ClockThứ Hai, 03/09/2018 20:35

“Mắt thần” giữa biển xanh

TTH - Khi đảo Sơn Chà (Lăng Cô, Phú Lộc) trở thành điểm du lịch hấp dẫn, công tác đảm bảo an ninh, an toàn, chủ quyền biển đảo càng được tăng cường gấp bội.

Trải nghiệm Đảo NgọcLặn biển, ngắm san hô ở Sơn Chà - đảo NgọcNâng cấp Trạm công tác biên phòng đảo Sơn ChàSơn Chà - đảo Ngọc

Tuần tra đảm bảo an ninh, chủ quyền ở vùng biển đảo Sơn Chà

Điểm đến lý thú

Sau đôi lần lỡ hẹn, tôi mới có dịp trải nghiệm tour khám phá đảo Sơn Chà, từ lời mời của ông chủ trẻ Lăng Cô Biển Xanh. Trước khi bắt đầu hành trình, anh bạn hướng dẫn viên thông tin sơ lược về đảo Sơn Chà. Nếu đứng từ mũi Cửa Khẻm (đèo Hải Vân) nhìn sang, Sơn Chà trông như hình một chiếc chảo úp ngược, trên đảo cây xanh um tùm, nước biển xung quanh xanh ngắt, pha lẫn chút màu ngọc bích.

Cách vịnh Lăng Cô khoảng 14km về phía Nam, đoàn mất gần 20 phút di chuyển bằng ca nô là đến nơi. Sơn Chà mang vẻ đẹp non nước hữu tình. Những rạn san hô ở độ sâu 3 - 5m mà vẫn dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Theo những người “canh biển” nơi đây, Sơn Chà có hơn 144 loài san hô, 135 loài rong biển cùng khoảng 162 loài cá đầy sắc màu đang sinh sống.

Thắc mắc về tên gọi giữa Sơn Chà và đảo Ngọc, Trung tá Phùng Thế Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô (đơn vị quản lý đảo Sơn Chà) giải thích: “Nói về đảo Sơn Chà này phải là một quyển sách dày mới đủ. Điểm cao nhất của đảo là 224m so với mặt nước biển, diện tích đảo chỉ vỏn vẹn 1,5km2. Xưa, đảo là địa giới giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Có thời điểm đảo được đặt tên là Huyền Trân để tưởng nhớ công ơn của Huyền Trân công chúa. Sau đó mấy trăm năm, khi vua Quang Trung hành quân ra bắc, đến đây, thấy hòn đảo được bao bọc bởi một màu xanh biếc, cảnh quan làm lay động lòng người nên ông đã đổi tên thành đảo Ngọc. Đến thời nhà Nguyễn, đảo được đổi tên là Cù Lao Hàn. Đến thời Pháp thuộc, thêm một lần đảo được đổi tên lại là Sơn Chà và được dùng cho đến ngày nay”.

Ngắm san hô ở Sơn Chà (Ảnh: Trần Hưng)

Với Sơn Chà, người dân Lăng Cô vẫn thường gọi với cái tên thân quen là Hòn Chảo. Cái tên này được cho là có trước khi đảo được đặt tên là Huyền Trân. Theo Đồn Biên phòng Lăng Cô, khi nhắc đến đảo Ngọc, Hòn Chảo hay Sơn Chà, thì khẳng định đó chỉ là một đảo duy nhất.

Đảo Sơn Chà là nơi đặt ngọn hải đăng để hướng dẫn tàu thuyền cho ngư dân ra vào biển an toàn, đảo còn là nơi trú tránh bão. Bộ đội Biên phòng đóng trên đảo để bảo vệ chủ quyền và giúp ngư dân trong những trường hợp khẩn cấp. Ba năm trở lại, Sơn Chà còn có “sứ mệnh” quan trọng nữa là phục vụ du lịch, góp phần thu hút khách về với Lăng Cô. Không khó để bắt gặp những tour khám phá Sơn Chà – đảo Ngọc được các doanh nghiệp khai thác và hè năm nay, hầu như ngày nào đảo cũng chào đón những vị khách quý.

Theo số liệu thống kê của Đồn Biên phòng Lăng Cô, trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng cộng có 133 đoàn, đưa 2.750 khách đến khám phá Sơn Chà. Hiện nay, có hai hình thức để đến với Sơn Chà là đặt từ các công ty du lịch và thuê thuyền của ngư dân cũng có thể ra với đảo.

