ClockThứ Tư, 30/05/2018 14:13

Các ngành ngoại ngữ “hút” thí sinh

TTH - Mùa tuyển sinh 2018, nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn các ngành ngoại ngữ trong hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).

Điểm ưu tiên tuyển sinh đại học sẽ được điều chỉnh giảmTrường nghề khó tuyển sinhTuyển sinh ĐH Huế năm 2017: Vẫn còn nhiều ngành khó tuyểnTuyển sinh Đại học Huế năm 2017: Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 khả năng sẽ caoPhát hành sách Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017

Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế chuyển tải thông tin tuyển sinh đến thí sinh thông qua các trò chơi đố vui

“Lên ngôi”

Kết quả số liệu khảo sát sau đợt thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia và xét tuyển ĐH - 2018 cho thấy, có đến hơn 8.200 tổng số nguyện vọng của thí sinh trên toàn quốc đăng ký vào các ngành học của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, so với chỉ tiêu đề ra (1.358 thí sinh), có thể thấy tỷ lệ chọi là khá cao. Trong đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các ngành trường này là gần 2.000; các nguyện vọng còn lại cũng cao. “Tổng số nguyện vọng vào trường mà thí sinh đăng ký cùng thời điểm ở mùa tuyển sinh năm ngoái là 5.600, năm nay tổng số nguyện vọng đăng ký vào trường là nhiều hơn. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với các ngành ngoại ngữ”, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế nói.

Ths. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế phân tích, sau một giai đoạn ngắn gặp khó khăn trong tuyển sinh (năm 2013 - 2014), các ngành ngoại ngữ trở nên thu hút người học từ năm 2015 và đang có chiều hướng tăng lên. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề này, đầu tiên là nhờ đề án ngoại ngữ đã giúp thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của việc học ngoại ngữ. Ngoài ra, xu hướng tuyển dụng của các đơn vị yêu cầu về ngoại ngữ. Người học các ngành ngoại ngữ có lợi thế đầu ra việc làm, có thể kết hợp học thêm một số ngành, nghề để tìm được công việc phù hợp. “Sinh viên ngoại ngữ ra trường làm công việc về du lịch rất nhiều. Những năm gần đây, nhu cầu nhân lực của ngành du lịch càng cao phần nào tác động đến đầu ra việc làm của sinh viên nhà trường. Điều này cũng có ý nghĩa thu hút đầu vào”, ông Tiến chia sẻ.

Công tác quảng bá tốt cũng khiến thí sinh lựa chọn các ngành học ngoại ngữ. Mùa tuyển sinh năm 2018, song song các phương thức quảng bá tuyển sinh truyền thống là tư vấn trực tiếp tại các trường, phối hợp các tờ báo lớn và các cơ quan liên quan tư vấn tuyển sinh, nhà trường còn liên kết với một công ty truyền thông để đầu tư truyền thông qua facebook - kênh thông tin và thí sinh thường xuyên sử dụng. Ở hình thức truyền thông này, Trường ĐH Ngoại ngữ sử dụng phương pháp lọc người tiếp cận, tập trung chuyển tải thông tin tuyển sinh đến đối tượng từ 17 - 18 tuổi, phạm vi từ các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi (vùng tuyển sinh truyền thống của trường). Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp truyền thông trên các tờ báo, chuyển tải các thông tin về thương hiệu của trường đến đối tượng phụ huynh người học.

Nguyễn Thị Thùy Linh, thí sinh lựa chọn đăng ký ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ: “Hiện nay, ngành nghề gì cũng cần đến ngoại ngữ. Trước khi chọn lựa, em cũng đã theo dõi, tìm hiểu về các ngành học cùng nhiều thông tin trên mạng mới đưa ra quyết định. Em thấy việc tuyển dụng ngành nghề nào cũng có giai đoạn nhưng ngoại ngữ thì luôn cần. Hơn nữa, học ngoại ngữ cũng giúp em có thuận lợi vấn đề giao tiếp trong xã hội hiện đại”.

Hạn chế nguyện vọng ảo

Trăn trở của Trường ĐH Ngoại ngữ và cả thí sinh là vấn đề nguyện vọng ảo. Đến tháng 7/2018, thí sinh vẫn còn cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng nên những số liệu đã nói chưa thực sự chắc chắn. Thậm chí, kết thúc đợt xét tuyển, có thí sinh trúng tuyển và được gọi nhập học, nhưng vẫn không theo các ngành học đó.

Nguyện vọng ảo khiến các trường khó xác định điểm chuẩn phù hợp bởi nếu chọn giải pháp an toàn (không vượt nhiều so với số lượng thí sinh đậu), nguy cơ thiếu chỉ tiêu do thí sinh không nhập học sẽ xảy ra, đây là vấn đề từng xuất hiện các năm trước; điều này phần nào ảnh hưởng đến cơ hội của các thí sinh điểm thấp hơn. Ngược lại, nếu tính toán không kỹ, nguy cơ vượt chỉ tiêu tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là rất lớn.

Để hạn chế nguyện vọng ảo, năm nay nhà trường tiếp tục phối hợp các đơn vị giáo dục trên toàn quốc triển khai giải pháp lọc ảo thông qua phần mềm chuyên dụng, dự kiến sẽ tổ chức trong 3 ngày, mỗi ngày lọc khoảng 4 lượt; đồng thời, trong các đợt tư vấn tuyển sinh, nhà trường cũng đã định hướng cho thí sinh cách đăng ký để hạn chế nguyện vọng ảo.

Ông Tiến đánh giá, theo nhìn nhận tương quan tình hình tuyển sinh năm 2017, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ không có sự chênh lệch nhiều. Thí sinh cần nghiên cứu để có thể đưa ra quyết định cuối cùng ở lần điều chỉnh nguyện vọng, hạn chế tình trạng nguyện vọng ảo. Để chắc chắn, thí sinh nên nghiên cứu sức học của mình, đăng ký 3 nguyện vọng cùng trường ở 3 ngành có mức điểm chuẩn khác nhau (tham khảo điểm chuẩn 2017). Các quyết định chọn ngành học, trường học nên chắc chắn, tránh tình trạng đậu rồi không theo học, vì ngay bản thân người đăng ký cũng mất nhiều thời gian, công sức và khoản kinh phí cho các thủ tục tuyển sinh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và đẩy mạnh triển khai chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), hạ tầng trường lớp, xứng đáng là lá cờ đầu trong lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh.

Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục
Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đặc biệt chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ được đặt ra tại hội nghị triển khai hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 20/12.

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học
Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện

Định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện nhằm​ quán triệt nội dung định hướng, kế hoạch về tiến độ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện

TIN MỚI

Return to top