ClockChủ Nhật, 13/10/2024 06:56
CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG:

Kéo gần khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ

TTH - Chuyển đổi số ngành ngân hàng đã và sẽ góp phần quan trọng kéo gần khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa..., là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Quản chặt thanh toán không dùng tiền mặtCú hích từ chuyển đổi số ngành ngân hàng

 Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế

Theo ông Lê Việt Sỹ, trong bối cảnh thời đại công nghệ số ngày càng phát triển mạnh, tác động trên hầu hết các lĩnh vực thì chuyển đổi số trong ngành ngân hàng là yêu cầu tất yếu. Chuyển đổi số ngành ngân hàng đang góp phần thay đổi hành vi khách hàng từ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sang giao dịch trực tuyến, nhằm hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn. Các ngân hàng cũng có cơ sở cắt giảm các chi phí nhân viên, tiết kiệm thời gian và tối đa lợi ích khách hàng, tối đa hóa lợi nhuận ngân hàng.

Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số, ngành ngân hàng trên địa bàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ triển khai đến các tổ chức tín dụng các quy định mới ban hành liên quan đến chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch chuyển đổi số cũng như đề án thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn tỉnh một cách hiệu lực, hiệu quả.

Sau khi thực hiện chuyển đổi số, hiệu quả mang lại cho ngành ngân hàng là gì, thưa ông?

Các chi nhánh tổ chức tín dụng đã không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, triển khai kết nối cơ sở dữ liệu để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) nhằm tạo thuận tiện trong giao dịch đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng; triển khai đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip hoặc tài khoản VNeID. Đến thời điểm hiện tại, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã đối chiếu thông tin sinh trắc học của 366.816 khách hàng cá nhân và 1.088 khách hàng tổ chức. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng hoạt động an toàn, thông suốt hơn.

 Dịch vụ ngân hàng số được các ngân hàng quan tâm triển khai

Ngoài ra, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính đạt được kết quả khả quan; công tác thu ngân sách nhà nước, dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt được chú trọng, tăng cường và đạt kết quả tích cực. Đến hết quý 3/2024, toàn địa bàn có 238 máy ATM, 1.536 máy POS và mPOS, trong đó có 1.294 máy đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip.

Theo ông đâu là điểm mấu chốt tạo nên thành công này?

Có thể nói sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN trong công tác chuyển đổi số đã thúc đẩy chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, ban hành đồng bộ hệ thống các Nghị định, Thông tư hướng dẫn tạo nên khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số được triển khai tích cực.

Nhờ thế đã thúc đẩy các đơn vị không ngừng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng triển khai các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ tích hợp nhiều tiện ích với công nghệ hiện đại, an toàn. Từ đó, nhận thức và hành động về chuyển đổi số đã có sự lan tỏa trong toàn xã hội, mỗi người dân đều hưởng ứng và tham gia, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể như thanh niên, sinh viên, phụ nữ, nông dân…

Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản pháp lý cho hoạt động TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số. Ông có thể chia sẻ một số điểm đang chú ý trong những văn bản này?

Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18/01/2024 NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về TTKDTM, trong đó có các quy định nhằm thúc đẩy TTKDTM, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn.

Trong đó đáng chú ý là Nghị định 52 đã bổ sung quy định về tiền điện tử; làm rõ khái niệm về thanh toán quốc tế; sửa đổi, bổ sung quy định mới về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…

Một số quy định tại các thông tư hướng dẫn góp phần hạn chế việc sử dụng giấy tờ giả mạo để mở tài khoản thanh toán/phát hành thẻ/ví điện tử cho mục đích giao dịch gian lận, lừa đảo vi phạm pháp luật.

Như ông từng trao đổi, đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang được ứng dụng khá tốt trong chuyển đổi số ngân hàng. Ông có thể thông tin rõ hơn về nội dung này?

Thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án 06 của ngành ngân hàng và kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực phối hợp với Cục C06 của Bộ Công an khai thác CSDLQGVDC nhằm làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng từng bước triển khai, phối hợp ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chip và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID để áp dụng trong quy trình mở tài khoản và sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Các tổ chức tín dụng cũng đang tiến hành triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu từ CSDLQGVDC trong quy trình đánh giá khách hàng vay. Hiện, 8 tổ chức tín dụng  có chi nhánh trên địa bàn tỉnh đang trong quá trình nghiên cứu tích hợp kỹ thuật triển khai kết nối khai thác dịch vụ chấm điểm tín dụng. Các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, thành phố và huyện trong việc thực hiện chi trả các khoản an sinh xã hội như chi trả lương, các khoản trợ cấp, chi trả chế độ ốm đau, thai sản,… thông qua tài khoản ATM. Đến hiện tại, 6 tổ chức tín dụng có chi nhánh trên địa bàn đã hoàn thành kết nối liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ chi trả an sinh xã hội.

Việc kết nối CSDLQGVDC trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế số giúp nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và đảm bảo an toàn hoạt động phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Định hướng trong chuyển đổi số thời gian tới của ngành như thế nào, thưa ông?

Ngoài bám sát các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch đề án liên quan, NHNN tỉnh tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với tất cả các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp và hệ thống ngân hàng; kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.

NHNN cũng tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp
Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

Cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn cho thị trường, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

TIN MỚI

Return to top