ClockThứ Hai, 08/07/2024 06:18
Bất cập hạ tầng lưới điện:

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 1: Chưa theo kịp sự phát triển

TTH - Hiện nay, cột điện nằm trong khuôn viên nhà dân, đi qua khu dân cư; hệ thống dây điện tựa mạng nhện trên không gian là vấn đề lớn từ đô thị đến nông thôn. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân, thậm chí là mối nguy gây chết người. Giải quyết rốt ráo vấn đề trên, hướng tới cấp điện an toàn, bền vững cần phải có lộ trình cụ thể và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành điện và địa phương, cũng như các hộ dân có liên quan.

Tăng cường đầu tư hạ tầng lưới điệnƯu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng lưới điệnHiện đại hóa hạ tầng lưới điện theo định hướng lưới điện thông minh

 Bảo dưỡng lưới điện Khu Công nghiệp Phú Bài. Ảnh: TTHPC

Tốc độ đô thị hóa ngày càng mở rộng, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân ngày càng cao. Những bất cập trong hạ tầng lưới điện đã cản trở nhu cầu chính đáng của người dân, cũng như kìm hãm sự phát triển của quá trình đô thị hóa…

Hiểm nguy lơ lửng trên đầu

Trước đây, đất đai rộng rãi, nhà cửa thưa thớt, hệ thống lưới điện, nhất là ở nông thôn (gồm cột điện, đường dây điện do các hợp tác xã điện địa phương xây dựng) chủ yếu chạy trong khuôn viên đất của người dân và trong khu dân cư. Để có điện phục vụ nhu cầu cuộc sống, người dân sẵn sàng cho các HTX điện dựng cột điện trong khuôn viên đất của mình. Tuy nhiên, việc tăng dân số, nhu cầu tách hộ, xây dựng nhà ở khiến không ít hộ gặp khó khăn do những bất cấp của hệ thống lưới điện hiện hữu.

Đường dây điện trung thế đi qua khu dân cư đang tồn tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đa số đường dây này là dây trần, độ phóng điện lớn nên rất nguy hiểm, gây bất an cho người dân. Ông Ngô Định, trú tại tổ dân phố Bàu Đưng, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà cho biết, đường dây điện trung thế 22kV đi từ trạm điện Triều Tây (Hương Chữ, Hương Trà) về trung tâm phường Tứ Hạ qua đất nhà ông. Trước đây, khi sửa chữa lại giàn bầu, ông suýt nữa gặp nạn bởi đường dây điện này. “Lúc đó, tôi dùng cây tre, chẳng may cây tre vướng dây điện, nhưng may là cây tre khô nên chỉ bị giật nhẹ, nếu là tre tươi thì không biết chuyện gì xảy ra. Gia đình tôi rất bất an khi đường dây điện chạy qua nhà và đất ở. Mong ngành điện sớm di dời để an toàn cho người dân”, ông Định mong mỏi.

Mới đây, đầu tháng 4/2024, trong lúc sửa chữa ngôi nhà từ đường của chi nhánh 2, phái Nhất, dòng họ Ngô Văn ở tổ dân phố Bàu Đưng, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà do sơ suất, ông L.V.Q. (61 tuổi, thường trú tại tổ dân phố Giáp Tư, phường Hương Văn là thợ thi công) chẳng may cầm thước nhôm va vào đường dây điện trung thế này và bị điện giật chết. Theo nhiều người chứng kiến vụ việc, sở dĩ xảy ra sự cố trên là do khoảng cách giữa 2 cột điện quá xa, khiến dây điện chùng xuống sát ngôi nhà từ đường họ và nhiều nhà dân, gây nguy hiểm và bất an đối với người dân trong khu vực. Trước đó, vào tháng 9/2021, đường dây trung thế 22kV này cũng đã làm ông N.V.T. (SN 1996, trú tại thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, TP. Huế) bị điện giật chết khi đang thi công xây dựng nhà cho bà Bùi Thị Thu Hiền, ở kiệt 55, đường Độc Lập, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà.

Theo ông Nguyễn Xuân Chinh, Chủ tịch UBND phường Hương Văn, đường dây điện trung thế 22kV này được thi công từ giai đoạn năm 1995-1996. Trước đây, do nguồn kinh phí lớn nên chính quyền địa phương phải kêu gọi từ Trung ương để thi công đường lưới điện phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân. Thời kỳ đó, người dân đóng góp kinh phí (khoảng vài trăm nghìn đồng/hộ) để đúc trụ và nhường đất để chôn trụ và cho đường dây đi qua. Hiện nay, phường có 8 khu dân cư với bình quân mỗi khu dân cư có từ 1 đến 2 trạm biến áp; trong đó có khoảng 20% dân số (phường có 2.500 hộ, 10.500 khẩu) bị ảnh hưởng bởi cột điện và đường dây điện. Do nhu cầu phát triển, những bất cập trong hạ tầng lưới điện đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của không ít hộ dân, cần có những giải pháp quyết liệt, kịp thời.

