ClockThứ Hai, 09/11/2020 14:09

Chạm giấc mơ “Huế - Thành phố thông minh” - Kỳ 3: Từ công nghệ số, không chỉ làm giàu, còn sang nữa

TTH - Con đường để trở thành thành phố thông minh không hề ngắn và đơn giản khi xuất phát điểm về kinh tế của tỉnh còn thấp. Thừa Thiên Huế đã quyết định chọn phát triển CNTT thành một ngành công nghiệp mạnh và tạo nguồn thu chủ lực cho địa phương trong vài năm tới.

Chạm giấc mơ “Huế - Thành phố thông minh” - kỳ 2: Động lực từ nền tảng hạ tầng kỹ thuậtChạm giấc mơ “Huế - Thành phố thông minh” - Kỳ 1: Đưa Huế trở thành nơi đáng sống

Tìm hiểu và trao đổi thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp để tạo nguồn nhân lực cho ngành CNTT

Tạo nguồn nhân lực 

Giáo sư John Vũ, một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ thuộc top 10 những người sáng tạo nhất thế giới (đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs) khuyên rằng: "Bạn nên chọn lĩnh vực học tập trong khoa học, công nghệ, kỹ nghệ và toán học, vì đây là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng trong thời đại công nghệ này. Theo tôi, chọn lựa tốt nhất ngày nay là CNTT".

Dẫn chứng lời khuyên của Giáo sư John Vũ để thấy rằng, CNTT đang là xu hướng phát triển toàn cầu và có sức hút với nhiều bạn trẻ muốn cống hiến trí tuệ, sáng tạo vào lĩnh vực này và tìm kiếm được việc làm cho thu nhập cao. Đây cũng là chiến lược mà tỉnh lựa chọn để phát triển thành phố công nghệ trong tương lai và nguồn nhân lực CNTT theo như yêu cầu đến năm 2025 cần đào tạo ra 10.000 người.

Chỉ trong 5 năm, để đạt được chỉ tiêu này, theo một chuyên gia trong ngành CNTT phân tích, trước hết cần phải có một hệ thống giáo dục tốt, một nền tảng giáo dục căn bản. Khi đã đào tạo, tuyển chọn ra người giỏi cần có môi trường tốt để giữ chân và phát huy nguồn nhân lực này.

Theo Giám đốc HueCIT- Hoàng Bảo Hùng, nếu chỉ dựa vào nguồn đào tạo từ Đại học Huế và các trường đại học trên địa bàn chắc chắn không đạt đến con số 10.000 người mà tối đa chỉ khoảng 2.000 người sau 5 năm nữa. Như vậy, 8.000 người còn lại sẽ phải thu hút từ các DN CNTT, như: Code Gym, Mittani, Brycen, HueCIT, PI software.... Vì đây là những đơn vị chủ lực nhận đào tạo trực tiếp kỹ thuật viên lập trình, chuyên viên lập trình và chuyển đổi nghề về CNTT. Thêm một nguồn khác để phát triển nhân lực CNTT là mời các tập đoàn, tổng công ty có trường đào tạo về CNTT về Huế.

Ngoài đào tạo nhân lực, nguồn thứ 3 theo ông Hùng là thu hút "dân IT" (CNTT) có kinh nghiệm từ các nơi về Huế. Đây là vấn đề rất nhiều người bận tâm, nhưng một khi có thị trường tốt, môi trường phát triển tốt, chắc chắn người Huế và người từ các tỉnh, thành khác sẽ "đổ về".

"Chỉ cần điều kiện ăn ở sinh hoạt tốt, chi phí thấp, môi trường tốt, giáo dục, y tế tốt, dù với mức lương bằng khoảng 80-90% so với các tỉnh, thành lớn chắc chắn nguồn nhân lực này sẽ chọn Huế", ông Hùng khẳng định.

