ClockThứ Sáu, 26/06/2020 06:45

Chợ đêm Đông Ba: Sẽ rộn ràng bên sông Hương

TTH - Kỳ họp bất thường lần thứ 7 HĐND TP. Huế khóa XII vừa thống nhất chủ trương thí điểm đề án “Chợ đêm Đông Ba”. Địa điểm này tuy là trung tâm thương mại, song ban ngày đang hết sức ô nhiễm, ban đêm thì quá im ắng và thiếu ánh sáng.

Thiết lập hàng rào cứng tại khu chợ đêm trong khuôn viên Siêu thị Big CLo cho chất lượng hình ảnh đại diện du lịch Huế

Đường Chương Dương thường sầm uất với các mặt hàng hoa quả phục vụ mỗi dịp lễ, tết. Ảnh: P. Thành

Ô nhiễm, nhếch nhác  

Khu vực Bến xe Đông Ba và vùng phụ cận (đường Chương Dương, đường Tân Thiết) hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề lớn mà TP. Huế cần giải quyết: Ban đêm quá vắng và thiếu ánh sáng dù nằm ngay trục đường Trần Hưng Đạo. Mỗi sáng, nơi đây thành bãi rác khổng lồ do rác thải từ hoạt động buôn bán tại chợ.

Tại Bến xe Đông Ba hiện có 58 hộ kinh doanh. Trong đó, có 5 hộ có lô cố định kinh doanh hàng lưu niệm, giải khát, đặc sản Huế từ 6 giờ đến 19 giờ hàng ngày. 24 hộ kinh doanh hàng bạ ăn uống, giải khát, trái cây lẻ từ 5 giờ đến 20 giờ hàng ngày. 29 hộ kinh doanh hàng trái cây trung chuyển tại bến xe vào chợ Đông Ba và các địa phương khác, từ 23 giờ đến 6 giờ 30 sáng.

Đường Chương Dương, điểm đầu nối chân cầu Trường Tiền, điểm cuối giao nối cầu Gia Hội dài 532m, hiện xuống cấp và ô nhiễm. Trên đường, nhiều lô hàng rong bạ thường xuyên xả rác. Các lô chính cũng nhiều lô lắp đặt thêm kệ hàng tràn xuống mặt đường, mất trật tự, mỹ quan đô thị. Từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, có 97 hộ kinh doanh trái cây, bông, hàng lagim, tôm, cá, gà vịt… và cả ăn vặt trên trục đường hết sức lộn xộn này. Từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau là thời gian để các xe tải tập kết trung chuyển hàng hóa. Mặt đường hiện nhiều chỗ hư hỏng.

Ông Nguyễn Sinh Phú, 62 tuổi, một người sống nhờ kinh doanh trái cây ở đây cho biết: Hai bên lề trước đây có hệ thống thoát nước do Đức tài trợ, nay đã bị tắc nghẽn. Ban quản lý chợ Đông Ba có tổ chức nạo vét song vẫn chưa thông hết. Cống tắc thì chỉ mùi nước cống không thôi đã hết sức khó chịu. Phía sau chợ Đông Ba còn là điểm tập kết rác. Rác và nước cống tồn đọng khiến khu Bến xe Đông Ba và đường Chương Dương hiện đang bị ô nhiễm khá nặng.

Xây dựng khu chợ văn hóa về đêm

Ý tưởng của UBND TP. Huế là tiến hành chỉnh trang không gian mặt tiền chợ Đông Ba, Bến xe Đông Ba, khu vực đường Chương Dương, đường Tân Thiết để tổ chức thành Chợ đêm Đông Ba.

Tổng diện tích còn trống tại Bến xe Đông Ba hiện khoảng hơn 4.000m2. Để đảm bảo cho hoạt động của chợ đêm, không gian chợ trong bến xe sẽ được tổ chức từ đường Tân Thiết đến hết ranh giới khu nhà chính của Ban Quản lý bến xe, dành phần diện tích còn trống khoảng 1.100m2 để làm bãi đỗ ô tô. Tháo dỡ hàng rào bến xe tiếp giáp với đường Tân Thiết để tạo không gian thông thoáng và thuận tiện trong việc bố trí điểm kinh doanh.

