ClockThứ Sáu, 17/09/2021 05:40

Đại học Huế góp sức trong công tác phòng, chống dịch

TTH - Không chỉ triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, Đại học (ĐH) Huế và các đơn vị đào tạo còn có nhiều đóng góp để đồng hành cùng ngành y tế và các lực tuyến đầu phòng, chống dịch.

Mệnh lệnh từ trái timThư kêu gọi ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19Tiếp nhận 730 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch

Đại diện Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế bàn giao robot HUET 02 phục vụ công tác phòng, chống dịch

Đóng góp cho công tác phòng, chống dịch

Sau một thời gian nghiên cứu, đầu tháng 9/2021, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế đã bàn giao Robot HUET 02 có chức năng phát thông báo, vận chuyển nhu yếu phẩm và đo thân nhiệt cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Robot HUET 02 có thể vận chuyển nhu yếu phẩm đến 35kg, thực hiện giao tiếp online giữa người điều khiển và người được hỗ trợ, bảo đảm khoảng cách an toàn trên 25m thông qua app (ứng dụng) điều khiển trên điện thoại di động hoặc hệ thống điều khiển. TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng - Khoa Kỹ thuật và Công nghệ cho biết, đơn vị tiếp nhận sẽ đưa vào phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khu có nguy cơ lây nhiễm cao để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. “Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm và chế tạo ra mẫu robot khác có thêm chức năng như đo nồng độ oxy trong máu, đo nhịp tim và đồng bộ dữ liệu về hệ thống trung tâm để thuận lợi cho việc theo dõi và giám sát người cách ly cũng như bệnh nhân”, TS. Lịch khẳng định.

Cùng với nghiên cứu từ Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, nhiều đơn vị thuộc ĐH Huế cũng đã và đang triển khai nhiều nghiên cứu gắn với quá trình phòng, chống dịch. Theo đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế, từ năm 2020 đến nay, các nhà khoa học của ĐH Huế đã thực hiện, tham gia nhiều nghiên cứu và có nhiều công bố khoa học quốc tế liên quan đến COVID-19. Đơn cử, nhóm nghiên cứu của các chuyên gia Trường ĐH Y - Dược với các nghiên cứu điều tra và đề xuất biện pháp phòng, chống COVID-19 cho cộng đồng ở Việt Nam và các nước có thu nhập thấp và trung bình hay kết quả nghiên cứu của các cán bộ, chuyên gia Trường ĐH Khoa học và Trường ĐH Sư phạm về đánh giá khả năng ức chế virus SARS-CoV-2 của các hợp chất tự nhiên và tổng hợp sử dụng phương pháp mô phỏng.

Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, ngoài việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại ĐH Huế và các trường thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Huế cũng như hỗ trợ sinh viên giai đoạn dịch COVID-19, các đơn vị của ĐH Huế cũng nỗ lực góp sức trong công tác phòng, chống dịch; vận động ủng hộ quỹ vắc -xin phòng COVID-19 và ủng hộ bà con đồng hương tỉnh gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tùy lĩnh vực và thế mạnh riêng, mỗi trường lại có những đóng góp vào công tác phòng, chống dịch, như Trường ĐH Nghệ thuật với các hoạt động nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống COVID-19 hay các trường ĐH, như: Sư phạm, Khoa học, Nông Lâm… pha chế và tặng dung dịch rửa tay sát khuẩn.

PGS. TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm cho biết, nhiều đơn vị trong nhà trường, như khoa Sinh học, Hóa học đã sản xuất hàng ngàn chai dung dịch rửa tay sát khuẩn để tặng cho các đơn vị, địa phương phòng, chống dịch. Nhà trường cũng thăm, tặng quà hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch và ủng hộ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.

Trực tiếp hỗ trợ các “điểm nóng”

Ấn tượng đặc biệt nhất là bên cạnh các hỗ trợ, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch thì đội ngũ cán bộ, y ,bác sĩ, sinh viên Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế còn trực tiếp đến các vùng “tâm dịch” hỗ trợ công tác chống dịch.

GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế cho biết, tính đến ngày 9/9, nhà trường đã cử 5 đoàn công tác, trong đó có hơn 230 giảng viên, bác sĩ nội trú và sinh viên hỗ trợ các tỉnh phía nam phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trường đã cử 2 đoàn tình nguyện với tổng số 87 giảng viên, bác sĩ nội trú và sinh viên tham gia phòng, chống dịch kể từ ngày 14/7/2021. Cùng với đó, còn có 2 đoàn cán bộ, giảng viên, bác sĩ nội trú, sinh viên tình nguyện hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bình Dương và 1 đoàn công tác hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Đồng Nai.

“Tình hình dịch bệnh ở các vùng tâm dịch rất phức tạp, nhưng các cán bộ, giảng viên, y, bác sĩ, sinh viên tình nguyện luôn lạc quan và thể hiện được trách nhiệm, ý thức vì cộng đồng, nỗ lực hết mình góp phần giúp địa phương bạn đẩy lùi dịch bệnh”, GS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy khẳng định.

Theo đại diện Trường ĐH Y – Dược, trải qua các đợt bùng phát dịch (từ tháng 3/2020) đến nay đã có hơn 1.500 cán bộ, sinh viên và học viên của trường đóng góp khoảng 8.000 ngày công tham gia công tác kiểm tra, khai báo y tế tại các chốt kiểm soát của tỉnh cũng như hỗ trợ CDC tỉnh tham gia lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Bệnh viện Trường ĐH Y – Dược Huế đang chịu trách nhiệm vận hành chuyên môn cơ sở theo dõi cách ly người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng tại Trường cao đẳng Nghề số 23 – Bộ Quốc phòng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Với những nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại cơ sở, sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo các cấp, cơ sở cũng đã gặt hái được kết quả tốt, nhiều trường hợp F0 hết triệu chứng, có 2 lần xét nghiệm PCR âm tính đã được cho xuất viện, về cách ly và theo dõi tại địa phương.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch

Năm 2025, ngành du lịch Huế tập trung hướng tới các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ, một số nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á và sẽ đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách mạnh mẽ.

Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch

TIN MỚI

Return to top