ClockThứ Hai, 20/07/2020 14:49

Không để học sinh vùng khó thiếu sách giáo khoa lớp 1

TTH - Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020-2021 có giá cao gấp 3 lần sách hiện hành. Để không làm mất cơ hội học tập của học sinh nghèo, các trường đều vận động nguồn kinh phí xây dựng tủ sách dùng chung cho học sinh mượn học.

Giáo dục tài chính tích hợp trong sách giáo khoa theo chương trình mớiSách giáo khoa lớp 1 ở các trường đều khác nhau

Sẽ không để tình trạng thiếu SGK lớp 1 xảy ra (ảnh minh họa)

Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 với mục tiêu: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Theo kết quả lựa chọn sách giáo khoa mới năm học 2020-2021 trên địa bàn Thừa Thiên Huế, bộ sách Cánh diều (1 trong 5 bộ sách giáo khoa mới) được 80% các trường lựa chọn. Giá thành của 5 bộ sách mới dao động quanh ngưỡng 300 nghìn đồng/bộ, cao gấp 3 lần sách giáo khoa hiện hành. Giá sách cao đi kèm với nhiều chi phí phải chi trả vào đầu năm học mới khiến nhiều người lo ngại những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ không đủ tiền mua sách phục vụ học tập. Nhất là, toàn tỉnh có gần 5.000 học sinh ở 68 trường thuộc các xã vùng khó khăn cần được hỗ trợ sách giáo khoa lớp 1.

Chủ trương của ngành giáo dục là không để học sinh thiếu SGK, nhất là lớp 1 không phải “học chay”, học chung. Thế nên, mỗi trường đều có cách vận động riêng để xây dựng tủ sách dùng chung cho học sinh mượn học. Tủ sách được sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, các mạnh thường quân và  doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Ngoài ra, Sở GD&ĐT có công văn phối hợp với công ty sách trong việc cung ứng sách đến vùng sâu vùng xa. “Chúng tôi tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hỗ trợ kinh phí hoặc mua SGK tặng cho các thư viện trường học, để học sinh nếu chưa có điều kiện sở hữu có thể mượn sách học tập, quyết không để học sinh thiếu sách đến trường”, ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Trường tiểu học Số 1 Quảng Phú (Quảng Điền) chọn bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức dạy chủ đạo cho học sinh lớp 1. Ở địa phương này vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên vào dịp tổng kết năm học, nhà trường tặng 45 bộ SGK cho học sinh nghèo. Số sách cũ cũng sẽ được thay mới để tạo động lực cho các em trong học tập. Theo cô Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Quảng Phú, trong nguồn kinh phí cho phép, hằng năm trường thường mua một số bộ SGK để trò nào không có sách thì đăng ký mượn. Năm nay, giá sách tăng cao nên nhà trường sẽ chủ động vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho học sinh lớp 1 thuộc hộ nghèo, cận nghèo có đủ bộ sách để học.

Ở A Lưới, phần lớn học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy. Trước mắt, các trường trên địa bàn đều tuyên truyền vận động phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa cho con tại trường để tránh nhầm lẫn các loại sách. Tuy nhiên, các trường cũng đang tìm các nguồn kinh phí để xây dựng tủ sách giáo khoa phòng trường hợp phụ huynh không đăng ký mua SGK cho con.

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới Hồ Văn Khởi, toàn huyện có 17 trường tiểu học với gần 730 học sinh thuộc các xã vùng khó khăn. Tuy nhiên, bình quân mỗi trường khoảng 45 học sinh lớp 1 nên việc vận động các mạnh thường quân hỗ trợ hoặc trích kinh phí của nhà trường cũng không phải là quá khó. Thiết nghĩ, các nhà xuất bản có SGK lớp 1 được lựa chọn, có chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, tham gia, phát động phong trào xây dựng tủ sách tại các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vấn đề các trường băn khoăn, nếu dạy học SGK lớp 1 mới theo chương trình GDPT 2018, thiết bị dạy học ở trường sẽ thiếu hụt. Các bộ SGK lớp 1 mới tích hợp nhiều kênh đa phương tiện, hình ảnh hỗ trợ giảng dạy, việc này giảm được đầu sách học sinh phải mang vác mỗi khi đến trường. Nhưng trang thiết bị dạy học, máy móc để đáp ứng được các kênh đa phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường vùng vẫn hạn chế. Với những trường vùng khó khăn, nhiều điểm trường lẻ, có nơi không có mạng internet không thể ứng dụng công nghệ thông tin, không tận dụng được những kênh hỗ trợ của sách mới để giảng dạy, nếu “dạy chay, học chay” thì hiệu quả giảng dạy SGK lớp 1 mới sẽ không cao.

 Lường trước những khó khăn của các địa phương, ngành giáo dục đã yêu cầu các trường có thống kê cụ thể những trang thiết bị cần được đầu tư để có phương án trang cấp kịp thời, đảm bảo chương trình học cho học sinh lớp 1.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TIN MỚI

Return to top