ClockChủ Nhật, 24/12/2017 20:36

Grab chưa được cấp phép tại Huế

TTH - Gần một tuần nay, ứng dụng Grab tạo ra sức hút cho nhiều khách hàng tại Huế. Song, theo các cơ quan chức năng, hoạt động này vẫn chưa được cấp phép.

Không có chuyện Uber, Grab được ưu đãi thuế so với taxi truyền thốngBộ Tài chính không đồng ý taxi truyền thống nộp thuế như Grab, Uber

Số lượng xe còn ít

Thông qua ứng dụng Grab trên điện thoại thông minh, phóng viên (PV) tải ứng dụng Grab về điện thoại, sau khi tiến hành những thủ tục cần thiết đặt xe, song, ứng dụng liên tục thông báo xe của hệ thống đang bận.

Tài xế xe Grab giới thiệu ứng dụng Grab đến khách hàng

Chiều 21/12, một lần nữa PV mở ứng dụng đặt thử xe Grab từ số 15 đường Thanh Hải đến số 1 đường Trần Thúc Nhẫn (TP. Huế). Khoảng 10 giây sau, ứng dụng thông báo có một tài xế đang ở đường Lê Lợi (TP. Huế), gần địa điểm của khách, phí cho quãng đường trên là 30 nghìn đồng. Tại thông báo của ứng dụng, tên của tài xế là L.V.L, lái xe Huyndai I 10 mang BKS 75A-109xx. Sau khi tài xế xe nói trên gọi điện thoại cho khách xác minh thông tin, 5 phút sau, xe đã có mặt đón khách.

Theo tài xế L., dịch vụ Grab tại Huế vừa được mở từ ngày 18/12. Khi tài xế đăng ký dịch vụ này, phải làm những thủ tục cần thiết như, kiểm tra sức khỏe, đời xe... Nếu muốn vận chuyển khách nước ngoài cũng cần phải đăng ký riêng. “Mình là người Huế, chuyên lái xe theo hợp đồng, đa số là vào Đà Nẵng. Do không phải lúc nào cũng có khách nên đăng ký Grab để chạy thêm, lúc nào rảnh thì bật Grab lên để đón khách”, anh L. nói.

Được biết, tại Huế, Grab có điểm hỗ trợ khách hàng ở đường Hoàng Quốc Việt và số xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thông thường, các tài xế Grab tại Huế chỉ chấp nhận đón khách trong phạm vi khoảng 3km so với điểm đậu và phí dịch vụ vào khoảng 11.000 đồng/km. “Dịch vụ Grab khá tiện lợi bởi sẽ thông báo trước mức phí mà khách phải trả, trong quá trình di chuyển, khách nắm bắt được lộ trình mà mình đang đi. Nếu muốn đón khách nước ngoài, tài xế phải đăng ký và có sẵn phần mềm chuyển ngữ trên hệ thống để họ thuận tiện hơn trong việc liên lạc với khách. Ở Huế, hiện cũng có nhiều tài xế taxi đăng ký Grab. Khi đăng kí, tài xế phải trả cho Grab 28,3% mức phí vận chuyển khách”, một tài xế khác tiết lộ.

Liên hệ theo số điện thoại 090234xxxx, đại diện của Grab tại Huế thông tin, ở Huế hiện có hai loại dịch vụ đó là Grab car và Grab taxi. Grab taxi là liên kết với các hãng taxi trên địa bàn để vận chuyển khách theo ứng dụng của Grab; Grab car là những loại xe hơi hợp đồng, dịch vụ gia đình. “Hiện mới triển khai ở Huế nên số lượng xe Grab car còn ít. Do vậy, khi khách hàng đặt trên ứng dụng thì khó tìm thấy. Nếu khách hàng cần tư vấn có thể đến văn phòng hỗ trợ dịch vụ tại 31 đường Hoàng Quốc Việt, TP. Huế”, người này nói.

Thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư, qua tra cứu trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, Công ty TNHH Grabtaxi chưa đăng ký hoạt động văn phòng đại diện tại Huế.

Bất hợp pháp

Những năm gần đây, Grab và Uber “chen chân” vào Việt Nam, trở thành đối thủ cạnh tranh của các hãng taxi truyền thống. Chính phủ cũng đã cho phép Grab hoạt động thí điểm ở 5 tỉnh thành gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Quảng Ninh và Đà Nẵng.

Việc Grab xuất hiện tại Huế khiến nhiều hãng taxi truyền thống lo lắng. Vừa qua, 5 hãng gồm: Taxi Vàng, Taxi Vinasun, Taxi Hương Giang, Taxi Mai Linh, Taxi Sun đã cùng ký đơn gửi đến UBND tỉnh, Sở GTVT, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh xem xét về việc hoạt động của Grab tại Huế. Ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Huế cho rằng: “Hiện nay, các hãng taxi truyền thống cũng đã có ứng dụng tương tự Grab trên điện thoại di động, mức phí vận chuyển cũng không cao hơn Grab nhiều. Sự xuất hiện của Grab car và Grab taxi tại Huế buộc những hãng taxi truyền thống phải chia sẻ khách hàng, gây tâm lý không tốt cho người lao động ở các hãng taxi, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng…”.

Theo ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hiện chưa có một văn bản nào cho phép Grab hoạt động tại Huế. Tại Đà Nẵng, mặc dù Chính phủ cho phép hoạt động thí điểm nhưng thành phố này có văn bản xin cho chưa phép hoạt động.

Trước việc Grab mở một điểm hỗ trợ khách hàng tại 31 Hoàng Quốc Việt (TP. Huế), ông Tươi cho biết: “Chúng tôi cũng đã nắm thông tin này. Vấn đề cấp phép kinh doanh thuộc về phía Sở Kế hoạch Đầu tư, nếu kinh doanh những dịch vụ không đúng với giấy phép đăng ký sẽ bị xử lý. Hiện, việc xử lý xe Grab khá nan giải. Theo Nghị định 46, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì chưa có điều khoản nào xử lý những loại xe này, chỉ có thể xử lý được tài xế đang sử dụng dịch vụ Grab không có phù hiệu kinh doanh vận tải nhưng vận chuyển khách tính phí. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), và Sở Kế hoạch Đầu tư để kiểm tra việc này”.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

Chiến thắng của Lê Quang Duy Khoa, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 đã tiếp tục mang cầu truyền hình chung kết Olympia lần thứ 3 liên tiếp về Huế.

Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

TIN MỚI

Return to top