ClockThứ Năm, 06/06/2024 09:00

Nhân phẩm đạo đức là yếu tố quyết định của người lãnh đạo

TTH - Phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, nó là kết quả của tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu kiên trì. Người không tự giác giữ được cho bản thân sẽ đi đến suy thoái, biến chất, nhất là khi được trao cho chức vụ, quyền hạn. Đó là quy luật tất yếu. Thời gian chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng khóa 14 và nhiệm kỳ 2025-2030 cần được lưu tâm nhiều hơn cho vấn đề này.

Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũngĐức “liêm” của cán bộ hiện nay

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII. Ảnh: dangcongsan.vn

Nói chuyện với các đại biểu đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc ngày 27/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Có những người có thiếu thốn gì đâu mà sao tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến “chấm mút” rồi, nói nhỏ là “chấm mút”, nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng danh là đảng viên, dân khinh, coi thường. Tại sao vừa qua, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được dân ủng hộ? Vì nó đúng quá!”. Lời tâm huyết, thẳng thắn của Tổng Bí thư gợi mở xuất phát điểm cho tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên nói chung và đảng viên có chức quyền nói riêng.

 Đảng viên chân chính xem chức vụ, vị trí công tác như là phương tiện để khẳng định bản thân, thực hiện khát vọng cống hiến. Người tham vọng thì coi quyền lực là phương tiện thỏa mãn mưu cầu danh lợi, vật chất, lạc thú, “vinh thân phì gia”. Bất luận trường hợp nào thì khi có quyền “nói có người nghe, đe có người sợ”, cùng với nó, sự cám dỗ sẽ giăng ra như mạng nhện vây quanh. Nếu không biết giữ mình thì suy thoái, biến chất là khó tránh khỏi! Cuộc sống vật chất càng sung túc thì việc giữ gìn đạo đức cá nhân dường như ngày một khó hơn trong giữ gìn phẩm chất của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Dân gian có câu: “Nay ăn cắp quả trứng gà, mai sẽ ăn cắp con bò”. Lòng tham của con người cũng vậy, bắt đầu từ những lợi ích nhỏ nhặt và sẽ tăng lên từng ngày. Sa vào cạm bẫy của lòng tham nhiều khi người trong cuộc khó nhận biết. Nó như sợi dây thòng lọng trói buộc, nhẹ nhàng ban đầu rồi dần bị siết chặt mình lúc nào chẳng biết. Lòng tham không miễn trừ cho bất kỳ ai, hễ người có chút suy tư đến quyền lợi cá nhân sẽ rất dễ bị lôi kéo. Chỉ một giây phút bất cẩn, nhẹ lòng với ham muốn và cạm bẫy của quyền lực dễ làm hại cả cuộc đời.

 Khi đã có chức quyền khó tránh khỏi những mặt trái tiêu cực nếu không tỉnh táo. Nhiều bị cáo từng là Bộ trưởng, Bí thư cấp tỉnh khi đứng trước tòa đã nghẹn ngào khóc xin lỗi Đảng, Nhân dân vì để lòng tham dẫn dắt vào chốn tù tội, tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Trong hơn 10 năm qua, đã có hàng trăm ngàn cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý; hàng chục sĩ quan cấp cao lực lượng vũ trang, nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, anh hùng lao động, người có nhiều công đóng góp cho đất nước… bị kỷ luật, truy tố là từ hệ quả đó.

Cốt lõi phẩm chất của người cộng sản là “quên mình vì nước, vì dân”, suốt đời “Phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là thực tế đòi hỏi ở mỗi người cán bộ. Có người cho rằng, kinh tế thị trường lợi ích phải được hài hòa giữa riêng - chung. Tuy nhiên, không thể chỉ vì quyền lợi riêng mà quên nghĩa vụ chung, nhất là chỉ lo thu vén cho cá nhân. Mặt trái của cơ chế thị trường là “cạm bẫy” suy thoái rình rập, nhưng cũng chính nó làm ngời sáng phẩm chất của người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Muốn lãnh đạo người khác thì phải lãnh đạo chính mình, bảo đảm mọi lời nói, việc làm của mình đúng đắn thì nhất định sẽ có uy tín để lãnh đạo người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Khi Đảng ta quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị thì càng cần phải có những người đảng viên, lãnh đạo như thế. Yếu tố quyết định của người lãnh đạo là giữ cho được nhân phẩm đạo đức của bản thân trước khi đem mọi khả năng phục vụ đất nước và Nhân dân. Đó là đòi hỏi, không phải là khẩu hiệu suông!

Phấn đấu giữ được nhân phẩm đạo đức không quá khó khi biết giữ mình. Điều đáng nói, khi trở thành người có chức, có quyền, nhất là người đứng đầu, nhiều người quên mất “vũ khí” tự phê bình và phê bình. Khi chỉ thích nghe những lời xu nịnh, tìm sơ hở của những người thẳng thắn để trù dập, vô hiệu hóa thì con đường dẫn đến suy thoái, biến chất chỉ là một khoảng ngắn, thậm chí rất ngắn.                                                                    

NGUYỄN AN HÒA
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top