ClockThứ Tư, 10/05/2023 06:50

Mời chuyên gia yêu Huế đóng góp cho giáo dục đại học

TTH - Các trường đại học (ĐH) tại Huế ngày càng chú trọng hơn việc mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm cố vấn, định hướng chiến lược phát triển cho đơn vị gắn với việc thúc đẩy ĐH Huế thành ĐH Quốc gia. Đáng chú ý, họ là những người con của xứ Huế, những người yêu Huế và mong muốn đóng góp cho Huế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023Đồng bộ hệ thống pháp luật để tự chủ đại học không còn là “tự lo”Từ 10/4, Đại học Huế nhận hồ sơ đăng ký dự thi năng khiếu

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chụp ảnh kỷ niệm với Hội đồng cố vấn Trường đại học Nghệ thuật 

Những người yêu Huế

Tháng 4/2023, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế công bố quyết định thành lập Hội đồng cố vấn nhà trường. 6 cố vấn giàu kinh nghiệm, có vị là người con của Huế xa quê và những người yêu Huế, luôn muốn đóng góp cho Huế. Trong số đó, có đạo diễn, nhà văn, nhà sáng lập phòng tranh Lotus Xuân Phượng; chuyên gia kinh tế, chiến lược phát triển Trần Sĩ Chương; Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn… Đó là những người con xứ Huế được nhiều người biết đến.

Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ, dù năm nay đã 94 tuổi, nhưng mong muốn đóng góp, làm được điều gì đó cho Huế luôn thôi thúc bà. Qua các mối liên hệ kết nối, bà được mời làm cố vấn quan hệ quốc tế và cộng đồng cho Trường ĐH Nghệ thuật. Kinh nghiệm trong hỗ trợ, động viên, nâng đỡ nhiều thế hệ họa sĩ trưởng thành, nâng tầm giá trị cho nhiều tác phẩm trên thị trường trong nước cũng như thế giới và đạo diễn phim sẽ được đem ra đóng góp cho ngôi trường nghệ thuật nói riêng, văn hoá Huế nói chung ở mảnh đất di sản Cố đô.

Trên hành trình đóng góp xây dựng và phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, các trường đang nỗ lực nhiều hơn, đồng thời chú trọng hơn việc mời các chuyên gia đầu ngành, những người giàu kinh nghiệm thực tiễn nhằm cố vấn, định hướng phát triển chiến lược cho đơn vị.

Năm 2022, nhiều đơn vị đào tạo ĐH cũng sớm kết nối, ra mắt ban cố vấn với mong muốn giúp cho hướng đi của đơn vị trở nên hiệu quả, nổi bật là Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế - ĐH Huế.

TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế chia sẻ, ban cố vấn là những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước ở các lĩnh vực. Với kinh nghiệm dày dặn, họ đang hỗ trợ trong việc góp ý các chiến lược, mục tiêu và nhiệm vụ hoạt động hàng năm; đưa ra các giải pháp về liên kết trong nước và quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn thu hợp pháp cho đào tạo, chuyển giao khoa học và công nghệ, cố vấn về chính sách về giáo dục; chiến lược và marketing; cố vấn về phát triển cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng và phù hợp với xu thế phát triển của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ. “Rất nhiều người con của xứ Huế vui vẻ đồng hành như chuyên gia kinh tế, chiến lược phát triển Trần Sĩ Chương, hay ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Hòa Bình… Họ nhiệt huyết hỗ trợ đơn vị bằng cả kinh nghiệm và tình yêu quê hương”, TS. Nguyễn Quang Lịch thông tin.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Khoa trưởng Khoa Quốc tế - ĐH Huế, trong rất nhiều chuyên gia của ban cố vấn cho đơn vị, bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu EU và Vương Quốc Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam là người đảm nhận nhiều vai trò lớn trong công tác đối ngoại, các hoạt động quốc tế và cũng là người con xứ Huế. Những điều ấy sẽ mang lại nhiều giá trị để hỗ trợ khoa đi đúng định hướng phát triển.

“Phát triển Huế không thể thiếu những người yêu Huế”

Sự phát triển của ĐH Huế có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của tỉnh nhà. Trong các buổi ra mắt ban cố vấn các đơn vị đào tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đều đến dự, đồng thời đánh giá cao vai trò của các thành viên ban cố vấn trong hành trình đóng góp cho ĐH Huế và các đơn vị đào tạo nói riêng, cho Thừa Thiên Huế nói chung.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, để phát triển Huế, không thể nào thiếu vai trò của những người yêu Huế, những người con của Huế và những người mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Huế. Qua trò chuyện, thấy rõ các thành viên hội đồng cố vấn luôn sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ nhà trường và tỉnh trong quá trình phát triển, đó là điểm đáng mừng và đáng trân trọng. Điều đó sẽ đóng góp rất lớn trong tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; ĐH Huế sớm trở thành ĐH Quốc gia mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Thương hiệu về giáo dục ĐH ở Huế đã được khẳng định, nhưng làm sao để giữ vững và phát triển thương hiệu trong bối cảnh hiện nay, tạo sức hút trong tuyển sinh và chất lượng đầu ra, thúc đẩy các hoạt động trong giáo dục thời đại hội nhập và chuyển đổi số rất cần đến những góp ý, đóng góp tâm huyết từ chính các thành viên cố vấn. Hành trình dài đó đòi hỏi các đơn vị đào tạo ĐH cần liên tục kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ, đóng góp, tham vấn ý kiến các chuyên gia cố vấn một cách có hiệu quả.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học
Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đã từng đi qua chiến tranh, thấy được giá trị của sự độc lập, tự do, Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn xác định, để khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ phải chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

TIN MỚI

Return to top