ClockThứ Sáu, 14/03/2025 06:27

Lan tỏa yêu thương cùng Đội 0 đồng SOS75 Huế

TTH - Bất kể nắng mưa, đêm khuya, ngày thường hay lễ, Tết, chỉ cần nghe điện thoại của người cần hỗ trợ, các thành viên của “Đội 0 đồng SOS75 Huế” đều nhanh chóng có mặt kịp thời để hỗ trợ người dân trong những tình huống khẩn cấp, bất khả kháng, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.

Tết sẻ chiaÁo dài Đông Ba, nét đẹp cuối tuầnSẻ chia vì cộng đồng

Các thành viên Đội O đồng SOS75 Huế tại lễ tuyên dương tập thể tiêu biểu của cộng đồng tình nguyện Huế chung tay xây dựng thành phố "Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc" giai đoạn 2022 - 2024 

Từ vận chuyển 0 đồng

Rạng sáng ngày 11/3/2025, chiếc xe cấp cứu mang dòng chữ “Đội 0 đồng SOS75 Huế” đã đưa em Phạm Thị L. N., sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại ngữ Huế bị tai nạn đường sắt tại nút giao đường Lương Văn Can, phường An Cựu (quận Thuận Hóa) không qua khỏi về đến quê nhà Hà Tĩnh. Đây là một trong số hàng trăm chuyến xe nghĩa tình do các thành viên trong đội thực hiện và cũng là chuyến xe cuối cùng của không ít nạn nhân xấu số không may bị tai nạn hoặc bệnh hiểm nghèo được bệnh viện trả về nhà.

Tiền thân là Đội cấp cứu Oxy và vận chuyển bệnh nhân COVID-19, thành lập vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, sau khi dịch bệnh được khống chế và tạm dừng các hoạt động hỗ trợ, Đội tiếp tục tận dụng phương tiện xe cấp cứu do các anh chị em ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ trước đó để hỗ trợ những gia đình khó khăn trong việc vận chuyển bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân khó khăn cần di chuyển từ Bệnh viện Trung ương Huế về các tỉnh, thành khu vực miền Trung. Do vậy, từ tháng 6/2022, Nguyễn Ngọc Nhật Hoàng (trú tại Tây Lộc, Phú Xuân) đã cùng với các cộng sự thành lập Đội xe 0 đồng Huế, sau này đổi tên thành Đội 0 đồng SOS75 Huế.

“Nhân duyên đưa đến quyết định thành lập đội xe đó là sau khi nhận hỗ trợ vận chuyển 1 ca bệnh nhi từ Bệnh viện Trung ương Huế vào quê nhà ở Quảng Ngãi, thấy hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn nên mình nghĩ, nếu như Đội không nhận hỗ trợ vận chuyển thì gia đình phải đi vay mượn mới có tiền trả chi phí thuê xe. Như vậy, cùng với nỗi đau mất người thân, gia đình phải gánh thêm một khoản nợ. Từ đó, các anh em cùng ngồi lại và bàn bạc đưa đến quyết định thành lập đội xe”, Nguyễn Ngọc Nhật Hoàng, Đội trưởng Đội 0 đồng SOS75 Huế chia sẻ.

Theo Nhật Hoàng, điều may mắn nhất cho đến thời điểm hiện tại để đội duy trì và hoạt động hiệu quả đó là sự tận tâm, nhiệt huyết và tấm lòng hướng thiện của anh em trong đội cùng với sự hỗ trợ vật chất, tinh thần của các cô chú, anh chị em trong và ngoài nước. Đây chính là động lực để Đội ngày càng phát triển và mở rộng quy mô, giúp đỡ nhiều hơn đến các trường hợp cần hỗ trợ.

“Khi nghe bác sĩ báo tin con trai không qua khỏi phải đưa về nhà lo hậu sự, cùng với nỗi đau mất con, lúc đó gia đình rất lo lắng vì bao nhiêu tiền của dành dụm và vay mượn được đều tập trung chạy chữa cho con trong thời gian dài, tiền bạc cạn kiệt. May lúc đó nhờ được các điều dưỡng gọi điện cho Đội xe 0 đồng và chỉ vài phút sau, các anh em đội xe đã có mặt hỗ trợ gia đình đưa con về nhà, rồi hỗ trợ thêm dịch vụ mai táng”, chị Nguyễn Thị Hà (Quảng Ngãi) chia sẻ sau hơn 3 tháng gia đình nhận sự hỗ trợ từ Đội 0 đồng SOS75 Huế.   

