ClockThứ Sáu, 04/12/2015 11:14

Ăn nên làm ra từ nghề biển

TTH - Trong khi đánh bắt xa bờ, trung bờ ở một số địa phương vùng bãi ngang đang gặp khó khăn thì ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang), nghề biển đang “ăn nên làm ra” do ngư dân biết chọn hình thức đánh bắt phù hợp, mua nhiều ngư lưới cụ, tàu công suất lớn vươn khơi…

Nghề lưới rê mực khơi mang thu nhập lớn cho ngư dân Vinh Thanh

“Sống khỏe”

Toàn xã Vinh Thanhhiện có 113 phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó có 22 tàu công suất từ 120 CV đến 720 CV chuyên làm nghề lưới rê mực khơi. Tại thôn 2 và 6, 80% bà con theo nghề biển. Những hộ dân ở đây đang thực sự “sống khỏe” với nghề truyền thống gia đình.

Trước đây, cũng như nhiều vùng bãi ngang khác, đánh bắt gần bờ ở Vinh Thanh gặp nhiều khó khăn do tàu dã cào các tỉnh khác hoành hành; nhiều vuông lưới của ngư dân bị cào, xé rách thiệt hại lên cả tỷ đồng. Thời điểm cách đây hai năm, tàu có công suất lớn nhất ở Vinh Thanh cũng chỉ có 250 CV, chuyên làm nghề lưới rê cá lạc. Nhận thấy ngư dân tỉnh bạn có nghề lưới rê mực khơi làm được quanh năm, bà con Vinh Thanh từ nguồn vốn tự có, vay thêm các nguồn khác đã mua thêm tàu công suất lớn, sắm thêm ngư lưới cụ để phát triển nghề lưới rê mực khơi.

Xã Vinh Thanh hiện có trên 100 phương tiện khai thác thủy hải sản với tổng sản lượng khai thác bình quân đạt trên 2.000 tấn/năm. Nghề biển đã giải quyết việc làm ổn định, thu nhập cao cho khoảng 400 lao động tại địa phương. 100% tàu cá đều được trang bị bộ đàm thông tin liên lạc tầm trung bán kính đạt 60 hải lý; có 5 tàu trang bị thông tin liên lạc tầm xa và thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh
 
Ông Trần Văn Sang, cán bộ phụ trách thủy sản xã Vinh Thanh, khẳng định

Vừa trở về sau chuyến biển, ngư dân Đỗ Hữu Thung (thôn 6) đon đả: “Mình đánh bắt gần một tuần, được gần 5 tấn cá, mực bán ở cảng Thuận An. Từ khi sắm ngư lưới cụ để theo nghề lưới rê mực khơi, không riêng gì chủ tàu mà anh em thuyền viên bọn mình rất phấn khởi. Không gì sướng bằng có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống của ông cha”.

Trước đây, hộ Thung chủ yếu đánh bắt gần bờ, khi mua tàu mới giá gần 2 tỷ đồng, ông Thung chuyển qua nghề lưới rê cá lạc. Nghề này chỉ làm được vụ đông, kéo dài mấy tháng hiệu quả đánh bắt không cao nên thu nhập cũng bấp bênh. Thấy các tàu như Bình Định, Quảng Bình có nghề lưới rê mực khơi, ông Thung đầu tư giàn lưới giá 800 triệu đồng (chiều dài 6 hải lý) để theo nghề. Lưới rê mực khơi là nghề đánh bắt được quanh năm. Mỗi chuyến đi 2 đến 3 ngày, có thể kéo dài lên cả tuần nếu gặp những mẻ cá lớn, khi ra khơi xa từ 50-70 hải lý. Mỗi năm có 2 vụ đánh bắt, thu nhập bình quân từ từ 150-180 triệu đồng/tàu. Trừ chi phí dầu, bảo quản, nhân công, mỗi chủ tàu lãi vài chục triệu đồng/chuyến.

Hộ ông Hoàng Tấn Ký (thôn 6), từ khi đóng tàu công suất 450 CV, sắm giàn lưới rê mực khơi 700 triệu đồng, ông Ký cùng gần 10 thuyền viên trên tàu bám biển hiệu quả hơn các hình thức đánh bắt khác. “Mỗi chuyến bình quân kiếm được 3-5 tấn hải sản. Cá vảy, chặng, kình giá bình quân 8-10 nghìn/kg; mực 70 nghìn/kg. Trừ các chi phí dầu, đá, nhân công 20 triệu/chuyến, chủ thuyền còn lãi khoảng vài chục triệu đồng/chuyến là ổn” - ông Ký thổ lộ.

Đánh bắt bền vững

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xa bờ Vinh Thanh đánh giá: Trong những năm qua, đánh bắt trên biển gặp nhiều thuận lợi về thời tiết và mùa vụ. Địa phương đã vận động ngư dân đẩy mạnh phát triển nghề khai thác xa bờ, ổn định khai thác ven bờ, phát triển nghề mới, nhất là nghề lưới rê mực khơi. Ngư dân đã mạnh dạn đầu tư cải hoán nâng cấp máy và phương tiện nhằm đảm bảo vươn khơi đánh bắt và mở rộng ngư trường khai thác. Chỉ tính riêng năm 2015, ở Vinh Thanh đã có thêm 5 chiếc tàu công suất từ 400-720CV được mua, đóng mới. Ông Phát cho biết thêm, do đặc điểm của nghề lưới rê mực khơi thời gian khai thác quanh năm, hiệu quả cao nên bà con ngư dân đã chủ động nâng cấp mua sắm, cải hoán phương tiện máy móc. Kết quả từng chuyến biển thu nhập bình quân trên 150 triệu/tàu với nghề này. Cá biệt, có ngư dân trong xã như Trần Thanh Dũng, Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Văn Thiện, trúng vụ cá lớn, mỗi chuyến biển với nghề lưới rê mực khơi, thu nhập gần 400 triệu đồng/tàu.

Bên cạnh khuyến khích ngư dân đầu tư, công tác đảm bảo an toàn, trang bị máy móc hiện đại, tập huấn cho ngư dân khai thác xa bờ cũng được chú trọng. Ông Trần Văn Sang, Cán bộ phụ trách thủy sản xã Vinh Thanh, thông tin: “Trong năm qua UBND xã đã phối hợp các Đồn biên phòng 224 Vinh Xuân, 228 Vinh Hiền, Chi cục KT&BVNLTS tổ chức tuần ra, ngăn chặn và xử lý 3 cặp tàu giã cào của ngư dân ngoại tỉnh; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư tỉnh tổ chức cho các chủ tàu xa bờ tham dự tập huấn và tham quan mô hình khai thác xa bờ hiệu quả do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức; phối hợp chi hội nghề cá ven bờ tổ chức đăng ký tham gia bảo hiểm thuyền viên cho 132 ngư dân”.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế

Ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế. Đây là một trong những hoạt động chính liên quan đến đề tài KH&CN cấp tỉnh: "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế - Hoàng mai Huế" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì và PGS.TS Đặng Văn Đông là chủ nhiệm đề tài.

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế
Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

TIN MỚI

Return to top