ClockThứ Hai, 08/08/2022 06:44

Để lữ hành “làm chủ” du lịch Huế - kỳ 1: Yếu & thiếu - làm gì cũng khó

TTH - Một điểm đến phát triển là khi doanh nghiệp lữ hành đủ lớn mạnh, thể hiện đúng vai trò kết nối, xây dựng sản phẩm. Điều mà lâu nay du lịch Cố đô chưa làm được và đòi hỏi phải có những giải pháp “căn cơ” hơn trong thời gian đến.

Đường Trịnh Công Sơn - những điều trông thấyNhững điểm “nghẽn” của du lịch HuếNạn chèo kéo, cò mồi lại làm xấu hình ảnh du lịch Huế

Lữ hành là một trong ba trụ cột chính của du lịch, cùng với lưu trú và vận chuyển. Năng lực lữ hành của Huế còn hạn chế được cho là một trong các nguyên nhân khiến Huế mất dần vị thế trên “bản đồ” du lịch Việt Nam.

 

Lữ hành thiếu và yếu khiến du lịch Huế luôn bị động trong khai thác khách

Yếu và thiếu

Tính đến thời điểm giữa năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 72 đơn vị lữ hành; trong đó, có 46 đơn vị lữ hành quốc tế. Trong khi đó, TP. Hà Nội có 1.083 doanh nghiệp lữ hành; TP. Hồ Chí Minh có 454 doanh nghiệp lữ hành; Đà Nẵng có hơn 300 doanh nghiệp lữ hành… Theo so sánh năng lực cạnh tranh về điểm đến dựa trên lĩnh vực lữ hành của Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) mới đây, Huế bị “bỏ lại” phía sau khá xa, xét về quy mô, tổng lượng khách khai thác và doanh số đạt được. Thậm chí, phía đơn vị làm so sánh đưa ra thông số đáng phải suy ngẫm là chỉ một công ty lớn ở hai đầu cũng đã có tổng lượt khách khai thác được vượt xa tổng 72 đơn vị lữ hành ở Huế cộng lại.

Lữ hành của Huế hiện nay chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, đa số làm dịch vụ tại chỗ và cung cấp dịch vụ nối tour cho các công ty lữ hành hai đầu đất nước. Con số khai thác khoảng 3% trong tổng số khách đến Huế được nhắc nhiều năm qua khi nói về tình hình phát triển lữ hành ở Huế. Đây là con số khiến nhiều người phải bất ngờ, thể hiện sự “nhỏ bé” của doanh nghiệp Huế nếu đặt trong môi trường kinh doanh du lịch chung của cả nước. Theo Hội Lữ hành tỉnh, đa số lữ hành ở Huế trung bình mỗi năm khai thác được 1 - 2 ngàn khách/1 lữ hành, lợi nhuận sau thuế khoảng vài trăm triệu đồng.

Theo danh sách 10 lữ hành hàng đầu của Việt Nam do Tổng cục Du lịch công bố, không có bất kỳ doanh nghiệp nào ở Huế. Cũng trong 10 lữ hành đó, chỉ mới có 3 doanh nghiệp đặt văn phòng, chi nhánh ở Huế, gồm Vietravel, Saigontourisrt và Công ty CP Du lịch Hà Nội. Còn lại những lữ hành lớn, có thương hiệu lớn khác, như Bến Thành Tourist, Công ty CP Du lịch Việt… đều chưa thấy xuất hiện. Hay trong danh sách 10 lữ hành hàng đầu, Công ty Du lịch Buffalo tour từng đặt văn phòng tại Huế, nhưng đã rời đi cách đây vài năm.

Huế là thị trường nổi bật của khách quốc tế, song chưa có lữ hành khai thác trực tiếp

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: Giai đoạn mà du lịch Huế hưng thịnh nhất, trước đây tôi nhớ có một lữ hành quốc tế đến từ nước Pháp đặt trụ sở tại số 5 Lê Lợi, TP. Huế. Công ty này đưa rất nhiều khách từ Pháp, dòng khách truyền thống sang Huế, nhưng đến nay, khi hỏi lại thì biết được họ đã rời khỏi Huế từ lúc nào.

Đó là công ty du lịch quốc tế ít người biết, còn khi nhắc đến thời “vàng son” của lữ hành Huế, phải kể đến Công ty Du lịch Hương Giang, một trong 10 lữ hành lớn nhất Việt Nam thời điểm từ năm 2010 về trước. Với những người làm du lịch ở Huế lâu năm, thời điểm mà du lịch Huế giữ vị trí “đầu tàu” của du lịch Việt Nam (từ những năm 1995 - 2005), lữ hành Hương Giang như là “con cưng”. Theo một cán bộ làm trong ngành du lịch lâu năm, thời điểm đó, không ít lữ hành lớn trong nước và quốc tế muốn đặt trụ sở và mở chi nhánh tại Huế, nhưng do định hướng, chỉ tập trung và tạo điều kiện cho lữ hành Hương Giang nên Huế đã không tạo điều kiện cho các hãng lữ hành khác. Điều này khiến các hãng lựa chọn điểm đến khác. Riêng với lữ hành Hương Giang, sau đó thời gian, do chậm thay đổi theo xu hướng phát triển mới, nên từ lữ hành lớn hàng đầu, nay chỉ là công ty thuộc “top” trung bình ở Huế.

