ClockThứ Sáu, 08/09/2017 05:56

Tuyển sinh ĐH Huế năm 2017: Vẫn còn nhiều ngành khó tuyển

TTH - Tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy năm 2017 tại ĐH Huế được đánh giá thành công nhưng vẫn chưa giải quyết được bài toán khó tuyển ở một số ngành.

Thí sinh đến nhập học đợt 1 ở Khoa Giáo dục Thể chất

Thành công chưa trọn vẹn

TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho biết, đến cuối tháng 8/2017, có 9.586 thí sinh (TS) nhập học trong tổng số 12.608 chỉ tiêu tuyển sinh, đạt tỷ lệ hơn 76%, thuộc nhóm đơn vị tuyển sinh tốt trong toàn quốc. So với kỳ tuyển sinh năm 2016 (gần 70%), số TS nhập học hiện tại cao hơn. Song, bên cạnh mặt tích cực, trăn trở lớn nhất là vẫn còn nhiều ngành khó tuyển.

Tính đến cuối tháng 8/2017, có khoảng 30 ngành đào tạo trình độ ĐH ở các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế có lượng TS nhập học dưới 10 sinh viên, chủ yếu ở Trường ĐH Nghệ thuật, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, Khoa Giáo dục Thể chất và một số ngành ở Trường ĐH Nông lâm, ĐH Khoa học, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm. Nhiều ngành không có TS hoặc tuyển được rất ít TS, như Giáo dục Quốc phòng – An ninh thuộc Khoa Giáo dục Thể chất (3 TS), Tài chính – Ngân hàng (Rennes I) thuộc Trường ĐH Kinh tế (5 TS), Đồ họa thuộc Trường ĐH Nghệ thuật (0 TS), Địa chất học và Địa lý tự nhiên thuộc Trường ĐH Khoa học (0 TS)…

Đáng lo ngại, có ngành không phải lần đầu khó tuyển. Ông Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật thừa nhận: “Tại trường có nhiều ngành khó tuyển, nhất là đồ họa gần như không tuyển được trong khoảng 3 năm trở lại”. Ông Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Kinh tế cũng chia sẻ, các ngành đào tạo liên kết thu hút rất ít người học. Tuy các năm trước lượng TS nhiều hơn năm nay, nhưng vẫn luôn thiếu chỉ tiêu ở những ngành này.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc tuyển sinh một số ngành gặp khó, trong đó vấn đề đầu ra việc làm chi phối rất lớn. Theo lãnh đạo nhiều trường, nhu cầu thị trường lao động biến động ảnh hưởng đến tuyển sinh. Có ngành giai đoạn này cần nhân lực nhưng đến một thời gian lại "bão hòa". “Tại trường, các ngành khoa học chuyên sâu như Khoa học đất hoặc một số ngành như Khuyến nông, Quản lý nguồn lợi thủy sản… rất hay, nhưng nhu cầu thị trường lao động hiện nay khó khăn nên người học ít đăng ký”, PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm nói.

TS. Nguyễn Gắng, Khoa trưởng Khoa Giáo dục Thể chất nhấn mạnh, việc kết nối doanh nghiệp không phải ngành nào cũng dễ. Sinh viên của khoa ra trường có thể làm giáo viên hoặc làm ở các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thể thao, tuy nhiên chỉ tiêu giáo viên thể dục hằng năm hay tuyển dụng của doanh nghiệp có hạn, vì thế ngay từ đầu sinh viên e dè khi chọn ngành học.

Với các ngành đào tạo liên kết ở Trường ĐH Kinh tế như ngành Tài chính – Ngân hàng (Rennes I), Quản trị kinh doanh (Tallaght – Ireland) dù chương trình đào tạo chất lượng và có sự phối hợp với đối tác phía nước ngoài song do mức học phí cao nên nhiều sinh viên vẫn ngại đăng ký. “Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các ngành liên kết vẫn thu hút, nhưng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nhiều sinh viên khó khăn về vấn đề tài chính nên khó tuyển”, ông Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế nói.

