ClockThứ Sáu, 24/01/2020 08:56

Sông ấy chắc là mình có...

TTH - Cái nhìn đầu đời của tôi với sông Hương đó là cái ô cửa nhỏ bên mạn gỗ của chuyến đò chở khách từ quê lên Huế, khi đò cập bến Đông Ba.

Trên con sông di sản

Qua sông. Ảnh: Nhật Long

Sông của phố tất nhiên nhộn nhịp, vui vầy hơn dòng sông nhỏ quê tôi rất nhiều. Đó là cảnh những chiếc đò chở khách từ các vùng quê chen chúc nhau để cập bến, là cảnh sinh hoạt tắm giặt của những người dân phố thị bên kia cầu Gia Hội, nơi có những bến sông nhỏ với những bậc đá nhìn thật duyên dáng; là cảnh những cậu bé trạc tuổi như tôi lao mình từ cầu xuống sông mang cho tôi cảm giác vừa đẹp mắt, vừa rợn gáy...

Ở quê, chúng tôi cũng tắm sông và cũng lao mình xuống sông, nhưng khoảng cách giữa bờ và dòng nước rất gần chứ không cao và xa như ở thành cầu Gia Hội xuống dòng Hương. Nhưng cảm giác lạ lẫm và sung sướng nhất của thằng bé tôi lúc ấy là những ngôi nhà cao tầng và tiếng động cơ của những chiếc xe máy, xe lam đang lưu thông trên các con đường ven sông. Tôi đã thấy phố mà như người dân quê tôi hay gọi đi Huế là Dinh. Đi đò vô Huế, đi đò để thấy Dinh là như vậy...

Ở phố chơi hơn một ngày là phải xuống đò về lại quê. Đêm đó, ba cha con tôi cùng mấy chú mấy bác xuống đò để tá túc qua đêm. Sông Hương buổi đêm thật đẹp, với những ánh đèn điện cao áp từ ven sông rọi xuống dòng nước hay cả những ánh đèn xanh đỏ từ những con đò của người dân vạn chài trên sông. Tôi cũng nghe mấy chú trong đoàn trò chuyện về những thú vui trên sông Hương vào buổi đêm, nhưng họ chỉ nghe nói và kể lại chứ những người nông dân quen chân lấm tay bùn chưa từng được trải qua bao giờ...

Con đò chở khách nổ máy từ từ rời bến Đông Ba, chui qua cầu Gia Hội, rời những lạ lẫm của phố phường. Tôi đứng ở mũi đò mà lòng đầy tiếc nuối khi cảnh sầm uất đẹp đẽ của những phố hai bên bờ sông Hương cứ xa dần, xa dần...

Với tôi, sông Hương quá đẹp, quá lộng lẫy như một cô gái thị thành nên chỉ biết lặng ngắm và yêu mến. Đứng từ đồi Vọng Cảnh, đứng ở chùa Thiên Mụ hay trên những chiếc cầu bắc qua sông, ngắm dòng Hương Giang là những lúc lòng tôi bao giờ cũng thấy nhẹ nhàng. Dòng sông Hương dù có nắng hạn cay cực đến mấy thì nước vẫn luôn trong xanh, tràn đầy dào dạt với con nước mấp mé hai bờ cỏ xanh mướt. Mùa hè cũng là lúc sông Hương đẹp nhất với những loài hoa muôn màu rũ xuống kiêu sa hai bên bờ sông. Có lần, tôi đã từng cảm tác khi chụp được những cành phượng vỹ tỏa ánh đỏ của mình xuống sắc xanh của dòng Hương: “Sông Hương có nói chi mô- Chỉ là hoa nở bên bờ rứa thôi...”

Nhưng có lẽ do cái “chạm” vào sông ban đầu của tôi là ở đoạn chiếc đò chở khách đến bến Hàng Bè, Gia Hội, Đông Ba nên tôi vẫn thích nhất đoạn sông Hương từ cầu Trường Tiền vòng qua chợ Đông Ba, một nhánh xuôi về Cồn Hến, một nhánh chảy ra Gia Hội rồi về Bao Vinh. Có những người bạn của tôi thì thích đoạn từ Bao Vinh lên đến Gia Hội, vì theo bạn là lúc nớ biết là sắp được bước lên phố...

Ngồi ngẫm lại thì dòng sông mà tôi gắn bó nhiều nhất là sông Hương, chứ không phải con sông nhỏ Ô Lâu quê tôi. Bởi tôi đã không biết bao nhiêu lần đi đò trên sông Hương, mơ mộng cùng sông Hương và chỗ làm việc của tôi trước đây rất gần sông Hương, gần đến nỗi có thể nhìn được giọt mưa, màu nắng trên mặt sông, nghe được tiếng thầm thì của sông hai mùa mưa nắng, hai mùa đục trong.

Tôi đã có lần viết một bài báo về sông Hương và được một bậc đàn anh kính thương khen nhiều lần. Tôi lại nhớ có một nhà thơ nào đó đã viết “Hương ơi có phải nàng không- Sông ấy chắc là mình có”. Tôi cũng thế, dòng Hương Giang luôn có trong tôi, tràn trề yêu thương!

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top