ClockChủ Nhật, 28/04/2024 13:55

Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

TTH - Đại học Huế đón nhiều giáo sư (GS), chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ kiến thức mới. Không chỉ là dịp để tiếp cận được kiến thức, mà qua đó phần nào còn khẳng định thương hiệu của Đại học Huế.

Cập nhật kiến thức, ngành nghề mới vào đào tạo

 Lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tri ân BS. Chung Kyu Sung (thứ 2 bên trái) vì có nhiều đóng góp cho nhà trường

Tiếp cận kiến thức mới

Những tháng đầu năm 2024, Khoa Toán học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đón tiếp nhiều GS nước ngoài đến giảng dạy. Mở đầu là chuỗi bài giảng của GS. Marc Chardin (Đại học Sorbonne, Paris, Pháp) và GS. Laurent Busé (Đại học Côte d'Azur, Nice, Pháp).

GS. Marc Chardin đã tham gia truyền đạt kiến thức về dãy phức Koszul, phức Cech và dãy phổ; áp dụng của dãy phổ để chứng minh các tính chất của hàm tử Tor, ánh xạ kết nối (mapping cone), dãy khớp dài dẫn xuất từ dãy khớp ngắn của hàm tử đồng điều, đối đồng điều cũng như nghiên cứu chỉ số chính quy Castelnuovo-Mumford và ảnh của ánh xạ hữu tỉ. Còn với GS. Laurent Busé giảng dạy về việc xác định phương trình xấp xỉ của đường cong, mặt hữu tỉ từ biểu diễn tham số của nó dựa vào lý thuyết khử biến, kết thức, iđêan Fitting thông qua ma trận biểu diễn của các phép di chuyển syzygy tuyến tính hoặc syzygy bậc hai (plane and quadric movings) và áp dụng của đối đồng điều địa phương.

Ngoài ra, hai GS cùng tham gia giảng dạy học phần “Đối đồng điều địa phương” cho các học viên cao học chuyên ngành Đại số và Lý thuyết số khóa 31, cán bộ và một số sinh viên xuất sắc của Khoa Toán học. Tại Hội thảo khoa học của cán bộ và sinh viên, học viên cao học Khoa Toán học tổ chức, GS. Laurent Busé cũng trình bày báo cáo “Định thức mặt tích tenxơ và phương pháp di chuyển bậc hai (Determinantal tensor product surfaces and the method of moving quadrics)” và GS. Marc Chardin trình bày báo cáo “Ảnh và tạo ảnh của ánh xạ hữu tỉ (Image and fibers of a rational map)”.

 GS đầu ngành ở Pháp chia sẻ kiến thức mới đến giảng viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế

GS. Marc Chardin chia sẻ, đến Đại học Huế để chia các kiến thức mới về toán học nằm trong dự án hợp tác toán học với cán bộ giảng viên Khoa Toán học, Trường đại học Sư phạm, nơi mà TS. Trần Quang Hóa vừa được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao giải thưởng “Bệ phóng cho sự hợp tác song phương giữa Pháp và các nước ASEAN’’ năm 2023. Khoa Toán nói riêng và Đại học Huế nói chung hiện có thương hiệu trên quốc tế, nhất là sau giải thưởng trên. Vì vậy, Đại học Huế sẽ là điểm đến mà chúng tôi lựa chọn để đến giao lưu. Trong thời gian đến sẽ có nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa.

TS. Trần Quang Hóa, Phó Trưởng khoa Toán học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế chia sẻ, các bài giảng của các GS là các kiến thức mới, lần đầu tiên học viên và cán bộ khoa được tiếp cận. Việc các GS sang làm việc tại Khoa Toán học là một cơ hội tuyệt vời đề nhóm nghiên cứu, từng giảng viên có thời gian trao đổi khoa học, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu. Với các học viên cao học được trải nghiệm các bài giảng theo phong cách châu Âu, mở ra nhiều cơ hội học cao hơn sau này.