Phát triển du lịch gắn với an ninh quốc phòng

Theo UBND huyện Phú Lộc, địa phương đang tập trung nguồn lực, ưu tiên phát triển du lịch. Với đảo Ngọc hứa hẹn sẽ là điểm đến hút khách trong vài năm tới bởi cảnh quan còn hoang sơ. Huyện đang tính đến các phương án phát triển, nhưng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan của đảo.

Theo Trung tá Phùng Thế Anh, từ khi Sơn Chà phát triển du lịch, công tác đảm bảo an ninh, an toàn và nhất là chủ quyền biển đảo được chú trọng hơn. Hiện tại, ngoài đảo có chiến sĩ biên phòng túc trực 100% để tuần tra giám sát, bảo vệ Sơn Chà. Riêng với đồn, thường xuyên có những đợt kiểm tra, thanh tra đột xuất những nơi đưa khách đến để chủ động các phương án.

Khó quản lý nhất là với nhiều du khách khi đến khám phá Sơn Chà mang theo flycam để quay phim. Nhiều du khách suy nghĩ khá đơn giản khi sử dụng, nhưng theo quy định, đây là thiết bị bay không người lái và phải được cấp phép. Riêng với Sơn Chà, dù phát triển du lịch nhưng có một vị trí hết sức đặc biệt, được xem như là điểm trọng điểm tiền tiêu về an ninh quốc phòng của vùng biển miền Trung. Sơn Chà được ví như “mắt thần” có thể nhìn ra những những vị trí trọng điểm trên biển và đất liền. Bởi tầm quan trọng đó, việc bay flycam ở đảo là tuyệt đối cấm, chỉ những trường hợp có phép và quay phim với mục đích quảng bá về du lịch.

“Dân” kinh doanh du lịch kháo nhau rằng, đến đảo Ngọc mà không lặn để ngắm san hô thì xem như chưa đến. Thiên nhiên đã ưu ái ban cho đảo Ngọc những rạn san hô, khi bơi dưới nước có thể va chạm với cá và cầm nắm những sinh vật sống ký sinh trong san hô. Nơi này tập trung nhiều loài hải sản quý, như tôm hùm, cá mú, bào ngư, sâm biển… có thể vì thế mà nhiều doanh nghiệp cho rằng Sơn Chà là “đệ nhất đảo”.

Nhưng khi du khách đến khám phá, hàng ngàn người lặn xuống biển, tác động dù nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Sơn Chà. Theo Giám đốc Lăng Cô Biển Xanh, quy định đến với đảo Ngọc là không làm ảnh hưởng đến môi trường, không xả rác, không bắt cá và lấy san hô ở khu vực đảo, chỉ được bơi, lặn, ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm. Riêng với dịch vụ câu cá thì tổ chức ở vị trí cách xa đảo Sơn Chà.

Trung tá Phùng Thế Anh cho biết thêm, đây là vùng biên giới, dưới sự quản lý của bộ đội biên phòng, do đó, tất cả các đoàn khách đến đảo Sơn Chà, dù qua công ty du lịch hay do người dân đưa đi cũng phải báo cáo với đồn để kiểm soát. Trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải báo cáo với đồn những trường hợp vi phạm pháp luật hay có hành vi vi phạm chủ quyền của đất nước. Sự phối hợp đang được thực hiện tốt, nhờ thế mà tình hình an ninh quốc phòng được đảm bảo, ngành du lịch có thêm tuor tuyến mới, du khách có những trải nghiệm thú vị ở Sơn Chà.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Sẵn sàng đón khách

Năm 2025, Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia với rất nhiều sự kiện, hoạt động đặc sắc, phấn đấu thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch. Để tạo ấn tượng và mang lại sự hài lòng cho du khách về những trải nghiệm ở Huế, các cơ sở lưu trú, nhà hàng ở Huế đã chủ động lên kế hoạch đón tiếp, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ.

Sẵn sàng đón khách
Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

Với “mác” giả mạo là các công ty chăm sóc sức khỏe (CSSK), những kẻ lừa đảo đưa ra lý do mời những người lớn tuổi đi du lịch ở những địa điểm nghỉ dưỡng với giá “0 đồng” để tri ân; mục đích lừa bán những sản phẩm CSSK, ngừa đột quỵ... với giá “trên trời”.

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

TIN MỚI

Return to top