ClockChủ Nhật, 11/12/2022 08:50

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

TTH - Xuất hiện trên các trang facebook trong những ngày gần đây là hình ảnh nhiều phụ huynh khoe cùng con chơi các trò chơi dân gian trong trường học.

Thích thú với trò chơi dân gian

Học sinh Trường THCS Thủy Phù chơi ô ăn quan

Tôi bắt gặp hình ảnh ở một trường học ven đô khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, các em nhanh chóng ùa ra sân để cùng nhau chơi nhảy ô tiếp sức, mèo đuổi chuột, trồng hoa, trồng nụ hoặc ô ăn quan… Những trò chơi dân gian tưởng như đã xa lạ với học sinh thời nay, đang được làm sống lại ngay tại trường, lớp học.

Thời nào cũng vậy, trò chơi dân gian rất đa dạng nên dễ kiếm vật liệu ở mọi nơi. Chỉ với một viên phấn, viên gạch, viên sỏi lớn nhỏ, một khoảnh sân là các em đã có ngay một buổi chơi ô ăn quan vô cùng vui vẻ và thú vị. Một số học sinh vốn sống khép mình, ít giao tiếp nhưng khi thường xuyên chơi trò chơi dân gian đã mạnh dạn, tự tin hơn... Tiếng cười, tiếng nói, tiếng cổ vũ rộn vang khắp sân trường. Em Nguyễn Ngọc Quỳnh, học sinh của Trường THCS Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) cho biết: “Những trò chơi dân gian rất thú vị. Từ khi tham gia các trò chơi này, chúng em mong ngóng đến giờ ra chơi. Mỗi ngày đến trường, được học được chơi cùng nhau, em cảm thấy rất vui”.

Thầy giáo Ngô Hoàng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) chia sẻ: “Mong muốn giúp học sinh thoát khỏi “thế giới ảo” nên nhà trường đã đưa trò chơi dân gian vào chương trình để các em trải nghiệm. Các trò chơi dân gian trong trường học rất đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém và cũng không kén địa điểm. Học sinh được rèn luyện thể chất, nhiều trò chơi góp phần giáo dục kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tổ chức, tư duy nhanh nhạy hơn. Qua các hoạt động ngoại khóa, nhà trường có thể nắm được tâm tư, tình cảm của học trò. Từ đó, thầy cô có biện pháp giáo dục phù hợp”.

Đến nay, hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào kế hoạch hoạt động ngoại khóa. Số lớp, số trò chơi dân gian càng được mở rộng hơn, các trường phân chia từng góc sân với những trò chơi khác nhau, dễ dàng cho các em sử dụng trong mỗi giờ ra chơi, do đó thu hút đông đảo học sinh tham gia. Khi tham gia các trò chơi này, học sinh rất hào hứng. Một số học sinh thường ngày ít giao tiếp nhưng khi tham gia các trò chơi dân gian thì mạnh dạn và tự tin hơn.

Cô Trần Lan Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Cao Vân cho biết: “Qua một thời gian triển khai, nhà trường nhận thấy các trò chơi dân gian đã mang lại hiệu quả tích cực. Khi tham gia các trò chơi, bạn nào cũng vui vẻ, được cười đùa, giao lưu, tương tác với nhau, tăng cường rèn luyện thể chất. Các trò chơi dân gian vừa góp phần làm phong phú, đa dạng các sân chơi, vừa giúp lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Mặc dù luật chơi, cách chơi của các trò chơi dân gian ngày nay có phần thay đổi theo hướng tân tiến hơn hoặc giản lược hơn, nhưng vẫn bao hàm trong đó nét văn hóa tốt đẹp”.

Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong nhà trường không những tạo ra sân chơi lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả, sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Được biết, thời gian tới, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế tiếp tục yêu cầu các trường bố trí không gian phù hợp, tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa, giờ thể dục; khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể dục thể thao… Bên cạnh đó, bồi dưỡng và tập huấn cho giáo viên phụ trách Đội để có thêm nhiều trò chơi mới tạo nên sự đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo học sinh.

Đáng nói là, tại một số trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường, như tài liệu hướng dẫn một số trò chơi hạn chế, nhiều trò chơi đòi hỏi phải có không gian. Để duy trì và nhân rộng mô hình trò chơi dân gian vào trường học, các trường cần bố trí không gian phù hợp, tăng cường lồng ghép vào các tiết sinh hoạt ngoại khóa, giờ thể dục. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phụ trách Đội tham khảo thêm nhiều trò chơi mới để tạo nên sự đa dạng, phong phú. Việc duy trì, phổ biến và nhân rộng các trò chơi dân gian trong nhà trường không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em trau dồi thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TIN MỚI

Return to top