 Đoàn chuyên gia quốc tế đến hợp tác với Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế

Đóng góp cho sự phát triển

TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ quốc tế, Đại học cho biết, thời gian qua, Đại học Huế đã đón tiếp hàng chục chuyên gia, GS đầu ngành trên thế giới đến giao lưu, truyền đạt các kiến thức chuyên môn mới. Có thể kể đến, GS. Piero Cappuccinelli (Đại học Sassari, Ý) là giáo sư danh dự của Đại học Huế. Giáo sư đã hợp tác nghiên cứu tại Viện Y sinh học và giảng dạy chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ Y học về Công nghệ Y sinh học tại Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế; GS. Jean-Jacques Durand (Đại học Rennes, Cộng hòa Pháp) đến giảng dạy trong khuôn khổ chương trình liên kết đào tạo đồng cấp bằng trình độ đại học ngành Tài chính - Ngân hàng, chuyên ngành Tiền tệ - Tài chính - Ngân hàng với Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế; hay như PGS.TS. Tsutsui Kazunobu (Đại học Tottori, Nhật Bản) đến hợp tác nghiên cứu với cán bộ, giảng viên Trường đại học Nông Lâm và Trường đại học Khoa học về nghiên cứu khả năng phát triển nông thôn bằng nội lực (nguồn lực địa phương) ở Việt Nam và châu Á gió mùa, dưới tác động của suy giảm và già hóa dân số - KAS…

Tại Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế, hàng năm đón nhiều chuyên gia đến giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, trực tiếp đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ, sinh viên nhà trường. Nổi bật là BS. Chung Kyu Sung (Bệnh viện Mirae, Hàn Quốc) là giáo sư thỉnh giảng của Trường đại học Y - Dược từ năm 2020. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nội soi từ cơ bản đến nâng cao cho các bác sĩ ở Trung tâm Tiêu hóa nội soi Bệnh viện Trường đại học Y - Dược. BS. Chung Kyu Sung còn tham gia hướng dẫn lâm sàng cho các sinh viên, bác sĩ trẻ và học viên sau đại học chuyên ngành tiêu hóa và nghiên cứu khoa học…

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế nhận định, sự hình thành và phát triển của nhà trường để vị thế và chiều sâu về chất lượng như ngày hôm nay chính là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của các chuyên gia đầu ngành, những giáo sư quốc tế đã đến trường và truyền đạt những kiến thức. Điều đó giúp trường cập nhật chuyên môn, nâng chất lượng theo chuẩn quốc tế, trở thành một địa chỉ của những hợp tác quan trọng trên thế giới về lĩnh vực y tế.

Đại học Huế hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 400 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới; thực hiện 21 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các đại học nước ngoài. Đại học Huế đã phong tặng danh hiệu GS danh dự cho 38 GS nước ngoài, những người đóng góp cho sự phát triển của Đại học Huế.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, việc Đại học Huế ngày càng có nhiều GS, chuyên gia hàng đầu lựa chọn đến để hợp tác giảng dạy, không chỉ dừng lại ở khía cạnh giúp Đại học Huế tiếp cận được kiến thức mới, mà đó còn khẳng định vị thế, thương hiệu của Đại học Huế. Huế là vùng đất Cố đô, thành phố thanh bình, địa điểm lý tưởng cho các GS, chuyên gia vừa đến chia sẻ kiến thức chuyên môn, vừa đến để du lịch, hay sinh sống lâu dài. Vì vậy, Đại học Huế sẽ tạo ra môi trường làm việc thân thiện, cởi mở để trở thành điểm đến của “tri thức thế giới” trong tương lai.

Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách tốt để giữ chân người tài

Từ thuở bình minh của lịch sử, các triều đại đầu tiên xây dựng quốc gia độc lập đều mong mỏi, khao khát nhân tài. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà việc tiến hành lựa chọn nhân tài ra giúp nước được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài luôn đặt lên hàng đầu.

Chính sách tốt để giữ chân người tài
Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Bàn giao 30 bác sỹ trẻ và khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I

Ngày 7/12 tại Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 30 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I - lớp 3 trong tổng số 267 bác sỹ đang được đào tạo; và khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp I - lớp 13 với 32 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn quy định.

Bàn giao 30 bác sỹ trẻ và khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I

TIN MỚI

Return to top