Cột điện nằm trong khuôn viên đất nhà ông Nguyễn Văn Lành tại thôn Đông An, xã Phong An, huyện Phong Điền 

Nhiều cột điện trong khuôn viên nhà dân

Không chỉ bất an khi... dây điện lơ lửng đầu, nhiều hộ gia đình cũng khổ sở khi có cột điện nằm trong khuôn viên đất gia đình mình. Ông Nguyễn Văn Lành và vợ là Trần Thị Hồng Gấm, trú tại thôn Đông An, xã Phong An, huyện Phong Điền cho biết, nguyên nhà tôi xây dựng từ trước năm 1975 trên thửa đất với diện tích gần 500m2. Năm 2000, do nhà xuống cấp nên cha mẹ tôi cho sửa sang lại. Bản thân tôi vào Nam sinh sống, làm ăn. Năm 2004, gia đình tôi được UBND huyện Phong Điền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 196 thuộc thôn Đông An, xã Phong An với diện tích 484,0m2, trong đó có 400m2 đất ở, 48m2 đất vườn. Sau khi được cấp thẻ đỏ, HTX điện Phong An phối hợp với điện lực về yêu cầu bắt cột điện ở sau vườn và được mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Châm (lúc đó đã 70 tuổi, già yếu) đồng ý.

“Sau khi mẹ tôi già yếu và ốm đau, tôi và vợ, con từ miền Nam trở về địa phương sinh sống thì cột điện đã có rồi, dây diện thì chạy ngang lan can trước nhà rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của gia đình, nhất là khi có mưa bão. Về vấn đề này, trong những lần tiếp xúc cử tri thôn, xã, tôi đã nhiều lần có ý kiến di dời cột điện và dây điện đi nơi khác, nhưng vẫn không được ngành điện lực xem xét, giải quyết. Nay, trong nhà có con nhỏ, tôi muốn xây dựng lại nhà, lên tầng, nhưng vướng cột điện và hệ thống dây điện, nên không thể”, ông Lành lo lắng.

Mới đây, giải quyết phản ánh của ông Lành, Điện lực Phong Điền đã cùng với Thôn trưởng thôn Đông An khảo sát để di dời. Tuy nhiên, do đường cạnh nhà ông Lành có quy hoạch mở rộng, nên chưa thống nhất được vị trí di dời cột điện, khiến vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo.

 Đường dây điện 22kV đi qua tổ dân phố Bàu Đưng, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà làm người dân bất an

Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết, không riêng nhà ông Lành, trên địa bàn xã có 51 hộ (Bồ Điền: 10, Thượng An 1: 12, Thượng An 2: 11, Đông Lâm: 14, Vĩnh Hương: 3 và Đông An: 1) có cột điện trong khuôn viên nhà. Đa số trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân có nguyện vọng di dời cột điện để con cái làm nhà, ổn định cuộc sống riêng, nhưng chưa được đáp ứng. Nếu hộ gia đình nào muốn dời cột điện ra ngoài đường công cộng phải nộp số tiến 35 triệu đồng để di dời, trong khi đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên không thể. Về vấn đề này, Thường trực HĐND xã và MTTQVN xã sau mỗi kỳ tiếp xúc cử tri đều gửi kiến nghị lên Thường trực HĐND và UBMTTQVN huyện Phong Điền để kiến nghị những nguyện vọng chính đáng của người dân và cử tri. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí lớn nên việc di dời cột điện ra ngoài khuôn viên đất của người dân vẫn chưa được thực hiện.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nào về số hộ bị ảnh hưởng bởi đường dây điện và cột điện, nhưng những bất cập của hạ tầng lưới điện, cột điện do lịch sử để lại đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống Nhân dân, gây bất an trong một số bộ phận người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Di dời cột điện ra khỏi nhà dân hay thay thế những đường dây trần bằng dây có bọc nhựa là những phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn cho người dân phải được ngành điện ưu tiên hàng đầu. Có như vậy, những hiểm họa đang treo trên đầu ở các hộ dân có cột điện trong khuôn viên nhà và đường dây điện đi qua sẽ được giải quyết triệt để.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Hải Huế - Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm
Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và đẩy mạnh triển khai chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), hạ tầng trường lớp, xứng đáng là lá cờ đầu trong lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh.

Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục
Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa thuộc TP. Huế. Để triển khai các NQ trên, UBND TP. Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở làm việc cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy hành chính mới vào đầu năm 2025.

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập
Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top