Lấy tiền từ dịch vụ công nghệ

Không trả lời thẳng việc 10.000 người này sẽ làm việc ở đâu, nhưng theo ông Hoàng Bảo Hùng, tiềm năng phát triển ngành CNTT rất lớn, nhất là khi tỉnh đang triển khai đề án phát triển ĐTTM, xây dựng thành phố công nghệ, dịch chuyển sang hệ thống dịch vụ CNTT, lấy công nghiệp CNTT làm trọng. Hiện nay, tỉnh đang quy hoạch 2 khu CNTT tập trung tại Khu đô thị mới An Vân Dương để phát triển tổ Đại Bàng và quy hoạch khu công nghệ cao quy mô 700ha tại Chân Mây- Lăng Cô. Trong đó, khu CNTT tập trung thứ nhất có diện tích 1,1ha giao HueCIT làm chủ đầu tư đang xây dựng công viên phần mềm để đáp ứng khoảng 3.000 người làm việc về CNTT. Khu CNTT tập trung thứ hai có diện tích 39,6ha đang kêu gọi DN Hàn Quốc vào đầu tư với nguồn nhân lực dự kiến khoảng 8.000 người.

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, để hình thành một thành phố công nghệ có thể mất 10 đến 20 năm, song nếu chúng ta không khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo thì mãi mãi sẽ không thể phát triển. Tất nhiên đầu tư phát triển công nghiệp CNTT không chỉ cần thời gian, mà còn rất tốn kém về chi phí. Nhưng khi thành công, doanh thu từ lĩnh vực này đóng góp cho nguồn ngân sách của tỉnh không hề nhỏ và kéo theo nhiều dịch vụ khác cùng phát triển, thu lợi.

Theo con số Giám đốc HueCIT đưa ra, trong số dưới 10 DN CNTT chủ lực ở Huế, có 3 DN CNTT thuộc tốp dẫn đầu về kinh doanh trong ngành CNTT, nhưng hiện chỉ cho doanh thu trung bình chưa tới 40 tỷ đồng/năm. Nếu hình thành khu CNTT tập trung có sản xuất phần mềm, nội dung số và cung cấp dịch vụ CNTT có thể cho doanh thu 10.000 tỷ đồng/năm.

Bắt nhịp "thời đại số"

Trong sự kiện giữa Facebook và UBND tỉnh phát động khởi động chương trình hợp tác "Ứng dụng kinh tế nền tảng số trong phát huy tiềm lực đô thị di sản và đổi mới sáng tạo", ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2025. Tỉnh, TP. Huế đang khẩn trương triển khai các nội dung, đưa Thừa Thiên Huế đạt được mục tiêu này trong thời gian sớm nhất có thể; trong đó tập trung phát triển mạnh về CNTT, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo kịp tư duy "thời đại số".

Thực tế, muốn chuyển đổi số, trước tiên phải số hoá dữ liệu quản lý của các cấp, ngành để xây dựng, triển khai quy trình vận hành số hoá; đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng tương xứng và tương ứng như đầu tư cho phát triển dịch vụ ĐTTM. Các DN cũng phải tham gia bằng cách số hoá hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tổ chức tham gia thị trường cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng như thương mại điện tử, thanh toán điện tử...

Song song đó là việc triển khai các hoạt động để cung cấp dịch vụ cho người dân trên nền tảng số của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, thông qua đầu mối cung cấp là Hue-S.

Vì nền tảng của chuyển đổi số cần có công cụ kết nối thông qua smartphone, nên sắp tới, ngành chức năng sẽ tiến hành phổ cập ứng dụng smartphone cho người dân và phủ sóng di động 5G đạt 100% các xã, phường, thị trấn, đảm bảo điều kiện tiếp cận công nghệ thông minh trên nền tảng số.

Chuyển đổi số thành công sẽ làm thay đổi căn bản và toàn diện hoạt động quản lý chỉ đạo điều hành, các hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động cung ứng dịch vụ, hàng hoá và thụ hưởng của người dân, góp phần nâng cao điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Huế có tân Phó Chỉ huy trưởng

Thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu 4, chiều 24/1, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự TP. Huế tổ chức trao quyết định nhân sự cán bộ năm 2025. Đại tá Hoàng Văn Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố chủ trì hội nghị.

Bộ Chỉ huy Quân sự TP Huế có tân Phó Chỉ huy trưởng
Khả Tâm & giấc mơ SEA Games

Huy chương Bạc giải Taekwondo Hanul mở rộng 2024, huy chương Vàng cá nhân giải Taekwondo Cảnh sát châu Á 2024, cùng nhiều thành tích ấn tượng khác là cách mà Trần Nguyễn Khả Tâm – võ sinh Taekwondo của câu lạc bộ (CLB) Phù Đổng (TP. Huế) khẳng định mình và để lại dấu ấn ở các giải thi đấu trong, ngoài nước.

Khả Tâm  giấc mơ SEA Games

TIN MỚI

Return to top