ClockThứ Năm, 26/05/2022 06:45

Chọn nghề phù hợp với năng lực học sinh

TTH - Thực sự lãng phí khi gần một năm học lớp 10 ở các trường công lập, nhiều em nhận ra sức học hạn chế và chỉ muốn chuyển hướng học nghề. Câu chuyện này cũng đáng để suy ngẫm, khi công tác phân luồng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Cân nhắc chọn ngành nghề theo xu thế

Học sinh thích thú với bộ môn nữ công gia chánh

Chưa đánh giá đúng năng lực

Cách đây không lâu, khi trò chuyện với hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP. Huế, ông than thở khi hàng năm có đến từ 40 đến 50 học sinh trường ông phải bỏ học giữa chừng vì sức học yếu, không kham nổi. Điều này ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đầu vào của nhà trường. Ông bảo, giá như các em và phụ huynh hiểu được năng lực của con để chọn nghề phù hợp thì giờ đâu đến nỗi. Cảm thông với học trò, khi có em tâm sự học chữ là theo ý nguyện của bố mẹ, chứ bản thân muốn học nghề để theo đuổi đam mê. Tình trạng này xảy ra với các trường có đầu vào thấp và hầu như trường nào cũng có học sinh nghỉ học giữa chừng để chuyển sang học nghề.

 Từ câu chuyện của vị hiệu trưởng nọ, tôi nhớ đến những trường hợp của bạn mình, con cái nhất thiết phải học trường công lập, trường tốp trên không được thì trường tốp dưới, miễn là không phải học nghề. Hỏi lý do, bạn bảo, muốn giữ sĩ diện cho gia đình và vẫn hy vọng con sẽ “qua đốt” khi vào các trường THPT. Cho đến khi con vật lộn con chữ đến đuối sức thì mới xin chuyển sang học nghề theo ý con. Rõ ràng, quan niệm chạy cùng sào mới vào học nghề vẫn còn nặng nề đối với nhiều phụ huynh.

Quyết định 1882 của UBND tỉnh định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 khá rõ ràng. Cụ thể, năm 2020, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ từ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Nghĩa là, mỗi năm có khoảng gần 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Tất nhiên, không phải bằng mọi cách để đạt chỉ tiêu, nhưng học nghề trước mắt mới dừng lại ở mức độ học lực chưa tốt mới vào trường nghề.

Vẫn chưa chuyên nghiệp

Khi chia sẻ về hoạt động phân luồng ở các trường trung học cơ sở, điểm chung là nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, song giáo viên phụ trách giảng dạy giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy chưa đủ số tiết quy định hoặc giáo viên dạy các môn kỹ thuật. Do đó, họ không được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp. Thế nên, cũng có không ít lời ra, tiếng vào về cách cách trao đổi giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh đôi khi chưa thực sự khéo léo. Tư vấn học sinh phải giúp các em thấy được ưu điểm, lợi thế của định hướng nghề sau THCS, giúp các em tự nguyện lựa chọn hướng đi phù hợp, đặc biệt không bị sốc tâm lý. Cũng từ đó, không ít ý kiến cho rằng, có thể phân luồng học sinh qua các kỳ thi thử để có căn cứ rõ ràng sẽ tư vấn phụ huynh, học sinh lựa chọn nhóm trường phù hợp.

Đa số các trường hiện nay chủ yếu thực hiện tư vấn hướng nghiệp theo nhóm rất lớn (toàn trường hoặc một khối lớp) nên gần như thiếu tương tác thực sự với học sinh, trả lời hay giải đáp được các thắc mắc của học sinh. Giáo viên, cán bộ tư vấn thiếu hiểu biết về thị trường lao động, về yêu cầu của các công việc khác nhau. Nhà trường lại thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho học sinh.

Cách đây 1 năm, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh cấp THCS. Nhiều kiến nghị đề xuất công tác hướng nghiệp cho học sinh trong giai đoạn hiện nay cần phải kết hợp tốt giữa nhà trường, phụ huynh học sinh và cả doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn có uy tín qua đó để các em nhận định được hướng đi cho mình trong tương lai. Ban giám hiệu các trường THCS phải phối hợp với các trường nghề xây dựng mục tiêu, chương trình hành động cụ thể hướng đến các đối tượng: cha mẹ học sinh, học sinh để từng bước thay đổi nhận thức trong học sinh, gia đình và xã hội về việc chọn nghề, học nghề sau THCS.

Theo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo phải hướng đến chuyên nghiệp để giúp học sinh không chỉ biết mà còn hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo. Nhà trường phải có trách nhiệm hướng dẫn để học sinh tham khảo nhiều kênh thông tin khác nhau về ngành, nghề đào tạo, nhu cầu nguồn nhân lực... Còn gia đình cũng cần lượng được sức học, năng lực và nguyện vọng của con để định hướng chọn ngành, nghề phù hợp.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi
Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

TIN MỚI

Return to top