ClockThứ Bảy, 16/09/2023 12:38

Tăng tự tin cho sinh viên

TTH - Thiếu các kỹ năng mềm, nhất là thiếu tự tin, thiếu khả năng chịu được áp lực là một trong những điểm yếu của sinh viên Đại học Huế.

Hơn 2.700 vị trí việc làm cho 1.000 sinh viên sắp ra trường Trau dồi ngoại ngữ từ khách Tây

 Sinh viên Đại học Huế tham gia thuyết trình tại cuộc thi đổi mới sáng tạo năm 2023

Thiếu tự tin trước đám đông

Lê Ngọc Thành Danh, sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế là một trong những sinh viên có kỹ năng tốt, tự tin đứng trước đám đông, tham gia điều hành và thực hiện truyền thông tại một đơn vị… Điều đó có nghĩa là chàng sinh viên này đã có thu nhập từ chính ngành nghề mà mình đang theo học.

Lê Ngọc Thành Danh cho biết, giai đoạn còn học trung học phổ thông, em là học sinh hướng nội, thiếu năng động và thiếu tự tin khi đứng trước nhiều người. Từ khi vào sinh viên, tham gia hầu hết các sân chơi mà trường và Đại học Huế tổ chức. Cùng với đó là sinh hoạt ở nhiều câu lạc bộ (CLB) trong trường. Khi tiếp xúc, va chạm nhiều đã giúp em thấy tự tin. Khi đã đủ tự tin thì làm gì cũng dễ.

Thành Danh là một trong không nhiều sinh viên có kỹ năng mềm tốt, tự tin trước nhiều người. Còn trên thực tế, rất nhiều bạn sinh viên hiện nay mất bình tĩnh và thiếu tự tin trước đám đông. Trong các hoạt động đều tỏ ra e ngại, khi đứng trên sân khấu mà phía dưới có Ban Giám hiệu tham dự là mất bình tĩnh. Đa số sinh viên không quan tâm nhiều các hoạt động đoàn hội, phong trào của trường. Khi ít tương tác và cọ xát thì thiếu tự tin là khó tránh khỏi.

Ông Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế đánh giá, qua khảo sát thì các doanh nghiệp thông tin rằng chỉ khoảng 10 - 20% sinh viên được tuyển dụng có thể chịu được các áp lực của công việc. Nguyên nhân các em không phải yếu về kiến thức mà đó là cách tiếp cận, thiếu kỹ năng nên các em thiếu tự tin. Nhiều em chưa xác định sau khi ra trường làm cái gì nên chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc sau này.

Ngày hội việc làm của một trường đại học gần đây, có ý kiến thắc mắc với một ngân hàng vì gần như ngày hội nào doanh nghiệp cũng tham gia tuyển dụng. Nhu cầu lao động cao nhiều như vậy sao?. Đại diện ngân hàng này cho hay, bên cạnh chuyên môn, các em thiếu các kỹ năng mềm, thiếu tự tin với công việc sale, tư vấn, thuyết phục khách hàng. Với đặc thù của nhân viên ngân hàng là 1 - 2 tháng đầu công việc sẽ rất áp lực, nên các em không thể trụ lại lâu dài.

Ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, người có nhiều kinh nghiệm truyền sự tự tin cho sinh viên phân tích, khi hỏi sinh viên có muốn sau khi ra trường có công việc ổn định, giàu có, em nào cũng giơ tay. Nhưng khi hỏi đã sẵn sàng khởi nghiệp, đổi mới tư duy, đã đủ kỹ năng mềm và tự tin để khởi nghiệp, kiếm tiền từ sinh viên thì ngược lại. Chẳng hạn như yêu cầu một sinh viên lên sân khấu nói chuyện khoảng 2 – 3 phút về những gì được học, các em đều ngại ngùng. Đây là mâu thuẫn lớn của sinh viên khi kỹ năng mềm còn yếu, sự tự tin còn hạn chế.

Kỹ năng cần có sau khi ra trường

Theo các nghiên cứu, thiếu tự tin sẽ khiến sinh viên khó lòng bắt chuyện, làm quen với bạn bè ở đại học, không xây dựng được mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gây bất lợi cho các em trong suốt 4 năm đại học. Sinh viên sẽ thường được yêu cầu làm bài tiểu luận nhóm, thuyết trình nhóm để lấy điểm, nếu sinh viên thiếu tự tin, nhút nhát, ngại giao tiếp với bạn bè, thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lập nhóm, thảo luận nhóm và trao đổi. Đặc biệt, nếu sinh viên chưa sớm khắc phục được sự thiếu tự tin, thì sau này khi đi phỏng vấn xin việc chắc chắn sau khi ra trường, sẽ khó lòng được đánh giá tốt, vì trả lời phỏng vấn rụt rè, ấp úng, thiếu tự tin…

Ông Hoàng Kim Toản cho biết, chính vì thực tế như trên mà thời gian qua, Đại học Huế tổ chức nhiều hoạt động, khóa đào tạo để tăng sự tự tin, kỹ năng mềm cho các em sinh viên. Ngay cả Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo được thành lập cũng với mục tiêu cao nhất là nơi để sinh viên học tập, rèn luyện được kỹ năng mềm; khơi dậy được đam mê, tăng kỹ năng về làm việ nhóm, lập ý tưởng và quan trọng là tuyết trình trước đám đông.

Ông Lê Nhật Quang khuyến khích sinh viên nên lựa chọn ít nhất tham gia sinh hoạt trong một CLB nào đó để có cơ hội được tiếp xúc với nhiều hoạt động, nhiều chương trình như cuộc thi, hội thảo, tình nguyện. Từ đó, các em sẽ rèn luyện được thêm nhiều kỹ năng mềm hữu ích như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quản lý thời gian… Đây hoàn toàn là những kỹ năng mềm hữu ích để sinh viên tự tin, năng động và trưởng thành hơn. Càng năng nổ tham gia sinh hoạt ở CLB, sinh viên sẽ càng học hỏi được nhiều điều, đồng thời, các em cũng sẽ mở rộng mối quan hệ hơn với các thành viên.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, hiện nay, tri thức và kỹ năng là hai yếu tố quan trọng được xã hội quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện đại hóa và cuộc cách mạng 4.0 ngày càng phát triển sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực. Không giống như ngày trước, sinh viên ra trường không còn đợi để được phân nhiệm sở, mà các em phải tự kiếm việc làm. Sự chuẩn bị sẵn sàng, nắm bắt xu hướng để chuẩn bị cho công việc là điều phải làm đối với sinh viên. Về phía cơ sở đào tạo chắc chắn cũng phải có sự thay đổi theo hướng hội nhập đó.

Dù là giải pháp nào đi chăng nữa, nhưng quan trọng vẫn là sinh viên. Nếu không thay đổi bản thân, không ra ngoài, tham gia các hội nhóm, các hoạt động thì khả năng thiếu tự tin vẫn xảy ra. Khi chưa tích luỹ được nhiều hành trang thì việc khó tìm kiếm việc làm, hoặc làm việc trái ngành khi ra trường là điều khó tránh khỏi.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top