ClockThứ Hai, 11/10/2021 05:51

Cảnh báo về môi trường

Cuối tuần qua, bản tin “Việt Nam hôm nay” vào khung giờ vàng cuối ngày đã phát đi hình ảnh từ Brazil, khi rác thải được chiếu lên bức tượng Chúa Cứu Thế ở thành phố Rio de Janeiro. Động thái này nhằm phản đối tình trạng rác thải nhựa đang tràn lan khắp các đại dương, truyền đi thông điệp kêu gọi nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường.

Số liệu từ tổ chức Liên Hiệp Quốc cho thấy, mỗi năm, có hơn 80 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương. Nếu thói quen sử dụng rác thải nhựa trên toàn cầu không được cải thiện, dự báo đến năm 2050, lượng rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn... cá. 

Không chỉ vấn nạn rác thải nhựa, một phát hiện mới đây thực sự đã gây chấn động, khi các nhà khoa học Mỹ công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy, trái đất đang ngày một tối dần với  tốc độ đáng kể. Nghiên cứu được tiến hành suốt 20 năm cho thấy, phản xạ ánh sáng của trái đất đang ngày càng giảm, nguyên nhân do độ che phủ của mây đang giảm dần.

Điều các nhà khoa học lo ngại là khi độ che phủ của mây giảm, ánh sáng mặt trời chiếu vào trái đất sẽ nhiều hơn, khiến nhiệt độ trái đất tăng lên hàng năm cao hơn, dẫn đến biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt hơn, khó lường hơn. Kèm với đó là hiện tượng thời tiết cực đoan, băng tan, nước biển dâng, bão lụt, sạt lở, hạn hán... đe dọa. 

Cũng cuối tuần qua, khi miền Bắc hứng cơn bão số 7 chờm vào bờ, nguy cơ từ hiện tượng LaNina do tác động của biến đổi khí hậu cũng được cảnh báo. Các chuyên gia thủy văn nhận định, năm nay, do ảnh hưởng La Nina, mùa bão sẽ kéo dài cho đến tháng 1 năm 2022 với tần suất các cơn bão nhiều hơn. Các đợt lũ lụt cũng dày hơn, khốc liệt hơn, có khả năng tái lặp các đợt thiên tai nặng nề ở miền Trung trong năm 2020.

Những cảnh báo đáng lo ngại trên về môi trường được gióng lên, khi  thế giới chuẩn bị kỷ niệm Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, là dịp để nhắc nhở nhân loại về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, những thảm họa thiên tai đã được đánh động, vấn nạn rác thải nhựa vẫn chưa thuyên giảm. Trong khi đó, theo số liệu từ Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), gần 70% diện tích rừng nguyên sinh trên thế giới đã bị hủy hoại. Chỉ tính riêng trong một thập kỷ qua, hơn 43 triệu ha rừng trên thế giới đã biến mất. Nhưng con số này chưa đầy đủ khi chỉ được ghi nhận tại một số điểm nóng chặt phá rừng. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong vòng 4 năm (từ 2016-2019), do nhiều nguyên nhân, diện tích rừng của cả nước bị thiệt hại lên tới 7.283ha. Việc con người hủy hoại rừng khiến cho tình trạng "vùng đệm tự nhiên" ngăn chặn biến đổi khí hậu nhanh chóng biến mất.

Thực tế trên đòi hỏi những giải pháp bảo vệ môi trường cần được đặt ra nghiêm túc hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, để hạn chế, tránh những thảm họa thiên tai khó lường khi môi trường sống của con người đang bị chính con người xâm hại nghiêm trọng. 

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia cảnh báo về cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới

Ngày 16/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo cho biết năm 2024, hầu hết các nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình, tạo tiền đề cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.

Chuyên gia cảnh báo về cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới
Kiểm soát hồ đập, cảnh báo thiên tai bằng công nghệ số

Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng và thiếu nước gia tăng, TP. Huế đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Đặc biệt, việc kiểm soát an toàn hồ đập và cảnh báo sớm bằng công nghệ số đang trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ người dân và hạ tầng đô thị một cách chủ động, thông minh và kịp thời trước tác động của biến đổi khí hậu.

Kiểm soát hồ đập, cảnh báo thiên tai bằng công nghệ số

TIN MỚI

Return to top