ClockThứ Tư, 24/04/2024 05:51

Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

TTH - Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi côngĐiều chỉnh tiến độ các gói thầu dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế trước 30/5Nhiều gói thầu Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch chậm tiến độ

Nhiều hạng mục nâng cấp cầu Vỹ Dạ đã triển khai nhưng không thể thi công hoàn thiện do không có mặt bằng 

DA đô thị xanh được triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế, có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong viêc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường ảnh hưởng tới đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các công trình được xây dựng nhằm nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy đầu tư sản xuất trên địa bàn các tỉnh.

Tại Thừa Thiên Huế, DA đô thị xanh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 (điều chỉnh năm 2023) bao gồm 10 gói thầu xây lắp. Đến nay, Ban QLDA đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu, với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng (chi phí xây lắp).

Trong đó, 2 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang triển khai thi công 8 gói thầu, với giá trị thực hiện hơn 597 tỷ đồng (đạt hơn 59% khối lượng xây lắp toàn DA). Tuy nhiên, trong các gói thầu đang triển khai thi công, nhiều hạng mục công trình dường như “đứng hình” thời gian dài do bế tắc hoặc chậm trong khâu GPMB, dẫn đến chậm tiến độ so với hợp đồng, dù thời gian hoàn thành DA đã cận kề.

Theo Ban QLDA, tổng DA bao gồm 10 gói thầu xây lắp, trong đó có 6 gói thầu cần GPMB với 2.750 hộ gia đình và tổ chức bị ảnh hưởng, đã phê duyệt 2.281 hộ gia đình và tổ chức, đạt tỷ lệ 83%. Tổng số tiền đền bù GPMB đã được phê duyệt là hơn 271 tỷ đồng. Số hộ còn lại chưa được phê duyệt 469 hộ gia đình và tổ chức.

Tại gói thầu số 28 bao gồm các hạng mục nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ, đường 100m nối 2 Khu đô thị A và B An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý) với giá trị hợp đồng hơn 109 tỷ đồng, khởi công tháng 7/2021, hoàn thành ngày 30/5/2024 do Công ty CP 479 Hòa Bình trúng thầu thi công. Tuy nhiên, giá trị thực hiện lũy kế đến nay mới chỉ khoảng 47,8 tỷ đồng, đạt 46,2% giá trị xây lắp hợp đồng.

Ghi nhận của PV tại hiện trường cho thấy, hạng mục cầu Vỹ Dạ hiện nhà thầu đã thi công 28/48 cọc khoan nhồi (phần còn lại do vướng mặt bằng không thể thi công 1 trụ và 4 mố cầu), đã đổ bê tông 7/8 trụ cầu và đang đúc 10/40 dầm.

Theo đại diện Công ty CP 479 Hòa Bình, hiện nay, nhà thầu thi công không thể triển khai nhiều hạng mục là do vướng công tác GPMB, đặc biệt khu vực phía đường Phạm Văn Đồng với hơn 35 tỷ đồng giá trị hợp đồng chưa thể triển khai được. Công trình ngưng trệ trong thời gian dài, dù đã qua nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan để đẩy nhanh công tác GPMB nhưng tình hình hiện vẫn chưa được cải thiện.

Theo Ban QLDA, đối với hạng mục cầu Vỹ Dạ, có 50 hộ gia đình và tổ chức bị ảnh hưởng, đến nay mới có 23 hộ gia đình và tổ chức được phê duyệt. Tại phường Xuân Phú có 3 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó 2 hộ thuê nhà của Nhà nước và 1 trường hợp mất một phần đất và tài sản chỉ nhận tiền đền bù sau khi các hộ khác đã di dời. Phường Vỹ Dạ có 30 trường hợp, trong đó 18 hộ đã kết thúc niêm yết, trình Phòng TN&MT TP. Huế thẩm định, 12 hộ đang thẩm định nguồn gốc đất tại phường.

Hạng mục nâng cấp cầu Vỹ Dạ hiện tại đã hoàn thành công tác kiểm kê, hồ sơ đã trình UBND các phường xác minh nguồn gốc đất thu hồi. Tuy nhiên, nguyên nhân GPMB chậm là do trước đây khi thu hồi đất thực hiện DA xây dựng cầu Vỹ Dạ (năm 1999), ngoài phần thu hồi xây dựng cầu và mặt đường (19,5m) có thêm phần mái taluy, chưa xác định được đã thu hồi hay chưa nên các địa phương chưa có cơ sở xác minh nguồn gốc đất thu hồi DA.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA đánh giá, do nhiều vướng mắc nên tiến độ GPMB một số gói thầu hiện nay chưa đáp ứng kịp tiến độ thi công công trình. Ngoài ra, quyết định ngày 25/9/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 5/10/2023 làm ảnh hưởng đến tiến trình thẩm định phê duyệt GPMB và điều chỉnh phương án tái định cư đối với các hộ di dời. Giá đất thu hồi năm 2024 của các tiểu DA mới được chấp thuận vào giữa tháng 3/2024.

Các hộ vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường, đặc biệt là đối với các hộ thuộc diện tái định cư. Đơn cử như hạng mục đường 100m nối Khu A và B An Vân Dương địa phận phường Xuân Phú, An Đông (các hộ bị thu hồi đất nhưng mua bán giấy viết tay nên chưa được xét tái định cư), tái định cư cho hộ phụ. Vấn đề này đã được giải quyết tại quyết định ngày 25/9/2023, tuy nhiên TTPTQĐ TP. Huế cần xác minh tình trạng sinh sống tại UBND phường, mới xây dựng bổ sung phương án tái định cư.

Đối với nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sau khi tổng hợp, rà soát, nguồn vốn vay ADB chưa sử dụng của DA thành phần Thừa Thiên Huế khoảng hơn 374,8 tỷ đồng.

Nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của DA đô thị xanh, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sở KH&ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất UBND tỉnh và đã được UBND tỉnh thống nhất danh mục các hạng mục đầu tư sử dụng vốn dư DA.

Ngày 26/3/2024, ADB đã có công thư thống nhất danh mục công trình sử dụng vốn dư và điều chỉnh thời gian đóng khoản vay DA đô thị xanh đến 30/6/2028. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc góp ý đề xuất gia hạn và sử dụng vốn dư của DA. Sau khi Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận, Ban QLDA sẽ tiến hành các bước tiếp theo theo quy định.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

Ngày 18/10, Hạt Quản lý đường bộ Bình Điền (Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế) cho biết đã tiến hành lập biên bản xác lập vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với một hộ dân trên địa bàn.

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ
Giải phóng mặt bằng: Dân chủ để dân đồng thuận

Phát huy dân chủ ở cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân đối với các chương trình, dự án (DA) trọng điểm đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị của TP. Huế triển khai thực hiện với quyết tâm: Tạo được sự đồng thuận của người dân.

Giải phóng mặt bằng Dân chủ để dân đồng thuận
Giải phóng mặt bằng: Đối thoại để gỡ khó

Tăng cường đối thoại, gặp gỡ người dân không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương, mà còn là sự kỳ vọng, mong muốn của người dân trước những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Giải phóng mặt bằng Đối thoại để gỡ khó

TIN MỚI

Return to top