ClockThứ Sáu, 19/05/2017 13:46

Góp thêm tư liệu về bài “Hành trạng cụ Trần Đình Bá qua thư tịch và tư liệu gia đình”

TTH - Nhân đọc bài “Hành trạng cụ Trần Đình Bá qua thư tịch và tư liệu gia đình” của tác giả Nhật Cao đăng trên báo Thừa Thiên Huế, số 6970, ngày 8/5/2017, tôi xin góp phần bàn cùng tác giả về bài báo này, nhằm làm sáng tỏ hơn về hành trạng cụ Trần Đình Bá.

Hành trạng cụ Trần Đình Bá qua thư tịch và tư liệu gia đình

Tờ 15a sách Quốc triều hương khoa lục có ghi tên cụ Trần Đình Bá (tức Bách)

Tác giả Nhật Cao viết: Sách hồi ký Đặng Thai Mai – Nhà xuất bản Tác phẩm mới – 1985 trang 263 cho biết: “Trong lúc làm Tổng đốc An - Tĩnh, cụ Trần Đình Bá  đã bí mật ám trợ cho người hoạt động yêu nước. Ngay khi biết được tin bọn mật thám Pháp đang theo dõi bủa lưới bắt nhóm thanh niên yêu nước tại Trường Quốc Học Vinh, cụ Trần đình Bá đã nhắn người thân tín báo ngay cho họ biết”. Đoạn dẫn này đặt trong dấu ngoặc kép được hiểu là trích nguyên bản từ nguồn dẫn  là cuốn sách trên. Thế nhưng tra lại sách hồi ký Đặng Thai Mai, Nxb. Tác phẩm mới, 1985 thì ở trang 263, chúng tôi không thấy đoạn nào như vậy cả. Hay tác giả Nhật Cao có sự nhầm lẫn trong dẫn sách (?) Rất mong tác giả cho biết chính xác xuất xứ - trích từ nguồn sách báo nào.

Về hành trạng cụ Trần Đình Bá, bài báo đã viết như sau: “Trần Đình Bá (tức Bách)… sinh năm Đinh Mão (1867), đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1897). 32 tuổi đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898)”.

Đoạn này có mấy điểm cần được trao đổi thêm cho rõ: Sách Quốc triều hương khoa lục (bản chữ Hán) của Cao Xuân Dục, in năm 1893, quyển 5-6, tờ 15a khắc ghi: “Trần Đình Bá. Học sinh, Tú tài. Thừa Thiên, Phong Điền, Hiền Lương. Tam thập nhất Mậu Tuất Phó bảng. Hiện Nghệ An Tổng đốc” (Trần Đình Bá. Học sinh, Tú tài. Người làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Năm 31 tuổi thi đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất (1898). Hiện làm Tổng đốc Nghệ An).

Nhân đây, chúng tôi cũng xin bổ sung một số tư liệu về hành trạng cụ Trần Đình Bá.

“Đầu thế kỷ XX, Phó bảng Trần Đình Bá người Hiền Lương được bổ giữ chức Bố chánh Hà Tĩnh, Tổng đốc Nghệ An cất công về tận làng rèn nổi tiếng Trung Lương (Đức Thọ, Hà Tĩnh) để tìm hiểu nguồn gốc làng mình, nhưng không tìm được mối liên hệ nào. Võ Xuân Trang trong một bài giới thiệu về quá trình thành lập làng ở Bình Trị Thiên, căn cứ vào sự gần gũi về tên gọi, về nghề nghiệp, đã cố gắng tìm hiểu dữ liệu và đi đến khẳng định: “Làng Trung Lương, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh và làng Hiền Lương ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế có quan hệ nguồn gốc với nhau” (1).

Hiền Lương chí lược ghi về tiểu sử cụ Phó bảng Trần Đình Bá khá chi tiết. Cụ đỗ đạt khoa dưới triều Thành Thái, tham gia quan trường, làm đến Tuần vũ Quảng Ngãi, Tổng đốc Nghệ An… Hình bộ thượng thư sung Cơ mật Viện đại thần… Nhưng rất có ân tình với xóm làng. Cụ Bá đã dành số tiền lớn biếu các xóm để mua ruộng làm “tư mãi” cho xóm gây quỹ sinh hoạt hương thôn. Cho đến những năm 70, các xóm ở Hiền Lương vẫn giữ được số ruộng tư mãi do cụ tặng khi đương làm Tổng đốc Nghệ An (2). Cụ Trần Đình Bá đã đóng góp nhiều tiền bạc để trùng tu chùa làng, đúc chuông lớn, mua ruộng cho xóm, gánh đỡ thuế cho dân làng những năm mùa màng thất bát (3).

Được biết, dân làng Hiền Lương ngày nay vẫn truyền tụng về công lao của cụ Trần Đình Bá.

Hồ Vĩnh

Chú thích

(1) TS. Bùi Thị Tân, về hai làng nghề truyền thống Phú Bài và Hiền Lương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.141

(2) TS. Bùi Thị Tân, sách đã dẫn, tr.170-171

(3) TS. Bùi Thị Tân, sách đã dẫn, tr.185

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người nơi phố thị

Ơ Chao bước nhanh theo chiếc băng ca đang được cô điều dưỡng đẩy vào phòng bệnh. Hai mắt mẹ Kan Min khép hờ, gương mặt bà nhợt nhạt hơn cả ngọn lá trên nương sau trận mưa dài. Người gầy tong teo, nằm lọt thỏm trong đống ra phủ và mớ dây dợ treo trên người.

Người nơi phố thị
Trên chuyến tàu về quê

Cơn mưa dai dẳng vỗ từng đợt vào cửa kính con tàu. Ánh đèn mờ hắt xuống khoang hành khách thưa thớt, tiếng bánh sắt nghiến lên đường ray vang lên nhịp nhàng. Minh ngồi tựa đầu vào ghế, đôi mắt mỏi mệt nhìn ra ngoài trời tối. Chuyến tàu đêm hôm nay không chỉ đưa anh về quê, mà còn kéo anh trở về một phần ký ức anh từng cố quên.

Trên chuyến tàu về quê
Cánh diều lạc gió

Mùa này, người làng tôi quen gọi là “mùa thả diều”. Vì mỗi lần ngước mắt nhìn lên bầu trời lại thấy hàng chục cánh diều lớn bé bay phấp phới, đủ thứ hình thù. Diều cá mập, diều cá sấu, diều rắn, diều thỏ… đa dạng, không giống như cánh diều làm bằng giấy dán chặt vào cái khung tre mỏng bằng lần hồ mà ngày bé tôi thường hay ra thềm nhà ngồi làm, rồi ước sao cánh diều sẽ bay lên, no gió.

Cánh diều lạc gió

TIN MỚI

Return to top