ClockThứ Sáu, 20/12/2024 06:06

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TTH - Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thốngTrao giải cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - mạch nguồn di sản”Một mất mát lớn của âm nhạc truyền thống Huế

Gia đình Huế rất coi trọng tình cảm họ hàng, dòng tộc, đề cao truyền thống hiếu học, đạo lý tôn sư trọng đạo. Ảnh: Đình Hoàng 

Trọng nền nếp gia phong

Theo góc nhìn của ông Mạnh, dưới tác động mạnh mẽ của xã hội hiện đại, hệ giá trị gia đình Huế đang có những biến đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Trong đó, có những nét đẹp chuẩn mực truyền thống vẫn được giữ gìn, nhưng cũng xuất hiện những hiện tượng lệch chuẩn.

Vị chuyên gia này cho rằng, bước vào các gia đình Huế người ta sẽ cảm nhận ngay được rằng người Huế sống rất có phép tắc, từ già tới trẻ. Tất cả tuân theo một khuôn phép gia phong đã có từ trước. Người lớn tuổi luôn được kính trọng và đề cao, lớp con cháu phải luôn giữ gìn phép tắc.

Cùng với việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ gia đình, gia đình Huế rất coi trọng tình cảm họ hàng, dòng tộc, đề cao truyền thống hiếu học, đạo lý tôn sư trọng đạo, lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người… Bên cạnh đó, gia đình Huế rất chú trọng thực hiện các nghi lễ cưới xin, tang ma, lễ tết và duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình. Điều này làm cho các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống và tính cách con người Huế trong cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế cũng làm cho gia đình Huế không tránh khỏi những tác động tiêu cực. “Một số gia đình thiên về mưu cầu lợi ích cá nhân đã lãng quên những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của gia đình; một bộ phận trong giới trẻ có tâm lý học đòi cách sống thực dụng, quay lưng lại với thuần phong mỹ tục của gia đình truyền thống Huế. Sự gắn kết của các thành viên trong gia đình ngày nay lỏng lẻo, thiếu tính bền vững hơn trước. Thuần phong mỹ tục của gia đình Huế vốn là niềm tự hào của bao thế hệ con người nơi đây đã trở nên mỏng manh, dễ bị đổ vỡ hơn, chuẩn mực đạo đức truyền thống bị xem nhẹ, những hiện tượng lệch chuẩn có xu hướng gia tăng”, ông Mạnh nhìn nhận.

Ở góc nhìn của mình, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, đạo đức cốt lõi của con người Việt Nam nói chung, người Huế nói riêng là chữ hiếu. Cùng với chữ hiếu, giá trị tâm linh được gìn giữ, đã vun đắp nên lễ nghĩa, tôn ti trật tự, sự vâng lời, lòng hiếu thảo. Từ đó, ông bà, cha mẹ giáo dục con cháu về những giá trị cốt lõi của đạo đức làm người, về các kỹ năng mưu sinh, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng nữ công gia chánh, kỹ năng nghệ thuật và cả kỹ năng lo việc hiếu hỷ. Cùng với nếp sống của ông bà, cha mẹ, con cháu học được cách ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế từ cách xưng hô, chăm sóc, lời thưa, lời nói…

Trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong xu thế vận hành chung của xã hội, gia đình truyền thống Huế hiện đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và mối quan hệ giữa các thành viên, thế hệ. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhiều giá trị gia đình đã có sự chuyển biến phù hợp hơn với tiến bộ xã hội, nhưng những đạo lý tốt đẹp trong giáo dục gia đình về đạo hiếu của người làm con cháu, đạo vợ chồng, anh em đoàn kết, sống trọng tình nghĩa… vẫn luôn được lưu giữ, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ông Nhân cho hay, những năm qua công tác xây dựng gia đình luôn được quan tâm, chú trọng. Gia đình Huế vẫn mang trong mình những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, có sự bảo tồn, cách tân, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và bổ sung các giá trị văn hóa mới. Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh vận động mỗi gia đình tăng cường giáo dục gia phong, nếp sống, lối sống tốt đẹp, văn minh cho các thành viên. Mỗi bậc ông bà, cha mẹ cần chú trọng làm gương cho con cháu thông qua thái độ, cách thức ứng xử hằng ngày đối với người thân, họ hàng, hàng xóm láng giềng và xã hội.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh hy vọng sẽ có nhiều giải pháp để bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Trong đó, chú trọng việc xây dựng một lối sống lành mạnh trong gia đình và ngoài xã hội; đừng để cho mặt trái của cơ chế thị trường tác động mạnh đến mọi mối quan hệ của con người. Phối, kết hợp giáo dục giữa gia đình - dòng họ - nhà trường - xã hội, coi đó là những nhân tố nền tảng trong việc bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Gia đình, dòng họ phải giữ lấy nền nếp kỷ cương, nhà trường phải trong sạch, chuẩn mực, xã hội phải ổn định, lành mạnh. Có như vậy mới tạo nên một giải pháp đồng bộ cho việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.

Cùng với đó, phải cụ thể hóa hệ giá trị chuẩn mực của gia đình Huế trong thời kỳ mới. Đồng thời, khắc phục, loại bỏ những nếp sống không còn phù hợp như gia trưởng, bất bình đẳng về giới, những nghi lễ rườm rà tốn kém trong ma chay, cưới hỏi…, và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa của nhân loại, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của lối sống trái với thuần phong mỹ tục - ông Mạnh đưa ra giải pháp.

NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đã từng đi qua chiến tranh, thấy được giá trị của sự độc lập, tự do, Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn xác định, để khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ phải chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

TIN MỚI

Return to top