ClockThứ Tư, 07/09/2016 05:46

Dấu ấn dân vận ở Phú Lộc

TTH - Lộc Bổn tuy không phải là xã điểm của huyện Phú Lộc về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh đoàn kết, nên trong thời gian ngắn xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Kè sông Nông (Lộc Bổn) – một trong những công trình được người dân đồng tình, ủng hộ

Gần gũi, lắng nghe

Ông Trần Văn Hoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Lộc Bổn cho biết: “Tư tưởng, nhận thức của người dân là yếu tố quyết định dẫn đến sự nhanh hay chậm để “cán đích” NTM. Khi đã “khơi thông” tư tưởng, nhận thức, người dân sẵn sàng ủng hộ bằng việc tự giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện các tiêu chí về giao thông.”.

Những năm trước, khi bắt tay xây dựng NTM, Lộc Bổn gặp không ít khó khăn, nhất là trong mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Đây là vấn đề gắn liền với quyền lợi thiết thực, nên tư tưởng của người dân ít nhiều bị dao động. Ông Nguyễn Văn Thích, nguyên Trưởng thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn chia sẻ: “Khi mở rộng tuyến đường thôn Thuận Hóa, đa số bà con đồng tình, nhưng vẫn có người bất hợp tác do đụng chạm đến quyền lợi. Qua nắm tâm tư, nguyện vọng, chúng tôi nhận thấy, những hộ này chưa nhận thức được lợi ích của việc mở rộng tuyến đường. Những lúc như thế này, công tác dân vận cơ sở hết sức quan trọng. Tất cả cùng “vào cuộc” khuyên nhủ, giải thích, vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian, người dân hiểu ra và tự nguyện hiến đất, hoa màu, bàn giao mặt bằng để mở rộng tuyến đường”.

Xã Lộc Điền cũng sớm được công nhận xã NTM nhờ sự tự nguyện hiến đất, hoa màu, cây cối, giải phóng mặt bằng của người dân để xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh. Ông Huỳnh Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Trưởng khối Dân vận xã Lộc Điền thông tin: “Lộ trình xã đặt ra là mỗi năm phấn đấu thực hiện bằng được 2 đến 5 tiêu chí xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu, Đảng ủy xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để làm công tác dân vận. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm được đầu tư mới hay mở rộng nhờ cơ chế đặc thù của xã. Nghĩa là, Nhà nước hỗ trợ xi măng, Nhân dân góp ngày công và cùng giám sát để thực hiện. Kết quả công tác dân vận của xã được khẳng định bằng sự đồng thuận, nhất trí của người dân đối với chính quyền. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải luôn gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tập trung khắc phục khó khăn ở cơ sở”. Khi người dân đồng tình, người dân cũng làm dân vận. “Mỗi lần mở đường cái khó nhất là giải phóng mặt bằng. Bản thân tôi vừa tự nguyện hiến đất, vừa vận động bà con giáo dân trong thôn ủng hộ”, ông Lê Huế - một giáo dân trú tại thôn Lương Quý Phú (Lộc Điền) trò chuyện.

Linh hoạt hơn nữa

Thực tế hiện nay cho thấy, Phú Lộc vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án lớn. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc nhấn mạnh: Quá trình triển khai nhiều công trình, dự án cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng chẳng khác nào tháo gỡ những đường tơ của mạng nhện. Phải cân nhắc đủ điều để không làm sai quy định và người dân luôn được hưởng lợi cao nhất. Hiện cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng của một số công trình vẫn chưa được tốt, nhất là đơn giá bồi thường còn bất cập, chưa tạo sự đồng thuận trong dân, dẫn đến chây ỳ kéo dài.

Nhiệm vụ của đội ngũ làm công tác dân vận ở Phú Lộc hiện nay cũng như thời gian tới là phải thực hiện tốt hơn, linh hoạt hơn nữa mô hình “Dân vận khéo”. Hướng mạnh về cơ sở bằng những công việc cụ thể, đối tượng cụ thể để cùng với người dân tháo gỡ khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh.

“Lấy bài học kinh nghiệm trong vận động người dân đồng tình, ủng hộ hiến đất, cây cối để chính quyền xây dựng tuyến kè sông Nong thôn Hòa Mỹ, xã Lộc Bổn hiện nay để nhân rộng ra ở các địa phương khác trong toàn huyện. Chính sự năng động, gần dân của Bí thư Chi bộ thôn Hòa Mỹ ông Bạch Xuân Lệ và Trưởng thôn Hòa Mỹ, ông Võ Đại Cổng đã góp phần rất lớn để tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng ở cơ sở. Lợi ích của Đảng, Nhà nước gắn liền với quyền lợi của người dân, nên rất được Nhân dân đồng tình, ủng hộ”, ông Cái Lôi, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Lộc đúc rút.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 5/1, Phòng Dân tộc huyện Phú Lộc phối hợp với Hội Cựu giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cùng các nhà tài trợ tổ chức chương trình trao quà "Xuân yêu thương 2025". Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm mang đến niềm vui, sự sẻ chia cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

Chiều 21/12, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc thông tin, ca bệnh được các chuyên gia Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược (BVTĐHYD), ĐH Huế, cắt Amydale gây mê hiện sức khỏe ổn định, tiên lượng sẽ xuất viện vào ngày 24/12 tới.

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top