Mặt bằng chợ đêm dự tính được bố trí thành 5 khu vực chính: Khu vực kinh doanh khoảng 1.380m2, bố trí 121 điểm kinh doanh và 1 khu giải khát; khu vực biểu diễn văn hóa nghệ thuật khoảng 500m2; khu vực bãi đổ xe khoảng 1.100m2; đường nội bộ và không gian chung khoảng 1.020m2; khu nhà vệ sinh. Sản phẩm kinh doanh tập trung chủ yếu hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, đặc sản Huế... hoạt động từ 18 giờ đến trước 5 giờ sáng hôm sau.

Việc tạo lập không gian cảnh quan sẽ chú trọng chiếu sáng trang trí. Khai thác hệ thống đèn chiếu sáng hiện có, tăng cường thêm đèn chiếu sáng, bố trí điểm nhấn cụm ánh sáng đèn laze 7 màu tại khu hoạt động nghệ thuật cộng đồng. Sử dụng đèn lồng truyền thống Huế với nhiều màu sắc để làm nền chủ đạo trang trí tại các gian hàng. Lắp đặt cổng chính Chợ đêm Đông Ba tại đường Trần Hưng Đạo để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Bố trí cây cảnh, bồn hoa, thùng rác lạ mắt với lời mời hấp dẫn, hài hước để du khách cùng tham gia bảo vệ môi trường…

Vài cảnh báo cần tránh

Một số ý kiến cho rằng, không nên mở chợ đêm vì lo ngại an ninh trật tự (ANTT). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên vì lý do ANTT mà không mở chợ đêm. Những năm 1990-2000, các khu chợ đêm tự phát cũng đã xuất hiện quanh khu vực Bến xe Đông Ba hiện nay như Ngõ Vắng Xôn Xao (kiệt ngân hàng), khu nhậu đêm Ca Bin (chân cầu Trường Tiền thu hút gần 1.000 người/đêm)…

Điều đáng nói là phải tránh vết xe đổ của nhiều chợ đêm trong nước đã vấp phải, đó là đông đúc ban đầu, sau đó khách vơi dần vì “nhạt”, bởi từ đầu đến cuối, các quầy hàng hóa như quần áo, giày dép, túi xách gần như bán đồ giống hệt nhau và đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Trái cây, hoa quả được giới thiệu là đặc sản địa phương nhưng thực chất đa số vẫn là hàng Tàu. Các hộ kinh doanh xả rác bừa bãi, mất vệ sinh. Chưa kể tình trạng hét giá, cò cưa, đôi co giữa người bán và khách hàng vẫn thường xuyên diễn ra.

Ngay ở TP. Hồ Chí Minh, khu chợ đêm nổi tiếng nhất hiện nay là chợ đêm Bến Thành nhưng chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ phụ kiện, trang sức… hàng “fake”, hàng nhái, hàng Trung Quốc kém chất lượng.

Một chuyên gia du lịch nhận định, các khu chợ đêm tại Việt Nam hiện nay chưa thu hút là do người bán vẫn nghĩ họ đang mưu sinh, chưa có khái niệm đang làm du lịch. Không có sáng tạo, ý tưởng trong cách bán, các khu chợ đêm thường rất buồn tẻ và... nhạt.

Huế đã tạo được phố đi bộ với đặc trưng Huế rất riêng, hy vọng sẽ làm tốt Chợ đêm Đông Ba. Theo đó, hàng hóa nên phổ biến sản phẩm Huế, có con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế để ít ra, đó cũng là “con dấu mang về nhà” sau khi đến Huế. Và ẩm thực Huế nữa. Ngày xưa gầm cầu Gia Hội vang danh “gà nướng ông Ớt”, những đặc sản ẩm thực ấy, cần xuất hiện ở Chợ đêm Đông Ba để gọi mời du khách. Và tại sao không, khi du khách có thể từ bờ Nam sang Chợ đêm bằng chuyến đò ngang từ bến Tòa Khâm...

Hồ Hoàng Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Vì một Đông Ba xanh - sạch - sáng

Sau gần 5 năm triển khai và tạo hiệu ứng tích cực từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” trên địa bàn chợ Đông Ba, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba vinh dự là đơn vị điển hình tiêu biểu được thành phố tuyên dương trong phong trào xây dựng TP. Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc” giai đoạn 2020 - 2024.

Vì một Đông Ba xanh - sạch - sáng
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top