ClockThứ Bảy, 20/07/2019 12:33

“Ngôi nhà thông minh” của Khang

TTH - Trăn trở về một ngôi nhà thông minh phù hợp với kiến trúc, khí hậu của Việt Nam, Trần Viết Huy Khang (học sinh lớp 11A1, Trường THPT Đặng Huy Trứ, thị xã Hương Trà) đã nghiên cứu hệ thống điều khiển cho nhà thông minh và giành giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

59 đề tài được trao giải Cuộc thi năm 2019

Trần Viết Huy Khang nhận giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đam mê công nghệ

Khang chia sẻ, em tìm hiểu và biết rằng ở nước ngoài đã áp dụng công nghệ để biến một căn nhà bình thường thành nhà thông minh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhà thông minh mới bắt đầu áp dụng và chủ yếu là đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài nên việc áp dụng nó như thế nào ở Việt Nam cho hiệu quả, tận dụng lợi thế của Việt Nam là rất cần thiết.

Sở trường của Khang là môn vật lý và tin học. Từ nhỏ, em đã có niềm đam mê sáng tạo công nghệ. Em đã tham gia và đạt giải nhiều kỳ thi như Olympic toán, IOE ở bậc trung học cơ sở hay thi học sinh giỏi tin học, tin học trẻ, khoa học kỹ thuật ở bậc trung học phổ thông. Những “bước đệm” đó đã giúp em đỡ khó khăn hơn trong việc hoàn thành toàn bộ phần mềm để nhà thông minh hoạt động. “Môn lý giúp em nắm vững nguyên tắc hoạt động và vì đã tìm hiểu công nghệ từ lâu nên em cũng không còn lạ lẫm khi thao tác với các bo vi xử lý và các cảm biến”, cậu học trò bộc bạch.

Ban đầu, Khang chỉ đơn giản là muốn chế tạo một hệ thống điều khiển cửa đóng mở bằng thẻ từ RFID, sau đó cải tiến thêm thành đóng mở cửa qua ứng dụng Blynk trên điện thoại. Nhưng sau đó, nhận thấy chỉ như vậy là chưa đủ nên em đã thêm vào các cảm biến để nó đúng hơn với tên gọi nhà thông minh. Vậy là, từ dự định chỉ cần mở khóa bằng thẻ từ, sau đó em phát triển lên thêm nhiều tính năng mới cho ngôi nhà và hiện tại đã có thể đồng bộ trên điện thoại.

Ngôi nhà thông minh và phù hợp

Hệ thống điều khiển cho nhà thông minh hoạt động dựa trên sự điều khiển board mạch arduino, với việc liên kết với các cảm biến (nhiệt độ, ánh sáng, chuyển động, độ ẩm…). Sự liên kết giữa các mạch điều khiển với các thiết bị thông qua một chương trình được thiết lập từ máy tính hoặc điện thoại thông minh giúp thiết bị sử dụng dễ dàng hơn.

Khang cho rằng, với hệ thống điều khiển của em, ngôi nhà thông minh có thể hiểu là áp dụng kiến trúc truyền thống phù hợp khí hậu Việt Nam, hoặc áp dụng một phần của công nghệ, hoặc dùng các giải pháp tiết kiệm và phát triển bền vững năng lượng tận dụng những lợi thế của Việt Nam. Hệ thống có thể hoạt động tốt đối với hầu hết với kiến trúc ngôi nhà của người dân Việt Nam và cũng có thể áp dụng đối với các cơ quan công sở, trường học… bằng cách thêm hoặc lược bỏ một số chức năng.

Ngôi nhà thông minh có những tiện ích như: mở cửa bằng thẻ từ và qua app blynk; điều khiển nhiệt độ trong ngôi nhà thông qua cảm biến nhiệt độ; cảm biến sáng sẽ tự động điều khiển cho đèn tự động bật hay tắt; cảm biến khí ga sẽ cảnh báo cho chúng ta khi có hiện tượng tượng rò rỉ khí ga hoặc hiện tượng cháy trong nhà, từ đó thiết bị sẽ khởi động các thiết bị để hạn chế; cảnh báo mực nước lũ có báo về app; thiết bị có thể liên kết với Smart phone giúp con người giám sát được các hoạt động ngôi nhà khi ở xa nhà thông qua internet; hệ thống đóng mở ngôi nhà thông minh giúp an toàn cho ngôi nhà.

Thầy Nguyễn Đắc Hoàng Phước, giáo viên môn vật lý, Trường THPT Đặng Huy Trứ, là giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu của Khang, nhận xét: “Tôi đánh giá đây là đề tài có tính ứng dụng cao, phù hợp với sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Trước đây đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước có các đề tài với nội dung tương tự của em Khang, tuy nhiên, tôi đánh giá cao đề tài này ở các đặc điểm sau: hệ thống điều khiển đơn giản nhưng vẫn đảm bảo các chức năng điều khiển cho một ngôi nhà thông minh, phù hợp với điều kiện thực tế của người dân; đề tài đã được thử nghiệm và đạt kết quả tốt”.

PHƯỚC LY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

Ở Thừa Thiên Huế, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không chỉ tính bằng tiền mà giá trị mang lại đã thể hiện chất xám, trí tuệ được cộng hưởng gấp bội lần để làm giàu cho xã hội không chỉ ở phạm vi địa phương…

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

TIN MỚI

Return to top