Hướng dẫn viên kỳ cựu Hoàng Trọng Đảng (hướng dẫn tiếng Tây Ban Nha), Công ty Du lịch Phượng Hoàng chia sẻ, công ty đã và đang khai thác rất tốt dòng khách châu Âu. Đây cũng là dòng khách truyền thống ở Huế, nhưng không đặt văn phòng ở Huế. Lãnh đạo công ty cho biết, trước hết là tầm nhìn của doanh nghiệp và thứ hai là điểm đến Huế chưa đủ sức lôi kéo, tính khả thi khi đặt văn phòng, bởi Huế không phải là trung tâm trung chuyển của khu vực.

Huế là điểm đến lớn, nhưng lữ hành chưa phát triển tương xứng

Làm gì cũng khó

Vì sao lữ hành Huế mất dần vị thế, phụ thuộc vào hai đầu và Đà Nẵng, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế phân tích, chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, việc ưu tiên đặt sân bay ở điểm nào là nơi đó sẽ phát triển. Đây là chiến lược quốc gia, lữ hành ở Huế sẽ bị động. Bên cạnh đó, thị trường tại chỗ rất quan trọng, như mở một nhà hàng kinh doanh, khách du lịch chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là khách bản địa. Với mức sống như ở Huế và cách tiêu dùng của người Huế còn kỹ càng thì thật khó để đòi hỏi có nhiều nhà hàng sang trọng, quy mô. So với các nơi, người dân Huế ít đi du lịch, chiều đi chưa nhiều cũng là nguyên nhân khiến lữ hành Huế chưa có nhiều cơ hội.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, “anh em” làm du lịch ở Huế còn trẻ và như “con nhà nông” khởi nghiệp; chủ yếu là dân tay ngang chuyển sang làm lữ hành, không được đào tạo chuyên ngành lữ hành bài bản mà chuyển từ nghề khác. Ở Huế cũng không có nhiều thầy dạy nghề giỏi để thế hệ sau học hỏi. Điều này dẫn đến nhiều công ty chưa xây dựng được mô hình kinh doanh bài bản.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, chỉ khi một lữ hành nào đó được hình thành ở Huế, hoặc các lữ hành đặt văn phòng, chi nhánh thì mới có trách nhiệm với điểm đến. Chẳng hạn như một lữ hành, khi có văn phòng ở Huế sẽ xây dựng tour mà ở đó Huế sẽ là điểm đến chính, sử dụng nhiều dịch vụ, số ngày lưu trú cũng được tăng lên. Còn như hiện nay, lữ hành không đặt văn phòng, Huế là điểm đến thứ cấp, nên số đêm mà khách ở lại Huế thường rất ít, đó là lý do mà thời gian lưu trú ở Huế rất bị động và dù rất cố gắng, nhưng vẫn chưa thể tăng trưởng.

Lữ hành luôn có vai trò rất quan trọng cho mỗi điểm đến. Dù xu hướng đi du lịch tự túc ngày càng nhiều, song khách đi tour luôn là yếu tố thể hiện bền vững và định hướng phát triển cho điểm đến. Lữ hành sẽ đưa khách đến cho mỗi điểm đến; quyết định sự hình thành và hoạt động ổn định cho các dịch vụ khác như lưu trú, vận chuyển hay các điểm đến. Chuyện Huế thiếu và yếu về lĩnh vực lữ hành đã được nhắc nhiều trước khi dịch bệnh xảy ra, sau dịch việc “bị động” vẫn tiếp diễn.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam thông tin, Huế có đủ các sản phẩm, nhưng phía các đối tác gần đây khi làm tour “bỏ băng” qua Huế; hoặc chỉ lựa chọn Huế duy nhất một đêm, dù lữ hành ở Huế đã tìm mọi cách giới thiệu thêm các sản phẩm mới, các địa điểm mới, vậy mà phía đối tác vẫn không quyết định dành thêm thời gian cho Huế.

Từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, để chuẩn bị nối lại các thị trường du lịch quốc tế, trọng tâm là Hàn Quốc và Thái Lan, tỉnh đã có những cuộc làm việc với các đối tác, các doanh nghiệp từ các thị trường. Mục tiêu là tiến đến đưa khách trực tiếp đến cho nhau thông qua các đường bay thẳng bằng hình thức “charter” (thuê nguyên chuyến), sau đó tiến đến mở chuyến cố định.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, mục tiêu là rất cần thiết, sớm có thể đưa khách quốc tế đến Huế, phục hồi du lịch tốt hơn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cả hai thị trường quan trọng trên đều chưa thể triển khai kết nối cụ thể. Phía chiều Hàn Quốc và Thái Lan cơ bản đã có khách và đảm bảo cho một số chuyến lâu dài, nhưng chiều từ Huế đi lại chưa thể đối ứng đủ. Ngành cũng đã rất cố gắng để kêu gọi lữ hành ở Huế xúc tiến khách, đưa khách đi du lịch ở hai thị trường trên, song phải thừa nhận lữ hành ở Huế chủ yếu nhỏ, năng lực có hạn nên chưa thể khai thác được nhiều khách.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

(Còn nữa)

Kỳ 2: Trách từ hai phía

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

Với “mác” giả mạo là các công ty chăm sóc sức khỏe (CSSK), những kẻ lừa đảo đưa ra lý do mời những người lớn tuổi đi du lịch ở những địa điểm nghỉ dưỡng với giá “0 đồng” để tri ân; mục đích lừa bán những sản phẩm CSSK, ngừa đột quỵ... với giá “trên trời”.

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động

TIN MỚI

Return to top