ClockThứ Bảy, 14/10/2023 07:12

“Hữu duyên” với xôi bánh dày

TTH - Tôi ngồi cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, ngắm nhìn chợ Đông Ba tấp nập và dòng xe cộ ngược xuôi, chợt thấy vang vang một tiếng rao là lạ: “Xôi bánh dày đây!”. Tôi hơi ngờ ngợ, mở cửa bước ra thì thấy một dì khoác chiếc áo sơ mi trắng cũ, đầu đội nón lá với chiếc mẹt bên hông. Đó là người phụ nữ bán dạo món xôi bánh dày.

6 món ăn của Huế được vinh danh món ẩm thực tiêu biểu Việt NamCháo gà đêm Bến Ngự

 

Xôi bánh dày là món ăn đang trên đà thất truyền của Cố đô, chỉ còn rải rác dăm ba người bán rong và thật “hữu duyên” mới gặp được. Trước đây tôi cũng định “săn” cho được món bánh này nhưng rồi lu bu nhiều thứ lại quên bẵng, nay không tìm mà lại gặp, quả là hữu duyên!

Chiếc mẹt nho nhỏ của dì mở ra, một mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu lan tỏa giữa không gian, nhu mì và dân dã, những chiếc bánh trắng trẻo, tròn trịa nằm chen chúc nhau như những mẻ cá sớm mai. Bánh rất rẻ, chỉ 2.500 đồng một cái, hôm đó tôi ăn sáng đã no kềnh nhưng nhìn bánh yêu quá, tôi mua liền 6 cái. Dì bóc từng chiếc bánh, đặt trên một miếng lá chuối nhỏ, rắc muối mè và đưa cho tôi.

Tôi đón lấy bịch bánh trên tay, trong lòng dâng lên một niềm vui nho nhỏ. Bánh được bôi một lớp dầu ăn mỏng bên ngoài cho dễ tách, bùi dẻo, ngọt dịu như cơm, ăn nhiều mà không thấy ngán, là lựa chọn hay ho cho câu hỏi “Sáng nay ăn gì?”. Được làm từ bột nếp nhưng lại khá đằm bụng, xôi và bánh quyện vào nhau độc đáo, lại thêm muối mè mằn mặn, đậu xanh bùi thơm, không cho thêm đường để giữ được vị ngọt tự nhiên.

Tên gọi của bánh rất dân dã, có sao nói vậy, có xôi, có bánh dày thì gọi là xôi bánh dày thôi. Đây cũng là một biến thể sáng tạo của món bánh dày mà chàng Lang Liêu kính cẩn dâng lên vua Hùng trong cuộc thi tìm kiếm “trân cam mỹ vị” tiến cúng tiên vương. Cách làm bánh giản đơn như tên gọi: nguyên liệu chính là những hạt nếp tươi mới, có vẻ ngoài căng bóng, không bị vỡ, nếp đem đi rửa sạch, nấu chín thành xôi, khi xôi còn nóng thì giã nhuyễn thành bánh, chỉ chừa lại một ít làm nhân, sau đó xay nhuyễn phần đậu xanh đã được luộc. Kẹp xôi và đậu xanh vào giữa bánh, vậy là ta đã có một món ăn thơm ngon và giàu dinh dưỡng.

Xôi bánh dày hình như không hợp thị hiếu các bạn trẻ cho lắm, mùi vị bánh khá “hiền”, chân chất, không đặc sắc và đậm chất cung đình như các món ăn Huế khác, không có vị chua cay “bắt miệng” như món Thái Lan, màu sắc rực rỡ như món ăn Hàn Quốc hay vị ngọt béo của trà sữa Đài Loan. Chỉ những con người hoài cổ, muốn khám phá nền ẩm thực Huế xưa và trân quý những điều mộc mạc mới có hứng thú tìm kiếm và thưởng thức món bánh này. Sống ở Huế từ nhỏ, đến nay đã gần 30 năm, nhưng có những góc phố, con đường, những nét đẹp văn hóa tôi còn chưa khám phá hết, Huế quả thực “luôn luôn mới” trong tôi!

THỤC ĐAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế

TIN MỚI

Return to top