ClockThứ Tư, 28/06/2023 12:09

Đề thi môn ngữ văn: Hay và vừa sức thí sinh

TTH.VN - Sáng nay (28/6), thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT)năm 2023 với môn ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Đây cũng là môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi này.

“Tiếp sức mùa thi” đồng hành cùng sĩ tử Hơn một triệu thí sinh cả nước bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT

leftcenterrightdel
Thí sinh tham dự kỳ thi tại điểm thi  Trường THPT Quốc Học

Toàn tỉnh có 12.813 thí sinh tham gia thi môn ngữ văn trên tổng số 12.859 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ hơn 99,6%. Theo quy định, khoảng 6 giờ 30 thí sinh có mặt ở điểm thi; 7 giờ 30 cán bộ coi thi phát đề thi và thời gian làm bài sẽ bắt đầu được tính 5 phút sau đó. Thí sinh đến muộn 15 phút kể từ khi tính thời gian làm bài sẽ không được vào điểm thi. Tại các điểm thi, nhiều thí sinh và phụ huynh có mặt ở điểm thi rất sớm. Lo lắng, hồi hộp là tâm lý chung của các thí sinh và phụ huynh khi bước vào kỳ thi.

Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, ghi nhận tại hai điểm thi Trường THPT chuyên Quốc Học và Trường THPT Hai Bà Trưng, nhiều thí sinh có tâm lý khá thoải mái sau khi bước ra khỏi phòng thi. Nhận định chung của các thí sinh về đề thi môn văn năm nay là khá vừa sức với kiến thức đã được học, thời gian làm bài vừa đủ, một số em làm xong sớm 15 phút.

Em Hà Minh Tâm, học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết: “Bản thân em thấy đề thi cũng bình thường như mọi năm, không quá khó. Dạng đề cũng quen thuộc và các bạn trong phòng thi đều làm bài được. Em đoán mình đạt tầm 7 điểm”.

Với đề thi này, em Nguyễn Ngọc Hoài Nhi, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh nhận xét: “Đề thi khó hơn năm trước nhưng em vẫn làm bài được và dự đoán đạt 7 điểm. Ở câu nghị luận xã hội, nhờ hay đọc sách hạt giống tâm hồn nên em có thể liên hệ làm tốt. Ở phần nghị luận văn học, dù không “trúng tủ” với bài “Vợ nhặt” nhưng em vẫn làm được vì đã được ôn tập”.

Năm nay, đề thi ngữ văn vẫn giữ cấu trúc đề quen thuộc, bao gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm). Đề thi được đánh giá là hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân loại học sinh cao.

Theo nhận xét của thầy Trần Văn Toản, giáo viên văn Trường THPT chuyên Quốc Học, đề thi năm nay có cấu trúc giống như mọi năm, tương tự như đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phần 1 đọc hiểu với ngữ liệu là một đoạn thơ trích trong tác phẩm “Đi qua cơn giông” của tác giả Anh Ngọc, trả lời 4 câu hỏi với mức độ khó tăng dần. Phần này vừa sức với đa số học sinh, tạo điều kiện cho học sinh ở các mức khác nhau có thể làm được bài.

Phần làm văn gồm câu 2 điểm cho phần nghị luận xã hội và câu 5 điểm cho phần nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đây là câu hỏi có tính phân loại thí sinh, đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, tư duy, hiểu được đoạn thơ ở phần đọc hiểu, có kỹ năng làm bài mới có định hướng đúng để làm bài tốt.

Câu nghị luận văn học ra trích đoạn trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích và nhận xét cách nhìn cuộc sống của tác giả thể hiện trong đoạn trích. Yêu cầu nhận xét cách nhìn cuộc sống của tác giả là yêu cầu hay, có tính nâng cao và học sinh khá, giỏi, có năng khiếu có thể đạt điểm cao ở phần này.

“Các em nắm được tác phẩm, hiểu được tác giả và thông điệp nhà văn gửi vào trong đó chắc chắn sẽ làm được. Tất nhiên, học sinh phải nắm chắc kỹ năng phân tích một đoạn văn trong một tác phẩm văn học, nếu không dễ lan man vào việc phân tích cả tác phẩm”, thầy Toản nói.

Ngoài cổng các điểm thi, nhiều phụ huynh đợi con vui mừng, phấn khởi khi nghe tin các con làm bài tốt và cũng có phụ huynh an ủi, động viên khi con làm bài không như mong muốn để các em có tâm lý thoải mái bước vào các môn thi tiếp theo.

Kết thúc buổi thi đầu tiên, ở cả 38 điểm thi đều không vi phạm quy chế trường thi.

Buổi chiều, thí sinh tiếp tục thi môn toán theo hình thức thi trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút.

Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025:
Đánh giá toàn diện năng lực người học

Năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó tập trung đánh giá năng lực toàn diện của người học. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các trường tích cực phổ biến quy chế, ôn tập để học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp đến.

Đánh giá toàn diện năng lực người học

TIN MỚI

Return to top