ClockThứ Ba, 30/11/2021 07:00

Xúc tiến, sớm đưa khách Hàn Quốc trở lại Huế

TTH - Ngành du lịch Huế vừa tổ chức chương trình kết nối thị trường khách Hàn Quốc. Nhu cầu đi du lịch của khách ở xứ sở “kim chi” đang rất lớn, quan trọng là có sản phẩm phù hợp và đảm bảo điều kiện an toàn.

Chủ động đón khách Hàn Quốc

Trước khi dịch bệnh xảy ra, du khách Hàn Quốc đến Huế khá đông

Chọn đến miền Trung

Ngày 22/11 vừa qua, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với ngành du lịch Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và các doanh nghiệp tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu du lịch 4 địa phương; xúc tiến, thúc đẩy đưa khách từ thị trường Hàn Quốc đến miền Trung. Tham dự hội nghị có gần 30 doanh nghiệp của 4 địa phương, cùng khoảng 80 đơn vị lữ hành Hàn Quốc. Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng để Huế sớm đón khách quốc tế trở lại.

Các đối tác Hàn Quốc khẳng định, khách từ xứ sở “kim chi” đang rất muốn đi du lịch trở lại trong thời điểm hiện nay và muốn thúc đẩy sớm việc mở cửa du lịch, nối lại đường bay quốc tế đến Việt Nam nói chung, đặc biệt là khu vực miền Trung. Các điểm đến ở khu vực miền Trung sẽ là nơi được khách Hàn Quốc muốn đến khi các điều kiện cho phép. Do đó, phía các đối tác Hàn Quốc rất kỳ vọng nếu thuận lợi, ngay trong tháng 12/2021, đoàn khách du lịch đầu tiên sẽ đến miền Trung.

Ông Nam Dukhyun, Giám đốc Điều hành – CEO Công ty CH Commons (đại diện cho 80 công ty lữ hành Hàn Quốc) thông tin, trong một cuộc khảo sát mới đây, thị hiếu mới của khách Hàn Quốc khi đi du lịch trở lại có 66% người Hàn Quốc có kế hoạch đi du lịch trở lại từ 1 – 4 ngày. Bên cạnh đó, 53% người Hàn Quốc thích du lịch nghỉ dưỡng, 43% du lịch thăm thân, bạn bè và 22% du lịch thể thao ngoài trời. Nhóm khách có nhu cầu đi du lịch nhiều nhất là từ 20 – 30 tuổi và 50 – 60 tuổi.

Phía đối tác Hàn Quốc lưu ý hai vấn đề quan trọng nhất để sớm thúc đẩy đưa khách đến miền Trung là nhu cầu chọn dòng sản phẩm cao cấp, không quan tâm về giá thành sản phẩm. Có những nhóm khách hàng chấp nhận trả tiền nhiều cho dịch vụ đẳng cấp, thỏa mãn được nhu cầu sau thời gian dài không thể đi du lịch. Cùng với đó là sử dụng dịch vụ an toàn tại các điểm du lịch khép kín, không tiếp xúc người ngoài, gần với thiên nhiên kết hợp với các hoạt động thể thao.

Ông Ahn Min Sik, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng nhấn mạnh, qua những con số trên có thể thấy, nhu cầu đi du lịch tại Hàn Quốc vẫn cao như trước, dù trải qua một thời gian dài bị kìm nén bởi COVID-19, và chỉ cần mở cửa trở lại thì khách du lịch Hàn Quốc sẽ lại tìm đến miền Trung nhiều như trước kia. Bên cạnh đó, việc các địa phương kiểm soát dịch ở mức độ nào, hoặc khả năng tiếp cận những thông tin liên quan và mức độ an toàn cũng là điểm thu hút của địa phương đó đối với khách du lịch Hàn Quốc. Điều này các địa phương miền Trung đang làm khá tốt, nên tin tưởng việc đưa khách đến sẽ không gặp nhiều trở ngại.

Ông Nguyễn Vũ Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc lưu ý các tỉnh miền Trung, từ tour đón khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc vừa qua (khách Hàn Quốc), các địa phương có thể rút kinh nghiệm để đón khách an toàn, thực hiện mục tiêu kép sắp đến.

