Đoàn viên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tham gia hội trại
Chưa có nhiều hoạt động
Hỏi về các hoạt động liên quan việc gìn giữ, phát huy văn hóa, du lịch, di sản, nhiều cán bộ, đoàn viên các trường lắc đầu cho rằng, những chương trình liên quan đang còn ít. Anh Cao Hữu Phụng, Bí thư Đoàn khoa Du lịch – ĐH Huế thừa nhận: “Đoàn, Hội chủ yếu tham gia phong trào "Ngày chủ nhật xanh" hay các hoạt động tình nguyện, có nhiều hoạt động khác vẫn chưa triển khai được”.
Thời gian qua, xã hội không ít lần lên tiếng về những hành động, cách ứng xử “xâm phạm” đến văn hóa, di sản, như mặc trang phục thiếu lịch sự vào di tích. Với SV nói riêng, việc tiếp thu, du nhập những hoạt động văn hóa không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc diễn ra khá phổ biến. TS. Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội SV ĐH Huế thừa nhận, vẫn còn một bộ phận SV hạn chế về nhận thức với những giá trị văn hóa, du lịch, di sản. Đây là điều đáng trăn trở.
Vấn đề trên đặt ra câu chuyện cần hình xây dựng và triển khai các hoạt động của Đoàn, Hội gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa, du lịch, di sản trong SV. Tuy nhiên, theo đại diện đoàn hội một số trường, cái khó là việc tìm ra mô hình, cách làm phù hợp. Anh Phan Lê Chung, Bí thư Đoàn trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế chia sẻ: “Đoàn trường cũng có nhiều hoạt động vẽ tranh tường tại các trường mầm non song do đối tượng hướng đến là trẻ nhỏ, nên khó vận dụng chủ đề về văn hóa, du lịch, di sản”.
Trên thực tế, các trường ĐH trong nước có các mô hình rất hay. Điển hình như Trường ĐH Tây Bắc triển khai các hoạt động thu hút SV nghiên cứu khoa học và văn hóa truyền thống; hay tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội hình thành các câu lạc bộ (CLB) tuyên truyền văn hóa, lịch sử, triển khai các hoạt động tình nguyện chuyên môn, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa, lịch sử dân tộc.
Cần định hướng gắn với chuyên môn
Huế có hàng chục ngàn SV và nhiều đơn vị đào tạo chuyên môn về du lịch, nghệ thuật, kinh tế… phù hợp với các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa di sản và điều đó cần được đoàn thanh niên – hội SV ĐH Huế cùng các trường tận dụng phát huy vai trò của mình, nhất là sáng tạo các mô hình phù hợp với điều kiện và thế mạnh về văn hóa, du lịch, di sản của tỉnh nhà.
Hiện, Khoa Du lịch có CLB hướng dẫn viên trong SV. Với chuyên môn hoạt động, mô hình này có thể hỗ trợ du khách như cách làm của CLB tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn hoặc có thể phối hợp với nhà trường dưới sự định hướng của Đoàn, Hội tổ chức các hoạt động hướng dẫn tham quan cho học sinh. Đây là giải pháp có thể làm được bởi Khoa Du lịch đang phát triển tốt các tour du lịch giáo dục và tạo môi trường học tập cho SV.
Lợi thế các trường ĐH có rất nhiều CLB, đội, nhóm do đoàn, hội quản lý. Thông qua mô hình này, có thể huy động lực lượng tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá hoặc có thể thành lập những CLB có chức năng, nhiệm vụ liên quan để triển khai. Ngoài ra, với định hướng gắn chuyên môn vào các hoạt động tình nguyện, đoàn hội các trường, khoa có thể sáng tạo, đổi mới chương trình hoạt động theo hướng đã nói.
Trong tháng 5/2019, ĐH Huế đã chủ trì hội nghị cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt các ĐH Quốc gia, ĐH vùng mở rộng và lấy chủ đề “Văn hóa, du lịch, di sản” làm chủ đề để thảo luận về các giải pháp tăng cường vai trò đoàn hội trong công tác này. Từ cơ hội đó, có thể tăng cường kết nối, tham khảo kinh nghiệm các mô hình hay của các các đơn vị bạn. Vấn đề cần làm là chọn ra những mô hình phù hợp với thực tế tại địa phương để triển khai hiệu quả.
Bài, ảnh: Hữu Phúc