ClockThứ Ba, 20/12/2016 13:32

Để ẩm thực Huế thành “đặc sản” du lịch

TTH - Trong các tour du lịch, ẩm thực không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế mà còn được xem là lời mời hấp dẫn với du khách khi đến Huế.

Du khách học nấu ăn tại Khách sạn Saigon Morin

Ưa chuộng           

Theo kết quả điều tra, của TS. Trần Thị Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh và các cộng sự, một bộ phận đáng kể du khách chọn Huế là điểm đến du lịch xuất phát từ động cơ khám phá ẩm thực Huế. Ngoài trải nghiệm cơm cung đình, tiệc cung đình, du khách còn muốn khám phá ẩm thực truyền thống, như: bún bò Huế, cơm hến, bánh canh, nem lụi, bánh khoái, các loại bánh Huế, các loại chè… do người dân Huế trực tiếp chế biến để có những trải nghiệm đích thực về các sản phẩm “nguyên bản” của Huế.

Yếu tố được ưa thích nhất đối với khách quốc tế là hương vị món ăn, sự tươi mới của nguyên liệu, không gian và sự thân thiện của nhân viên phục vụ. Đối với khách nội địa, du khách đánh giá cao về sự độc đáo, tinh tế và đa dạng của món ăn, hương vị, không gian, giá cả.

Dẫu vậy, yếu tố ẩm thực chưa được quan tâm như một tài nguyên du lịch chính mà chỉ mang tính phụ trợ trong chương trình chung khi du khách có yêu cầu, hoặc tích hợp vào chương trình tour. Việc khai thác sản phẩm chuyên đề về ẩm thực đúng nghĩa ở Huế thỉnh thoảng cũng có một số đơn vị xây dựng theo nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, dạng sản phẩm này rất ít, đa số là sản phẩm đặt riêng để một vài nhà hàng có khả năng nhận làm và phục vụ nhóm khách nhỏ. Một số công ty lữ hành nhanh nhạy với thị trường đưa ẩm thực vào như một phần của chuyến đi, nhưng chỉ dừng ở mức tổ chức bữa ăn đặc sản Huế, có từ một đến hai buổi học nấu ăn cho du khách. Thêm nữa, hình thức này vẫn còn rất nhiều khó khăn, như: Thiếu kinh nghiệm làm sản phẩm, thiếu nhân sự hướng dẫn và phục vụ du khách, cơ sở vật chất không đủ để đón khách đoàn lớn, thường xuyên…

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, hầu hết các địa điểm kinh doanh món Huế chỉ phục vụ những món ăn đặc trưng của Huế, mà không có những hệ món ngon Huế được quy hoạch theo hướng quảng bá, phát triển thương hiệu ẩm thực Huế một cách hệ thống và chuyên biệt theo tính chất dòng ẩm thực chính - phụ, hệ món ăn vùng miền, hệ gia vị… và chưa thực sự chú trọng đến việc đưa món ăn chay - vốn là thế mạnh của ẩm thực Huế vào du lịch, tạo sự mới lạ cho du lịch thành phố. Nhiều món Huế xưa tên gọi thì còn, nhưng người biết chế biến đúng kiểu cách ngày xưa lại rất ít. Dịch vụ tại các địa điểm du lịch địa phương chưa có sự đồng nhất, các món ăn chưa đúng nghĩa món ăn cung đình…

Hoạt động truyền thông về ẩm thực Huế còn rời rạc và kém hiệu quả; chưa hình thành được thông điệp sử dụng cho quảng bá ẩm thực ra thế giới, chưa áp dụng các cách thức truyền thông hiện đại, sử dụng công nghệ thông tin. Đội ngũ nhân lực du lịch thiếu am hiểu sâu về văn hóa ẩm thực để giải thích cho du khách cũng như chưa năng động tìm tòi, phục hồi các loại nguyên liệu, gia vị và cách thức chế biến các món ăn truyền thống, phát triển các món ăn mới.

Đầu tư bài bản

Để khai thác, phục vụ du lịch, việc tìm về những giá trị nguyên bản của văn hóa ẩm thực Huế mà càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ giới hạn trong một hay nhiều món ăn, ẩm thực Huế mà còn bao gồm tất cả những phương thức chọn thực phẩm, nghệ thuật chế biến, không gian và phương tiện thể hiện, tính chất xã hội nghi lễ trong ăn uống của người Huế…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “Chúng ta cần xây dựng một sự khác biệt về ẩm thực Huế để cạnh tranh với tình hình ẩm thực Huế “bát nháo” đang có. Sự khác biệt đó không phải sáng tạo ra cái mới mà chính là phục hồi đúng chất lượng những món ăn vốn được xem là di sản. Việc làm có tổ chức, quy tụ được những người có tâm, có tầm, có nghề, có kiến thức, có sự hỗ trợ bằng chính sách của chính quyền, tôi tin là sẽ thành công”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất: “Thống kê, chọn lọc các món ăn theo từng loại để bảo tồn và gìn giữ, đầu tư cho việc khai thác du lịch là điều rất bức thiết, phải làm ngay”.

Ngoài ra, cần rà soát lại tiêu chuẩn tối thiểu về nhà hàng phục vụ du lịch, tiếp tục mở rộng việc phân loại và gắn biển nhà hàng đạt chuẩn. Xây dựng và quản lý thương hiệu “tiệc cung đình Huế”, đồng thời đa dạng hóa dịch vụ ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú của khách. Các cơ sở kinh doanh “món ăn cung đình Huế” phải đảm bảo các điều kiện, như cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, nghệ nhân hoặc đầu bếp giỏi...

TS. Trần Thị Mai đề nghị: “Cần xây dựng các chương trình quảng bá chuyên đề về du lịch ẩm thực với các loại ngôn ngữ khác nhau cho các thị trường khách quốc tế và nội địa trọng điểm. Khai thác tốt hơn hình thức marketing trực tuyến và mạng xã hội để quảng bá rộng rãi hơn cho ẩm thực Huế. Quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu chế biến theo cách thức truyền thống, an toàn để vừa đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, đồng thời có thể phục vụ nhu cầu trải nghiệm các hoạt động sản xuất của du khách. Hình thành mô hình liên kết giữa các hãng lữ hành, các công ty du lịch và nhà nông có mức tiêu thụ lớn”.

Việc khai thác du lịch gắn liền với ẩm thực cần có những chủ chương cụ thể, chính sách rõ ràng, các chương trình hành động thực tế và liên tục nhằm phát triển du lịch trên cơ sở sử dụng các yếu tố văn hóa ẩm thực. Việc này không chỉ đơn giản là phát triển du lịch, phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn, phát huy và phổ biến hơn nữa văn hóa truyền thống Huế nói riêng và Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế.

Minh Hiền 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

Với “mác” giả mạo là các công ty chăm sóc sức khỏe (CSSK), những kẻ lừa đảo đưa ra lý do mời những người lớn tuổi đi du lịch ở những địa điểm nghỉ dưỡng với giá “0 đồng” để tri ân; mục đích lừa bán những sản phẩm CSSK, ngừa đột quỵ... với giá “trên trời”.

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025

Sáng 1/1, Sở Du lịch TP. Huế chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Trung tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài, Cảng HKQT Phú Bài và Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Huế, Pacific Airlines tổ chức chương trình chào mừng chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP Huế năm 2025
Đón đầu những cơ hội mới

Du lịch Huế năm 2024 đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, ghi dấu ấn về thu hút lượng khách và được vinh danh ở những giải thưởng du lịch danh giá.

Đón đầu những cơ hội mới

TIN MỚI

Return to top