Hiện, kỳ tuyển sinh tại ĐH Huế đang bước vào giai đoạn cuối, song nhìn lượng TS ít ỏi của các đợt sau, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định nguồn tuyển đã cạn. Điều này đồng nghĩa những ngành khó tuyển sẽ không có thêm nhiều người học.

Tình nguyện viên Trường ĐH Kinh tế hướng dẫn thủ tục nhập học

Cần quyết liệt

Thông thường, phải kết thúc quá trình tuyển sinh thì mới tổng kết và đưa ra phương án tuyển sinh cho năm tiếp theo nhưng theo các chuyên gia giáo dục, với “bức tranh” tuyển sinh thời gian qua thì ngay từ bây giờ các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế nên chủ động nghiên cứu, xác định “tương lai” các ngành khó tuyển để đưa ra tính toán hiệu quả nhất trong cuộc họp sắp tới. Trong đó, vấn đề tạm dừng tuyển sinh một số ngành khó tuyển phải quyết liệt.

Nguyên tắc đã tuyển sinh có người học thì cơ sở giáo dục phải đào tạo, vì vậy trong năm nay, các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế khẳng định sẽ tiếp tục đào tạo những ngành có ít người học bằng nhiều giải pháp, trong đó có thể cân đối lại nguồn kinh phí, lấy ngành cao bù ngành thấp (tuyển sinh) và tận dụng những nguồn thu hợp pháp khác. Tuy nhiên đó là giải pháp tình thế và phải xác định lại phương án tuyển sinh 2018. Hiện nay, vấn đề tự chủ của xu hướng tất yếu của các trường ĐH. Muốn tự chủ, nguồn thu học phí rất quan trọng. Ông Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật thừa nhận, tuyển sinh của nhà trường khó khăn tất yếu sẽ rất khó tự chủ. Vì thế những ngành không tuyển được, khó có thể “giữ” lại.

PGS. TS. Hà Văn Hành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho rằng, ĐH Huế nên có lộ trình dừng tuyển sinh những ngành khó tuyển, trong trường hợp này phải tính đến các phương án hợp lý cho đội ngũ giảng viên, có thể đào tạo lại những ngành liên quan, điều tiết công việc hợp lý… Về phía Bộ GD&ĐT phải có những nghiên cứu, dự báo thị trường lao động, rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh các trường thật cụ thể trên cơ sở các tiêu chí: đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất, thực tế tuyển sinh qua các năm… để phân bổ lại chỉ tiêu hợp lý.

Với những ngành thực sự cần thiết nhưng khó tuyển, nên có phương án nhóm ngành. Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần nỗ lực trong vấn đề kết nối doanh nghiệp, tìm cơ hội đầu ra việc làm cho sinh viên. Ngoài ra, trong giải pháp tuyển sinh, phải tạo được mối quan hệ với các trường cấp trung học phổ thông và định hướng, giới thiệu thông tin tốt hơn.

Theo TS. Hoàng Tịnh Bảo, ĐH Huế là đơn vị đào tạo ĐH có thương hiệu, với những ngành khó tuyển kéo dài, chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục. Vì vậy, việc chủ động nghiên cứu những giải pháp để giải quyết vấn đề khó tuyển sinh ở nhiều ngành là thực sự cần thiết, trong đó phương án dừng tuyển sinh với những ngành khó tuyển cũng cần phải làm quyết liệt.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh

Sáng 11/1, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025 diễn ra tại Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh. Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế, Đại học Huế và Thành đoàn Huế phối hợp tổ chức.

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh
Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và đẩy mạnh triển khai chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), hạ tầng trường lớp, xứng đáng là lá cờ đầu trong lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh.

Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục
Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện

Định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện nhằm​ quán triệt nội dung định hướng, kế hoạch về tiến độ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện
Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

TIN MỚI

Return to top