanh. Theo đó, Sở KH&ĐT phối hợp với các đơn vị lựa chọn các DN, HTX để hỗ trợ triển khai chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”.

Ông có thể thông tin cụ thể hơn về chính sách này?

Theo kế hoạch này, DN, HTX sẽ được hỗ trợ CĐS trong quản trị nội bộ. Tỉnh sẽ vận động các DN kinh doanh các nền tảng CĐS tham gia hỗ trợ miễn phí hoặc giảm giá một phần cho các DN, HTX tham gia chương trình CĐS trong quản lý, điều hành, quản trị nội bộ của DN như: tài chính, kế toán, quản lý công việc, nhân sự, đánh giá chất lượng, hiệu quả làm việc của người lao động... Hỗ trợ một số đơn vị tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển các nền tảng CĐS để hỗ trợ cho các DN, HTX sử dụng.

Doanh nghiệp tham gia có được hỗ trợ về chuẩn hóa sản phẩm trên công nghệ số?

Về hỗ trợ CĐS sản phẩm và dịch vụ sẽ dựa trên cơ sở nhu cầu, năng lực thực tế của DN, HTX. Tỉnh thuê đơn vị tư vấn hỗ trợ các DN, HTX trong việc số hóa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của công ty như quy chuẩn hóa, mẫu hóa nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phân phối, quảng bá và bán hàng trên không gian mạng.

Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ CĐS trong xúc tiến thương mại, bán sản phẩm, hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử, hình thành các cửa hàng số trên không gian mạng. Kết nối DN, HTX tham gia các sàn thương mại điện tử, cụ thể sẽ hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn hồ sơ pháp lý đăng ký tài khoản tại các sàn thuộc top 10 sàn thương mại điện tử thế giới (không quá 10 triệu đồng/sàn) và mỗi DN được đăng ký hỗ trợ tối đa 2 sàn, và mỗi sàn chỉ được hỗ trợ 1 lần.

Doanh nghiệp, HTX sẽ làm gì để nhận được hỗ trợ này, thưa ông?

Sở đã thành lập Văn phòng hỗ trợ DN nhỏ và vừa đặt tại Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế (số 7 Tôn Đức Thắng, phường Phú Hội, TP. Huế). Doanh nghiệp, HTX có thể liên hệ trực tiếp văn phòng để được hướng dẫn và nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Khi hoàn thành tiếp nhận hồ sơ, Sở sẽ bắt tay vào công tác hỗ trợ cho từng DN, HTX. Thông qua tổ công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp và HTX sẽ tháo gỡ từng khó khăn cho DN.

Ngoài những hỗ trợ của tỉnh, DN, HTX cần làm gì nhằm thích nghi với xu hướng công nghệ số hiện nay?

Trong CĐS, quan trọng nhất là nhận thức, vì thế trước mắt, DN phải nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, có như vậy mới tạo nên bước tiến trong CĐS.

Trong tình hình dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, phần lớn DN nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong CĐS như: thiếu kỹ năng số và nhân lực; thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số; thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN...

Để thích ứng với bối cảnh mới và không bị tụt hậu, DN nhỏ và vừa cần đẩy nhanh quá trình số hóa trong DN, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, DN phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong dịch; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông có thể cho biết quan điểm của Sở KH&ĐT trong hỗ trợ DN hiện nay?

Trước đây, DN muốn nhận được các hỗ trợ phải tìm đến các sở, ban ngành để tìm hiểu các chính sách thì hiện nay các sở, ngành phải bắt tay tìm kiếm, nắm bắt nhu cầu của DN để hỗ trợ một cách kịp thời nhất. Chẳng hạn như để thực hiện chương trình trên, Sở KH&ĐT đã tìm đến từng DN, tiến hành khảo sát và nắm bắt nhu cầu của DN trước làm cơ sở cho công tác triển khai. Hỗ trợ DN cũng không chỉ dừng ở hỗ trợ kinh phí như trước đây mà còn hỗ trợ thông tin, kết nối liên kết giữa các DN, hỗ trợ những gì DN cần.

Hiện nay, Sở KH&ĐT đang kiện toàn đội ngũ hỗ trợ cũng như đa dạng các kênh thông tin tiếp nhận ý kiến DN để có thể hỗ trợ tốt nhất cho DN.

Cảm ơn ông!

HOÀNG LOAN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững

Xử lý nước thải tại Huế là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Với sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp, các giải pháp xử lý nước thải không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là những di sản văn hóa và thiên nhiên quý giá của Huế.

Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững
Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top