Sẽ là thị trường quốc tế đầu tiên trở lại Huế

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, với những bước chuẩn bị như hiện tại, Hàn Quốc sẽ là thị trường khách du lịch quốc tế đầu tiên quay trở lại Huế sau 2 năm bị gián đoạn. Dù sẽ còn những thách thức, song ngành du lịch Huế nói riêng và trong mối liên kết 4 địa phương đang rất quyết tâm để tạo ra tour du lịch mới, khép kín, đảm bảo an toàn cho khách.

Ngành du lịch Huế làm việc trực tuyến với đối tác Hàn Quốc để bàn giải pháp đưa khách đến Cố đô trong tháng 12/2021

Trước mắt, Huế sẽ đón và phục vụ 1 đêm trong hành trình tour 5 ngày 4 đêm khi đến miền Trung của khách Hàn Quốc. Laguna Lăng Cô sẽ là điểm đến được lựa chọn, vì hội tụ đầy đủ các yêu cầu về du lịch nghỉ dưỡng, có sân golf, đảm bảo khép kín. Về phía doanh nghiệp này cũng đã rất sẵn sàng. Bên cạnh đó, để tăng tính hấp dẫn, giới thiệu văn hóa truyền thống Huế đến với du khách chưa có dịp đến trung tâm thành phố, sẽ có sự kết hợp biểu diễn nghệ thuật cung đình hoặc chương trình nghệ thuật áo dài show tại Laguna Lăng Cô.

Bà Nguyễn Lan Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VKSTAR cho biết, trước đây, chương trình áo dài show của công ty chủ yếu phục vụ khách Hàn Quốc. Hai năm qua, dịch bệnh khiến các hoạt động phải tạm dừng. Các người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ đang rất “nóng lòng” trở lại. Những ngày tới, lực lượng của công ty sẽ bắt tay vào tập luyện để sẵn sàng và có những tiết mục biểu diễn hay phục vụ khách Hàn trong tháng 12/2021.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, để mở rộng khả năng thu hút khách, Huế sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo xu hướng, để đáp ứng nhu cầu của du khách Hàn Quốc. Huế đã lựa chọn một số điểm đến đủ điều kiện để tham gia phục vụ khách, tại các khu khép kín có các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng biển và sân golf hay trải nghiệm nghỉ dưỡng trên đầm phá, chăm sóc sức khỏe với suối khoáng nóng, một số khách sạn 4 - 5 sao lớn (Azerai La Residence, SilkPath Grand Huế, Indochine Palace, Pilgrimage, Senna, Lapochine Huế). Đồng thời, có thể tham gia tour khép kín tham quan khu di sản Huế (Hoàng cung và 1 số lăng tẩm).

Lãnh đạo ngành du lịch các địa phương miền Trung đặt mục tiêu, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ổn định, các hoạt động du lịch sẽ được phục hồi dần như trước, với các sản phẩm liên kết giữa các vùng được điều chỉnh, đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng dịch vụ theo nhu cầu của du khách và xu thế du lịch. Trong giai đoạn này, phải liên kết mới có thể cùng nhau phục hồi thành công.

Lượng khách du lịch Hàn Quốc đến miền Trung vào năm 2018 khoảng 1,5 triệu lượt; đến năm 2019 (trước khi dịch bệnh bùng phát) là 1,8 triệu lượt. Riêng với Huế, Hàn Quốc đứng đầu thị phần khách quốc tế đến nhiều năm, lần lượt chiếm khoảng 29% vào năm 2018 và 23% vào năm 2019.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch

Năm 2025, ngành du lịch Huế tập trung hướng tới các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ, một số nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á và sẽ đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách mạnh mẽ.

Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại

Ngày 24/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm) tổ chức đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm), đơn vị sẽ tổ chức kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế trong 2 ngày 28 và 29/12.

Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương
Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp (DN) Thái Lan ở quy mô lớn, những hoạt động xúc tiến xúc thương mại quy mô nhỏ với một vài đối tác cũng góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho những hợp đồng thương mại lâu dài.

Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại

TIN MỚI

Return to top