ClockThứ Sáu, 15/03/2019 05:30

Bưởi da xanh “đẩy lùi” vườn tạp

TTH - Từ những khu vườn tạp, người dân xã Phong Xuân (Phong Điền) đã cải tạo đất, đưa vào trồng bưởi da xanh (BDX). Đây là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh thành công với mô hình này.

Bưởi hồng da xanh bén duyên đất HuếTrồng mới 120 cây lim xanh tại lễ phát động tết trồng cây

Vườn bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao của bà Đặng Thị Cúc

Chuyển đổi thành công 66ha

Thực hiện đề án cải tạo vườn tạp (CTVT), năm 2018, UBND xã Phong Xuân vận động nông dân trên địa bàn chuyển đổi thành công 66 ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng BDX. Những vườn BDX được trồng theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Bà Đặng Thị Cúc (thôn Cổ Xuân - Quảng Lộc, xã Phong Xuân) là một trong những hộ tham gia trồng BDX ở địa phương. Vườn bưởi đã ba năm tuổi hiện sinh trưởng tốt và chuẩn bị cho lứa trái đầu tiên.

“Khu vườn trước đây trồng sắn, năng suất rất thấp, nhiều vụ đành bỏ hoang. Khi có đề án CTVT của địa phương, gia đình mình cùng nhiều nông dân trên địa bàn đã tham gia và bước đầu cho thấy, giống BDX thích ứng tốt với điều kiện đất đai ở đây”, bà Cúc nói.

Tương tự, vườn BDX lớn nhất, nhì xã (gần 1,5 ha) là thành quả lao động miệt mài của gia đình anh Trương Minh Thành (thôn Cổ Xuân – Quảng Lộc) khi tiếp cận mô hình mới.

Anh Thành trồng tổng cộng 400 cây giống, với giá thành 15.000 đồng/cây, được hỗ trợ theo đề án CTVT của UBND huyện Phong Điền. Sau gần 2 tháng đưa vào trồng, đến nay, 100% bưởi giống đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sắp tới, anh Thành tiếp tục đầu tư thêm hệ thống tưới tự động để chăm sóc vườn bưởi.

Tỷ lệ cây sống trên 90%

Chia sẻ kinh nghiệm trồng BDX theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các nông dân tham gia mô hình cho hay: Bắt đầu qua tháng 8 (DL) khi bưởi ra hoa, người trồng phải tiến hành cày xới quanh gốc để cắt rễ phụ và xuống phân chuồng, rơm rạ; canh thời gian xuống phân (vài tháng sau khi rơm rạ phân hủy), vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa giữ ẩm cho cây.

Trong quá trình trồng, sinh trưởng của cây tuyệt đối không dùng phân hóa học; sau 3 năm BDX cho lứa trái bói đầu tiên, để đảm bảo cho cây cho quả năng suất lâu dài, phải cắt bỏ hết trái bói, chờ vụ tiếp theo mới khai thác quả.

Trong vụ chính, theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ngoài theo dõi sâu bệnh trên cây, phải “tỉa quả” bưởi cho phù hợp với sinh trưởng của cây, nhằm cho trái có trọng lượng lớn, không để nhiều trái trên cây.

Ông Đặng Quang Chẩn, Giám đốc HTX Tân Xuân (xã Phong Xuân) - đơn vị đầu mối cung ứng giống cho các hộ dân cho biết, toàn xã Phong Xuân hiện có gần 300 hộ dân tham gia đề án CTVT. Riêng trong đợt phát động gần đây nhất (tháng 1/2019), đã có hơn 5.000 cây giống, tương đương 22 ha BDX được trồng mới, với mức giá ưu đãi được đưa đến cho bà con, nâng tổng diện tích trồng BDX trên địa bàn xã lên 66 ha. Trong đó, có 2 ha hiện đang cho thu hoạch, 5 ha cho trái bói và 59 ha từ 1-3 năm tuổi. Tỷ lệ cây sống sót đạt trên 90%.

Theo ông Chẩn, giống BDX được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Trọng lượng bình quân từ 1-2 kg/1 quả, được thu mua với giá khá cao, trung bình từ 30-40 nghìn đồng/1 quả, tương đương khoảng 1 triệu đồng trên 1 cây. Mô hình BDX bước đầu tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình; năm 2018, đã có các hộ thu nhập từ 20-25 triệu đồng từ BDX.

Hiện, chính quyền địa phương đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt đăng ký thương hiệu BDX hữu cơ Phong Điền, nhằm ổn định đầu ra cho bà con.

“Lợi thế của vùng gò đồi Phong Xuân là trồng những cây có múi. Những kết quả trên cho thấy xã Phong Xuân bước đầu triển khai thành công đề án CTVT trên địa bàn. Riêng với mô hình BDX, đây cũng là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh trồng thành công mô hình này, với quy mô lớn”, ông Chẩn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Phong Điền thông tin, với đề án CTVT trồng BDX, HND huyện đã giải ngân 500 triệu đồng cho 10 hộ vay thời hạn 3 năm, với mức lãi suất 0,7%/năm. HND tiếp tục phối hợp với HTX Tân Xuân và chính quyền địa phương giải ngân nguồn quỹ hỗ trợ nông dân nếu bà con có nhu cầu.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7%

Chiều 24/12, Chi cục Dân số tỉnh tổ chức tổng kết công tác Dân số và phát triển năm 2024; đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7
Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn

Với niềm đam mê chăn nuôi, trồng trọt, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1995 ở phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình “hệ sinh thái” tuần hoàn với nhiều sản phẩm đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn
Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Ngày 26/11, tại UBND xã Vinh Xuân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm của Hội Nông dân, tham gia phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2024 tại hai xã Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Dự hội nghị có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Nguyễn Chí Quang, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

TIN MỚI

Return to top