Với 7 thành viên từ những ngày đầu thành lập, đến nay đội có 43 thành viên. Từ 1 chiếc xe cấp cứu ban đầu, đến nay đội có 3 xe cấp cứu và 1 xe tải. Qua gần 3 năm hoạt động, Đội 0 đồng SOS75 Huế đã hỗ trợ hơn 800 chuyến xe đưa đón bệnh nhân miễn phí, mang lại niềm vui, chia sẻ khó khăn với các gia đình không may có người thân bệnh nặng, tai nạn không qua khỏi trở về nhà.

Đến xử lý sự cố

Sau thời gian đội xe 0 đồng đưa đón bệnh nhân hoạt động hiệu quả và được nhiều người dân biết đến, tin tưởng nhờ hỗ trợ, đồng thời nhận thấy các anh em trong đội có nhiều “tài lẻ”, như: sửa xe, sơ cấp cứu tai nạn, bơi lội, nấu ăn…, giữa năm 2024, Đội tiếp tục mở rộng thêm hoạt động hỗ trợ nạn nhân mất tích trên sông, sơ cấp cứu tai nạn, hỗ trợ người dân sửa chữa xe máy hư hỏng dọc đường, cũng như nấu các suất ăn miễn phí giúp đỡ người nghèo. Đến nay, Đội đã tổ chức hỗ trợ sửa chữa hơn 1.100 trường hợp hư hỏng xe vào ban đêm, trung bình mỗi đêm hỗ trợ từ 10 - 15 trường hợp. Cùng với đó là dịch vụ “Mai táng 0 đồng”, hỗ trợ nạn nhân mất tích trên sông, phát cơm từ thiện… được các thành viên trong Đội tích cực thực hiện.

Theo Nhật Hoàng, từ nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân, dự kiến trong năm 2025, đội sẽ trang bị thêm 2 xe cấp cứu đặt tại TX. Phong Điền và tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân. “Khó khăn lớn nhất hiện nay của Đội là không đủ phương tiện để hoạt động vì nhu cầu vận chuyển bệnh nhân ngày càng nhiều. Hiện nay, Đội chỉ có 3 xe cấp cứu và 1 xe tải nên thời gian tới nếu nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, Đội sẽ trang bị thêm phương tiện để duy trì và phát triển đội xe”, Nhật Hoàng chia sẻ.

Với Nhật Hoàng và các thành viên trong Đội, niềm vui lớn nhất là thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các mạnh thường quân và Đội vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý. Năm 2024, Đội được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh về đội nhóm tình nguyện tiêu biểu toàn quốc; Thành ủy Huế (cũ) tuyên dương tập thể tiêu biểu của cộng đồng tình nguyện Huế chung tay xây dựng thành phố “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc” giai đoạn 2022 - 2024; bản thân Nguyễn Ngọc Nhật Hoàng cũng được tuyên dương cá nhân tiêu biểu.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa tinh thần võ học

Trong khuôn khổ “Ngày hội Tinh hoa Võ Việt - Huế 2025”, tọa đàm “Võ học truyền thống trong giáo dục thế hệ trẻ” thu hút sự tham gia của nhiều võ sư, nhà giáo, cán bộ văn hóa và quản lý giáo dục. Tại đây, hành trình gìn giữ, lan tỏa tinh thần võ học trong trường học và cộng đồng được chia sẻ đầy cảm xúc và kỳ vọng.

Lan tỏa tinh thần võ học
Lan tỏa Tủ sách Huế & văn hóa đọc trong học đường

Để lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế và văn hóa đọc trong học đường, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức các hoạt động giới thiệu Tủ sách Huế ở các trường học. Báo Huế ngày nay đã có cuộc trò chuyện với ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố về những hoạt động này.

Lan tỏa Tủ sách Huế  văn hóa đọc trong học đường
Khi yêu thương trở thành phương thuốc

Điều trị bệnh nhân vốn vất vả nhưng với người bệnh tâm thần càng đặc biệt hơn, bởi họ luôn trong tình trạng chống đối, thậm chí có ý định tự sát. Nhân viên y tế làm việc trong môi trường này giữ nghề bằng tình thương và vượt lên bằng bản lĩnh.

Khi yêu thương trở thành phương thuốc

TIN MỚI

Return to top