ClockThứ Hai, 27/01/2025 20:29

Về chợ quê, tìm lại hương vị Tết xưa

TTH.VN - Cuối năm, bạn rủ “mần một chuyến” về các chợ quê mua một ít đặc sản Huế về thắp hương và dùng trong ba ngày Tết.​ Vậy là lên xe, thẳng tiến về phía ven biển và đầm phá.

Hàng hóa dịp cận Tết tăng nhẹTết sẻ chia

Các loại bánh Huế được bày bán tại chợ quê    

Hành trình bắt đầu từ trung tâm Huế đi về chợ vùng biển Thuận An, qua cầu Tam Giang, ngược Quốc lộ 49B, ghé qua nhiều chợ, từ Cồn Gai, Vĩnh Tu, rồi ngược lên Điền Lộc, Điền Hương… nằm giữa một bên là đầm phá và một bên là biển rồi vòng lên Ưu Điềm (Phong Hòa, Phong Điền).

Chợ Cồn Gai (Quảng Công, Quảng Điền) ngày giáp Tết, vẫn tấp nập người mua và kẻ bán. Ở góc chợ, thấy có vài ba chiếc bàn máy may phục vụ người dân sửa áo quần trong những ngày giáp Tết. Hàng  hóa ở chợ khá phong phú, từ lương thực, thực phẩm, hoa, cây cảnh đến các loại nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ở các gian hàng, đọng lại đối với khách vãng lai như tôi là những dãy bòng bưởi, rổ trầu không của người già hay những loại bánh Huế truyền thống. Bánh in, bánh gạo được bày bán như thể để khách xa quê thấy ấm lòng khi tìm hương vị xưa trong ba ngày Tết. 

"Đặc sản" trong vườn tham gia vào phiên chợ Tết  

Nét đặc sắc của chợ Tết quê ở vùng ven biển và đầm phá Huế là, dù cơ sở vật chất, không gian bày bán các mặt hàng thiết yếu chưa được rộng rãi… nhưng xem ra cũng chẳng thiếu thứ gì. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành... đến những nải chuối, buồng cau... đều có. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm đều do người dân làm ra rồi tự mang đi bán.Những đôi quang gánh đi từ sáng sớm nhưng nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ rau mùi thơm hay nải chuối xanh… được người nông dân mang ra chợ, vừa tươi, vừa ngon mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị.

Các khu chợ nhỏ thường được bạn hàng trải tấm bạt bày bán các mặt hàng tại các khoảng đất trống, cũng có khi chỉ cần một cái ghế, cái kệ nhỏ bày biện những vật phẩm, tạo thành các gian hàng với thiết kế đa dạng, đậm chất dân dã. Chị  Đặng Thị Hạnh, bán cau ở chợ Ưu Điềm, thiệt thà như đếm: “ Cau của nhà trồng bán ngày cuối năm để có đồng ra, đồng vào nên khách có trả rẻ một tý cũng bán”. “Gian hàng” của chị Hạnh chỉ là buồng cau, mớ rau trị giá không quá 500 ngàn đồng nhưng bất kể thời tiết mưa gió chị cũng đều đặn mở hàng.

Đi qua ba bốn chợ ở vùng ven biển, về chợ Cồn Gai, tôi mới tìm được những đòn bánh khô ưa thích. Đây là loại bánh được làm từ lúa nếp được bung thành nổ, đem trộn đều với các nguyên liệu mứt gừng, cà rốt giã nhỏ, đậu phộng, đường xay mịn đổ vào khuôn dùng chày đóng mạnh, cho ra một đòn bánh dài khoảng 40cm, vuông vức bốn mặt. Người bán bỏ vào thùng xốp không bày biện ra và chỉ dành cho người mua muốn đặt hàng.

Công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội bày bán đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà nên rất nhiều người có xu hướng mua hàng online. Thế nhưng, mỗi khi Tết đến ai cũng nôn nao về nhà, về quê, và vẫn thích đi chợ quê ngày Tết. Chợ quê là nơi gắn bó cũng là ký ức của nhiều người con xa quê. Với nhiều người, chợ quê như thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng  tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. 

Quanh năm tất bật với công việc, chị Trần Thị Lý quê ở Phong Điền về quê ăn Tết cho biết: “Hai năm tôi mới về quê ăn Tết một lần nên thường dành thời gian đi chợ Tết. Tôi đi chợ không hẳn là đi sắm Tết mà muốn tận hưởng không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Người dân đi chợ đông vui, đa số là người quen nên vừa được mua sắm lại được gặp nhau, hỏi thăm sức khỏe. Tôi cảm nhận được sự bình yên, chất phát của bà con nơi đây”. 

Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ Tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người. Không ngoa khi có người nói rằng, đi chợ quê sẽ mang lại cho chúng ta hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Thế nên, mỗi lần nghe ai rủ về quê đi chợ Tết, tôi cứ xốn xao ...

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón Giao thừa trong mưa

Dù tiết trời lạnh cùng cơn mưa có phần nặng hạt nhưng dòng người vẫn đổ về các điểm bắn pháo hoa đón chào năm mới - Năm Ất Tỵ 2025.

Đón Giao thừa trong mưa
10 sự kiện nổi bật năm 2024

Năm 2024 là năm có nhiều dấu ấn đặc biệt quan trọng và ý nghĩa đối với thành phố Huế. Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật trong năm qua do Huế ngày nay bình chọn.

10 sự kiện nổi bật năm 2024

TIN MỚI

Return to top