ClockThứ Sáu, 05/11/2021 14:25

Nhiều phương án dạy - học bậc đại học

TTH - Một số đơn vị đào tạo đại học (ĐH) tại Huế sẽ đón sinh viên trở lại trường học tập trung. Tuy nhiên, vẫn sẽ có nhiều phương án dạy - học được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Chuẩn bị kỹ phương án dạy thể dục onlineLinh hoạt trong tổ chức học trực tuyếnKiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, duy trì sự ổn định của nền kinh tế

Sinh viên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược Huế

Linh hoạt phương án

Gần cuối tháng 10/2021, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế thông báo triển khai học tập trung học kỳ 1, năm học 2021 - 2022. Dự kiến, từ sau lễ khai giảng (ngày 8/11), sinh viên các khóa trở lại trường học tập trung theo thời khóa biểu.

PGS. TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm cho biết: “Theo rà soát đến 25/10, có khoảng 85% sinh viên của trường ở vùng xanh, đặc biệt đã có 70% sinh viên đang ở Huế. Đây là cơ sở để đưa ra phương án tổ chức dạy học tập trung với các sinh viên đã ở Huế. Đối với sinh viên ở các địa bàn được xác định mức độ dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) và cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) hoặc đang cách ly tập trung hay có lý do khách quan chưa thể về Huế, giảng viên và sinh viên sẽ kết nối để có phương án học trực tuyến, giao bài tự học và giảng viên đánh giá quá trình tự học của sinh viên”.

Không chỉ Trường ĐH Nông Lâm, nhiều đơn vị đào tạo ĐH cũng có phương án tổ chức dạy học tập trung trở lại, nhất là các đơn vị đào tạo nhóm ngành kỹ thuật. TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết, đến đầu tháng 11/2021, đơn vị bắt đầu dạy học tập trung cho sinh viên đã về Huế, đảm bảo được các yêu cầu sau khi thực hiện các biện pháp y tế theo quy định. Tỷ lệ sinh viên ở Huế chiếm 75 - 80% nên cũng thuận lợi cho công tác tổ chức giảng dạy, riêng sinh viên chưa về Huế sẽ học từ xa, qua hỗ trợ, hướng dẫn của giảng viên.

Tại nhiều trường ĐH khác, phương án học trực tuyến được dự kiến duy trì đến hết học kỳ 1 của năm học. PGS. TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH Huế cho biết, để đảm bảo an toàn, kế hoạch đào tạo trực tuyến sẽ tổ chức đến hết học kỳ 1. Tùy tình hình dịch bệnh và tỷ lệ sinh viên được tiêm vắc-xin, nhà trường sẽ có phương án đón sinh viên trở lại, có thể là qua học kỳ 2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Một số trường tiến hành từng bước hướng dẫn, đón sinh viên trở lại Huế. Theo PGS. TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, phương án học trực tuyến vẫn được áp dụng trong học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, riêng đối với một số học phần không thể giảng dạy theo hình thức trực tuyến như học phần thực hành, thí nghiệm, vẽ mỹ thuật, Phòng Đào tạo ĐH và công tác sinh viên sẽ lên kế hoạch tổ chức giảng dạy theo hình thức trực tiếp từ ngày 22/11. “Căn cứ tình hình dịch các địa phương và các văn bản hướng dẫn hiện hành, nhà trường hướng dẫn để sinh viên sắp xếp trở lại Huế, thực hiện các quy trình, biện pháp phòng dịch theo quy định. Nhà trường cũng ban hành danh sách các lớp học trực tiếp. Trên thực tế, lượng sinh viên học trực tiếp là không quá nhiều”, PGS. TS. Trần Ngọc Tuyền thông tin.

Theo đại diện ĐH Huế, tùy tình hình dịch bệnh và kế hoạch giảng dạy, các trường sẽ xây dựng phương án phù hợp, trên tinh thần linh hoạt, vừa đảm bảo nhiệm vụ đào tạo vừa chú trọng an toàn phòng, chống dịch cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Quan tâm tiêm vắc-xin

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, vừa qua, ĐH Huế, các trường phối hợp với cơ quan chức năng đã tiến hành các đợt tiêm vắc-xin cho sinh viên ở Huế. Bên cạnh đó, sinh viên ở tại các địa phương khác cũng tiến hành tiêm vắc-xin khi đến lượt. ĐH Huế và các trường đang rà soát danh sách, kết nối các đơn vị nhằm quan tâm đến đối tượng sinh viên trong công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Các mốc thời gian đón sinh viên trở lại trường cũng tính toán phù hợp với tình hình sinh viên được tiêm vắc-xin, thực hiện các quy định cách ly, giám sát y tế (nếu có). Theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, trong phương án dự kiến tập trung sinh viên đánh giá cuối học kỳ, cũng phân chia 3 mốc thời gian. Sinh viên chưa tiêm mũi nào về trước, sau đó là sinh viên đã tiêm mũi 1 và 2. Các mốc thời gian được giãn ra để đảm bảo sinh viên đã tiêm đủ vắc-xin và sinh viên đã tiêm 1 mũi vắc-xin không phải chờ sinh viên chưa tiêm quá lâu, đồng thời phải tính đủ thời gian được cách ly khi về Huế, thời gian chờ vắc-xin có hiệu lực…

Hiện nay, các trường cũng đã chỉ đạo, triển khai để viên chức, người lao động, sinh viên tạo thẻ kiểm soát dịch bệnh, thực hiện quét mã QR trên ứng dụng Hue-S và PC-COVID quốc gia để kiểm soát người ra vào các trường, đồng thời triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học tập trung trở lại.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học
Tinh gọn bộ máy: Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

Các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tinh gọn bộ máy Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

TIN MỚI

Return to top