ClockThứ Bảy, 28/01/2023 15:17

Giải pháp để dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Chính sách hỗ trợ tín dụng cần hướng đến cả các doanh nghiệp có độ lan tỏa lớn và có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.

Vốn FDI sẽ đổ mạnh vào Việt Nam trong năm 2023Tăng tốc ngay từ đầu nămĐộng lực phát triển nông thôn từ sản phẩm OCOPNgành Khoa học và Công nghệ giải quyết bốn kiến nghị lớn từ địa phương

Ảnh minh họa

Dự báo đường đi tỷ giá-lãi suất năm 2023

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất được công bố tháng 1 năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm 2023 xuống còn 1,7%, mức thấp nhất từ năm 1993, do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn.

Với Việt Nam, một nền kinh tế dựa nhiều vào thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu, thì khi kinh tế thế giới suy thoái sẽ khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam bị thu hẹp, tăng trưởng chậm lại.

Về tỷ giá-lãi suất, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân-NEU), dự báo lãi suất, tín dụng và tỷ giá thực sự là điểm nghẽn, thách thức lớn với nền kinh tế năm 2023.

Theo đó, lãi suất dự kiến gặp nhiều sức ép từ các yếu tố, gồm: lạm phát có xu hướng gia tăng, từ cả mức lạm phát cơ bản cũng như từ chi phí đẩy do giá hàng hóa thế giới tăng cao; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương các nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất do lo ngại lạm phát vẫn diễn biến phức tạp, gây sức ép đến lãi suất trong nước; giá trị đồng đô-la Mỹ (USD) tiếp tục xu hướng gia tăng khiến mức lãi suất trong nước phải gánh thêm trách nhiệm duy trì tỷ giá ổn định...

Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Ngoài ra, hệ thống tài chính-ngân hàng còn chưa lành mạnh một cách bền vững khi hệ số an toàn vốn (CAR) còn mỏng, chất lượng tài sản và nợ xấu có nguy cơ gia tăng, thanh khoản hệ thống khó khăn hơn...

“Như vậy, dư địa chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là rất khó khăn”, ông Thành dự báo.

Với bối cảnh quốc tế, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành đánh giá Fed có thể điều chỉnh tăng lãi suất ba lần trong năm 2023.

Lần thứ nhất dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm 2023, Fed chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm, thay vì 0,5 điểm phần trăm như tháng 12 năm 2022 do mức lạm phát Mỹ dự kiến có thể sẽ giảm từ mức 7,1% vào tháng 11 năm 2022 xuống khoảng 6,5-6,6% vào đầu năm 2023. Hai lần tăng lãi suất còn lại dự kiến diễn vào tháng 3 và 5 năm 2023.

“Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng đô-la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng là 5,00%-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng đô-la Mỹ, áp lực tỷ giá sẽ qua đi”, ông Thành cho hay.

Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023.

Theo đó, sức mạnh đồng đô-la Mỹ vẫn sẽ duy trì ở mức tương đối trong cả năm 2023, nhưng sự kết hợp giữa hai xu hướng gồm Fed “bớt diều hâu” hơn từ giữa 2023 và dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên mức 102 tỷ đô-la Mỹ vào cuối năm 2023 sẽ chặn đà giảm giá của đồng Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho tỷ giá tại thời điểm cuối năm 2023 sẽ giảm 1%-2% so với mức hiện tại.

“Trước khả năng lộ trình thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương sẽ chậm dần lại, và lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới”, chuyên gia của VNDirect cho biết.

Tiến sĩ Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng cho rằng lạm phát thế giới đã đạt đỉnh. Vì vậy, chính sách tiền tệ các quốc gia cũng đang chuẩn bị cho một chu kỳ đảo ngược, tức điều chỉnh lãi suất xuống mức thấp hơn trong một vài quý tới.

Với Việt Nam, vị chuyên gia này cho biết Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng các giải pháp để làm lãi suất thực thấp xuống.

Về tỷ giá, ông Phước cho rằng đồng Việt Nam có lợi thế là lãi suất cao và chênh lệch lạm phát so với các đối tác thương mại chính là âm. Điều này tự thân nó như là một tố chất “kháng thể” cho sự mất giá của đồng Việt Nam.

“Tất nhiên, trong một thế giới đầy biến động thì đồng đô-la Mỹ vẫn có một sức hút nhiều dù lãi suất và lạm phát cao như chúng ta đã chứng kiến trong năm 2022. Nhưng dù sao thì các dự báo đều cho rằng chỉ số USD Index sẽ thấp xuống nữa, các đồng tiền trên thế giới trong năm 2023 sẽ lên giá dù mức độ không nhiều. Điều đó cho phép ta dự báo đồng Việt Nam sẽ mất giá xoay quanh mức lạm phát”, ông Phước dự báo.

Gia tăng dòng vốn chất lượng cho nền kinh tế

Có thể thấy áp lực tỷ giá-lãi suất dự kiến được giải toả một phần từ giữa năm 2023, nhưng lãi suất thực ở Việt Nam hiện đang quá cao.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 1 năm hiện khoảng 9,4%, nếu trừ đi lạm phát bình quân là 3,15% thì đang ở thực dương 6,25%.

Lãi suất cho vay trung bình kỳ hạn 1 năm hiện khoảng 12,5%, trừ đi lạm phát bình quân thì thực dương hơn 9,3%, nếu cộng với biên độ biến động tỷ giá đô-la Mỹ là 3,81% thì dương hơn 13%.

Những yếu tố đã nêu, theo Tiến sĩ Trương Văn Phước, là một lợi thế trong kiểm soát lạm phát. Nhưng ở góc nhìn khác, lãi suất thực mà dương cao quá sẽ bất lợi cho nền kinh tế về lâu dài.

Cụ thể, lãi suất thực (cho vay) quá cao sẽ khiến doanh nghiệp trong nước chịu gánh nặng chi phí lớn, qua đó giảm khả năng cạnh tranh trước doanh nghiệp nước ngoài, vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành cho rằng chính sách hỗ trợ tín dụng bên cạnh việc tập trung vào các ngành sản xuất ưu tiên của nền kinh tế thì nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng có độ lan tỏa lớn và có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, cần kiểm soát cung tiền vào thị trường bất động sản và nắn dòng tiền của khu vực ngân hàng vào lĩnh vực lan tỏa sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm bằng các biện pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản có chọn lọc như: Giám sát việc tài trợ các dự án bất động sản thuộc cổ đông lớn và người có liên quan đến cổ đông lớn của ngân hàng; Giám sát các hình thức ủy thác, repo bất động sản; Tăng cường giám sát rủi ro tại các tổ chức tín dụng có dấu hiệu bất ổn liên quan đến đầu tư/kinh doanh bất động sản; Chính sách lãi suất, tỷ lệ tài trợ cho khoản vay mua nhà đất cần có khác biệt giữa bất động sản đầu tiên mà cá nhân, hộ gia đình sở hữu với bất động sản thứ hai và thứ ba...

“Cần kiểm soát chặt chẽ cung tiền nhưng cần cho phép nới lỏng chỉ tiêu tín dụng ở các ngân hàng có chỉ tiêu an toàn cao. Chẳng hạn, đáp ứng được được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu thấp để gia tăng các dòng vốn tín dụng có chất lượng đến nền kinh tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành khuyến nghị.

Về dài hạn, ông Tô Trung Thành cho rằng cần có giải pháp để phát triển các thị trường vốn, gồm thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu một cách an toàn và bền vững.

Với hệ thống ngân hàng, cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng như Basel III, IFRS 9.

Theo Nhân dân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

TIN MỚI

Return to top