ClockThứ Hai, 02/12/2019 05:30
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP VÀ ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải chặt chẽ

TTH - Có những hạn chế tuy không phổ biến, nhưng cần đặt ra để xử lý thấu đáo cho từng khâu trong công tác quy hoạch (QH), điều động, bổ nhiệm cán bộ. Phải có cơ chế, chính sách chặt chẽ, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu ổn định, lâu dài và đòi hỏi các cấp phải thực sự công tâm, khách quan để chọn được đội ngũ cán bộ có đủ tâm, đủ tài.

Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ công nhân viên chức80 cán bộ tham gia lớp tập huấn công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cơ sởMạnh dạn thay đổi cán bộ, tạo bước đột phá trong công tác lãnh, chỉ đạoĐào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cho cách mạng công nghiệp 4.0

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Ảnh: baochinhphu.vn

Tạo cơ chế “mở” nhưng phải kiểm soát chặt chẽ

Theo Hướng dẫn 15-HD/BTCTW ngày 5/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) thì quy hoạch (QH) cán bộ phải thực hiện phương châm “động” và “mở”. Nghĩa là 1 chức danh  không QH quá 3 người, 1 người không quá 3 chức danh và có đưa vào hoặc loại ra khỏi diện quy hoạch.

Hướng dẫn còn nêu rõ: “Giới thiệu cán bộ vào QH không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không chỉ đưa vào QH những cán bộ tại chỗ mà cần xem xét, đưa vào QH những đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng đảm nhiệm chức danh QH ở địa phương, cơ quan đơn vị khác”.

Phương châm đó đã đặt ra cơ chế “thoáng” về công tác cán bộ không những trong QH mà còn liên quan đến quá trình điều động, luân chuyển, bổ nhiệm. Ưu điểm là tránh được tình trạng khép kín, cục bộ, chọn được lãnh đạo có năng lực bổ nhiệm vào nhiều vị trí khác nhau. Nhưng nếu làm không chặt chẽ, không khách quan sẽ gây nên nghi kỵ, xung khắc và những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh. Khi đã QH thì cấp trên có quyền điều động cán bộ từ đơn vị này để giới thiệu bầu cấp ủy hoặc bổ nhiệm ở một đơn vị khác. Nếu không vì cái chung thì sẽ là “môi trường” thuận lợi cho điều động theo ê kíp, người nhà, người thân, kể cả trường hợp “chạy” vào những vị trí có nhiều quyền lợi.

Người được QH tại chỗ mất cơ hội phát triển dễ nảy sinh bất mãn, tiêu cực, nản chí phấn đấu nếu không xác định tư tưởng vững vàng. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ ở những nơi cán bộ được điều động đến.

Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương tạo cơ chế “mở” cho công tác cán bộ, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không để chủ trương này phát sinh biến tướng của nạn chạy chức, chạy quyền, chạy vị trí…

Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Hy vọng với quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Chính trị sẽ hạn chế các vấn nạn trên, cán bộ không thể lộng quyền như thời gian trước đây.

Cùng với QH trong Đảng cũng cần tính đến chủ trương lãnh đạo đảm nhiệm 2 chức danh trong Đảng và chính quyền theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Trong đó, chức danh Bí thư hoặc Phó bí thư cấp ủy là thủ trưởng của đơn vị, là Chủ tịch HĐND hoặc UBND.  Như vậy, quy hoạch nhân sự cấp ủy cũng là một bước lựa chọn lãnh đạo cho cơ quan dân cử, cơ quan hành chính. Hiến pháp nước ta xác định: “Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” mọi mặt của đời sống xã hội, cho nên QH trong Đảng phải gắn kết với QH quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và ngược lại.

QH trong Đảng nếu làm không khách quan, chọn người không có năng lực quản lý hoặc có vấn đề về phẩm chất đạo đức sẽ ảnh hưởng đến kết quả khi đưa ra bầu ở các cơ quan dân cử. Những nhiệm kỳ trước không thiếu trường hợp dự kiến sẽ là Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND nhưng khi bầu vào HĐND lại bị trượt. Cho nên, khi làm công tác QH của cấp ủy phải có quan hệ gắn với QH cơ quan dân cử,  cơ quan hành chính và ngược lại. QH phải được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cán bộ, Nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ. Điều quan trọng nhất là chọn đúng người có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo Đảng và chính quyền.

Kiểm soát vấn nạn chạy chức, chạy quyền

Bên cạnh QH là công tác điều động, bố trí Bí thư cấp tỉnh, huyện và trưởng một số đầu ngành không phải là người địa phương. Dù là một chủ trương đúng và cần thiết nhưng cũng gây ra những xáo trộn tâm lý chờ đợi cho người sẽ được luân chuyển và người tại chỗ. Với những người luân chuyển thì thời gian làm việc còn dài, có điều kiện phát triển lên nữa nên không có gì đáng bàn. Nhưng với những trường hợp cấp trưởng còn tuổi công tác nhưng không đủ độ tuổi cho nhiệm kỳ thì diễn biến lại khác. Biết chắc chắn phải chuyển đi nơi khác theo quy định là đương nhiên, nhưng đi đâu, vị trí có thích hợp hay không thì không thể tự quyết định! Không bộc lộ ra, nhưng tâm lý chờ đợi vào “phút chót” là cả một khoảng thời gian diễn biến tâm lý không bình thường. Đây cũng chính là thời điểm dễ phát sinh tiêu cực nhằm “vận động hành lang”, “chạy ghế” hoặc bê trễ công việc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo “chạy là không dùng”, nhưng khó nói là họ không tìm cách tác động nơi này, nơi khác. Nếu không được theo dõi chặt chẽ  sẽ rất nan giải trong kiểm soát vấn nạn chạy chức, chạy quyền vốn đã tồn tại lâu nay. Cho nên, chủ trương này cần được thể chế bằng những quyết định mang tính nguyên tắc, cơ chế bền vững để hạn chế tiêu cực của cán bộ và lợi dụng quyền lực của cấp có thẩm quyền. Chỉ thị 35 về chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ cơ chế chính sách cho số lãnh đạo không đủ tuổi nhiệm kỳ, nhưng cũng cần có quyết sách dài hạn…

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top